Quận Tây Hồ đồng hành cùng sự phát triển của Thủ đô

Ngày 1-8-2008, Nghị quyết số 15 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan chính thức có hiệu lực. 15 năm qua, cùng với sự phát triển của Thủ đô, quận Tây Hồ đã có những bước tiến mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, diện mạo đô thị ngày càng khang trang, sạch đẹp, hiện đại, trở thành một trong những nơi đáng sống của Thủ đô.

Phát triển kinh tế đi đôi với xây dựng đời sống văn hóa

Theo Phó bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến, nhờ các chính sách thông thoáng, chú trọng cải cách hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, với định hướng phát triển kinh tế bền vững theo cơ cấu “dịch vụ - công nghiệp – nông nghiệp”, Quận đã tập trung nguồn lực đầu tư cho hệ thống hạ tầng đô thị nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, tạo điều kiện để phát triển ngành dịch vụ, du lịch gắn với các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, các làng nghề truyền thống trên địa bàn; tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trở lại bình thường sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Đến tháng 6-2023, trên địa bàn quận đã có 6.382 tổ chức, doanh nghiệp và 7.932 hộ kinh doanh (năm 2010, trên địa bàn quận có 2.201 doanh nghiệp và 4.426 hộ kinh doanh). Giá trị sản xuất các ngành do quận quản lý tăng bình quân trên 13,48%/năm. Đặc biệt, cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch rõ rệt. Nếu như năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh đạt 177,2 tỷ đồng; doanh thu thương mại-dịch vụ-du lịch đạt 4.992,4 tỷ đồng; giá trị sản phẩm trồng trọt đạt trên 140 triệu đồng/ha… thì đến nay, giá trị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh của quận đạt 477,8 tỷ đồng; doanh thu thương mại, dịch vụ, du lịch đạt 49.417,9 tỷ đồng; giá trị sản phẩm trồng trọt bình quân 232,3 triệu đồng/ha. Tổng thu ngân sách trên địa bàn quận năm 2022 ước đạt 4.182 tỷ 615 triệu đồng, tăng hơn 10 lần so với năm 2008 (368,75 tỷ đồng).

Để thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế, công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án phát triển hạ tầng đô thị và xã hội luôn được Ban Thường vụ Quận ủy qua các thời kỳ tập trung chỉ đạo quyết liệt với phương châm: Dân chủ, công khai, công bằng và đúng pháp luật. Nhiều dự án trọng điểm của Thành phố như: Hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây, đường Lạc Long Quân, Âu Cơ, An Dương Vương, Xuân La, cầu Nhật Tân, đường Vành đai II, đường Văn Cao - Hồ Tây... được hoàn thành. Cùng với đó, nhiều khu đô thị mới, khu vui chơi, giải trí hiện đại được quy hoạch bài bản; hệ thống điện chiếu sáng, cấp nước sạch, thoát nước được cải tạo, nâng cấp đồng bộ; các tuyến đường giao thông, dân sinh được bê tông hóa....

Công tác quản lý Hồ Tây và bảo vệ môi trường được Ban Thường vụ Quận ủy qua các thời kỳ đặc biệt quan tâm.

Công tác quản lý Hồ Tây và bảo vệ môi trường được Ban Thường vụ Quận ủy qua các thời kỳ đặc biệt quan tâm.

Việc xây dựng và triển khai thực hiện các đề án khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế của quận được tập trung chỉ đạo, bước đầu thu được kết quả tốt, góp phần quảng bá tiềm năng du lịch gắn với phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa và các làng nghề truyền thống. Tiêu biểu có thể kể đến như: Đề án “Điểm giới thiệu quảng bá và bán sản phẩm OCOP”; “Điểm thông tin giới thiệu, quảng bá dịch vụ du lịch văn hóa quận” và đề án “Trung tâm giới thiệu và thưởng thức Trà Sen Tây Hồ”, “Tổ chức không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố quận Tây Hồ”...

Đặc biệt, Tây Hồ là quận đầu tiên trên của thành phố triển khai xây dựng thành công mô hình “Phường văn hóa”. Đến nay, toàn quận đã có 5/8 phường đạt danh hiệu "Phường văn hóa" và đang phấn đấu xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị… Hệ thống nhà văn hóa, nhà sinh hoạt được đầu tư, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Tây Hồ cũng là đơn vị đầu tiên của Thành phố thực hiện việc kiểm kê hàng ngàn cổ vật trong 63 di tích lịch sử văn hóa của quận, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, lưu giữ, phát huy các giá trị di tích lịch sử… Số hộ dân được công nhận gia đình văn hóa - sức khỏe giai đoạn 2020-2022 đạt trung bình 94,4%; số tổ dân phố được công nhận “Tổ dân phố văn hóa” giai đoạn 2020-2022 đạt trung bình 94,1%.

Bên cạnh đó, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân có nhiều tiến bộ. Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố về cơ sở vật chất, trang thiết bị và cán bộ; đã duy trì, giữ vững chuẩn tiêu chí quốc gia về y tế tại 8/8 phường. Tỷ lệ lập hồ sơ quản lý sức khỏe toàn dân đạt 92,82%. Các chỉ số sức khỏe của người dân được cải thiện đáng kể.

Đi đầu hỗ trợ các huyện khó khăn

Thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025, quận Tây Hồ luôn tiên phong, đi đầu trong việc hỗ trợ các địa phương ngoài địa bàn Hà Nội phát triển kinh tế-xã hội. Đồng chí Trần Thị Thu Hường, Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Tây Hồ cho biết, từ năm 2011 đến nay, quận Tây Hồ đã dành gần 400 tỷ đồng hỗ trợ các huyện ngoại thành. Đặc biệt, giai đoạn 2021-2023, quận Tây Hồ đã hỗ trợ 210,8 tỷ đồng (gần 50%) trên tổng số 444,5 tỷ đồng các quận của Hà Nội giúp các huyện Mỹ Đức, Sóc Sơn, Ứng Hòa, Mê Linh, Phú Xuyên và Phúc Thọ thực nâng cấp cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới. Nhiều công trình đã và đang được xây mới với sự hỗ trợ thiết thực của quận Tây Hồ, như: Trường mầm non xã Tiến Thắng (Mê Linh); Trường Tiểu học Tảo Dương Văn (Ứng Hòa), có quy mô 16 phòng học và đầy đủ các phòng chức năng; nâng cấp cơ sở hạ tầng tại huyện Phúc Thọ…

Quận Tây Hồ bàn giao nhà Đại đoàn kết cho gia đình bà Đặng Thị Quầy (thôn An Mỹ, xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ). Ảnh: Ban tuyên giáo Quận ủy Tây Hồ

Quận Tây Hồ bàn giao nhà Đại đoàn kết cho gia đình bà Đặng Thị Quầy (thôn An Mỹ, xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ). Ảnh: Ban tuyên giáo Quận ủy Tây Hồ

Phát huy tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, không chỉ hỗ trợ các quận, huyện ở Hà Nội, quận Tây Hồ còn hỗ trợ nhiều địa phương khác xây dựng cơ sở hạ tầng như tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng; hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và liên kết phát triển ngành hàng hoa đào tại thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk.

Phó bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến chia sẻ, dù kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, song với tinh thần tương thân tương ái, không để ai bị bỏ lại phía sau, quận Tây Hồ luôn dành một nguồn ngân sách để hỗ trợ các địa phương gặp khó khăn phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.

THANH SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/quan-tay-ho-dong-hanh-cung-su-phat-trien-cua-thu-do-738295