Quan tâm hỗ trợ nhà ở cho người dân vùng dân tộc thiểu số

Theo đề án thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, toàn tỉnh có trên 3.900 hộ DTTS thiếu đất sản xuất, trên 1.300 hộ thiếu đất ở và trên 3.800 hộ thiếu nhà ở cần hỗ trợ. Đây được xác định là một vấn đề bức thiết trong vùng đồng bào DTTS.

Ngôi nhà tạm bợ của gia đình bà Bùi Thị Vín, hộ đặc biệt khó khăn tại xóm Sào Mọng, xã Tuân Đạo (Lạc Sơn).

Ngôi nhà tạm bợ của gia đình bà Bùi Thị Vín, hộ đặc biệt khó khăn tại xóm Sào Mọng, xã Tuân Đạo (Lạc Sơn).

Xóm Sào Mọng, xã Tuân Đạo (Lạc Sơn) có 100% bà con DTTS sinh sống. Xóm có trên 100 hộ dân, trong đó có 56 hộ thuộc diện hộ nghèo. Về Sào Mọng có thể thấy, đường giao thông tuy đã từng bước được cứng hóa nhưng còn một số chòm xóm vẫn là đường đất, đi lại vào mùa mưa gặp nhiều khó khăn. Những năm qua, một trong những trăn trở lớn của người dân là vấn đề thiếu nước sinh hoạt. Bên cạnh đó, vẫn còn một số hộ gặp khó khăn về nhà ở, đất sản xuất. Ông Bùi Văn Biên, Phó Bí thư chi bộ xóm Sào Mọng cho biết: Hiện nay, trong xóm còn khoảng hơn 10 hộ sinh sống trong căn nhà xập xệ, tạm bợ. Có những căn nhà xuống cấp trầm trọng như hộ ông Bùi Văn Nhìn, hộ bà Bùi Thị Vín. Không chỉ về nhà ở, bà con cũng gặp nhiều khó khăn về đất ở.

Như gia đình bà Bùi Thị Vín là hộ khó khăn nhất xóm, hiện sinh sống trong căn nhà hết sức tạm bợ được xây dựng ở sườn đồi. Căn nhà được xây bằng gạch bi, cao quá đầu người lớn một chút và chỉ rộng chừng 10 m2. Bên trong đồ đạc không có gì đáng giá, với chiếc giường bằng tre gỗ thô sơ và đôi chiếc chăn, màn cũ. Bà Vín năm nay ngoài 60 tuổi, sức khỏe yếu vì thường xuyên đau ốm. Chồng bà cũng vậy nên quanh năm, suốt tháng đi kiếm củi, đi chăn trâu thuê để mưu sinh. Vì thế, không biết đến bao giờ gia đình mới có thể xây dựng được căn nhà để ở.

Cũng theo ông Bùi Văn Biên, những hộ như gia đình bà Vín, ông Nhìn rất khó để sửa chữa hoặc xây dựng được căn nhà mới nếu không có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành. Bên cạnh đó, bà con mong muốn được tiếp cận các chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi để có điều kiện để xây dựng nhà ở kiên cố và phục vụ phát triển kinh tế. Thực tế, hiện nay chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã và đang triển khai chương trình tín dụng cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Đến nay đã có 2 phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội các huyện Lạc Thủy và Tân Lạc thực hiện giải ngân vốn vay của chương trình này. Cụ thể, đã có 39 hộ được vay vốn với tổng dư nợ 2,37 tỷ đồng.

Theo chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh, qua rà soát cho thấy, nhiều hộ trên địa bàn tỉnh mong muốn được vay vốn đối với chương trình cho vay theo Nghị định số 28/2022/ NĐ-CP của Chính phủ với tổng nhu cầu vốn trên 150 tỷ đồng. Việc triển khai kịp thời, hiệu quả chương trình tín dụng này sẽ góp phần giải quyết những khó khăn về nhà ở, đất ở đối với những hộ khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Viết Đào

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/173419/quan-tam-ho-tro-nha-o-cho-nguoi-dan-vung-dan-toc-thieu-so.htm