Quan tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp

Xác định kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Do đó, trong những năm qua, tỉnh ta đã xây dựng và triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng. Điển hình phải kể đến Nghị quyết số 214/2022/NQ-HĐND, ngày 13/4/2022 của HĐND tỉnh về ban hành Chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2026.

Một khóa đào tạo bồi dưỡng kiến thức về khởi sự doanh nghiệp theo chính sách, nhiệm vụ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp năm 2023. Ảnh: Tùng Lâm

Để Nghị quyết số 214/2022/NQ-HĐND nhanh chóng đi vào cuộc sống, ngay sau khi có hiệu lực thi hành, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương, đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 140/KH-UBND, ngày 19/5/2022 thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa năm 2022; Kế hoạch số 23/KH-UBND, ngày 10/2/2023 thực hiện chính sách, nhiệm vụ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa năm 2023. Theo đó, đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương, đơn vị để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương và các cơ quan báo chí trong tỉnh đã tập trung tuyên truyền, phổ biến về chính sách, đối tượng, điều kiện và định mức hỗ trợ,... đến cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và Nhân dân. Ngoài ra, trong quá trình tư vấn, hướng dẫn tổ chức, công dân thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thông tin, phổ biến, hướng dẫn người thành lập doanh nghiệp và doanh nghiệp về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đang triển khai trên địa bàn tỉnh. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với VCCI tỉnh Thanh Hóa, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và các đơn vị liên quan tổ chức các hội nghị giới thiệu một số nền tảng, giải pháp chuyển đổi số và cách xác định chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp; giới thiệu chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp theo Nghị quyết số 214/2022/NQ-HĐND...

Với sự vào cuộc tích cực của các ngành, địa phương, đơn vị, đến nay Nghị quyết số 214/2022/NQ-HĐND đã và đang được triển khai với 7 nội dung hỗ trợ. Theo đó, tổng kinh phí thực hiện trong 2 năm 2022-2023 là 20,933 tỷ đồng (năm 2022 là 6,227 tỷ đồng; năm 2023 là 14,306 tỷ đồng). Có thể nói, việc ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết số 214/2022/NQ-HĐND đã thể chế hóa chủ trương, định hướng, mục tiêu, giải pháp phát triển doanh nghiệp của tỉnh Thanh Hóa. Qua đó, góp phần thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Đồng thời, tạo cơ sở cho việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp cả về số lượng, chất lượng, gắn với nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp theo hướng bền vững...

Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 214/2022/NQ-HĐND vẫn còn những hạn chế. Đó là kết quả thực hiện một số nội dung hỗ trợ doanh nghiệp đạt thấp so với kế hoạch và dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền giao. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó, nghị quyết được triển khai trong bối cảnh giá xăng dầu, điện, nguyên, nhiên vật liệu, lãi suất ngân hàng tăng cao; hoạt động sản xuất, kinh doanh và thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp bị thu hẹp; nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động và thời gian làm việc... dẫn đến việc thực hiện chính sách gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, nội dung “hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa và hỗ trợ kinh phí tư vấn chuyển đổi số và áp dụng công nghệ số” trong Nghị quyết số 214/2022/NQ-HĐND áp dụng đối tượng, trình tự thủ tục hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP, ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, hiện Bộ Tài chính chưa có văn bản hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước vốn chi thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 28 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP). Do đó, các đơn vị được giao chủ trì triển khai Nghị quyết của HĐND tỉnh chưa có cơ sở thực hiện...

Có thể nói, Nghị quyết số 214/2022/NQ-HĐND ra đời được kỳ vọng sẽ góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển doanh nghiệp; cũng như thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025. Do đó, để tiếp tục triển khai hiệu quả nghị quyết trong thời gian tới, các ngành, địa phương, đơn vị cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến để tinh thần và nội dung nghị quyết được lan tỏa sâu rộng. Từ đó, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển doanh nghiệp. Đồng thời, quyết liệt và trách nhiệm hơn nữa trong việc tổ chức triển khai các nội dung chính sách hỗ trợ. Chú trọng nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là thực hiện nội dung hỗ trợ kết nối, chia sẻ thông tin, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp trên nền tảng số của các cơ quan hành chính Nhà nước tỉnh Thanh Hóa...

Hoàng Xuân

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/xay-dung-dang/quan-tam-ho-tro-phat-trien-doanh-nghiep/205901.htm