Quan tâm gỡ khó cho các cơ sở đóng tàu, thuyền chưa đủ điều kiện cấp phép

'Khó khăn lớn nhất hiện nay của các chủ cơ sở đóng tàu thuyền như Cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền composite Lưu Huyền của gia đình tôi là không có đất để mở rộng diện tích xưởng sản xuất; không đáp ứng được yêu cầu về bộ phận giám sát, cán bộ kỹ thuật số lượng lớn theo tinh thần của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản năm 2017', anh Nguyễn Văn Lưu, chủ Cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền composite Lưu Huyền ở thôn Thái Lai, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh chia sẻ.

Một cơ sở đóng mới, cải hoán tàu thuyền ở xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh - Ảnh: H.A

Anh Lưu cho biết, năm 2014 huy động toàn bộ nguồn vốn tích lũy của gia đình, cộng thêm vay mượn từ bạn bè, người thân, anh mở cơ sở đóng thuyền bằng composite. Từ năm 2014 đến nay bình quân mỗi năm cơ sở của gia đình anh sản xuất bình quân khoảng 30 - 40 chiếc thuyền bằng composite với kích cỡ thấp nhất từ 5,7 - 6 m, cỡ lớn đến 15 m cung cấp cho ngư dân xã Vĩnh Thái cũng như ngư dân ở các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên Huế với giá bán từ 21 - 60 triệu đồng/chiếc tùy theo kích cỡ.

Từ đầu năm 2023 đến nay, cơ sở của anh chỉ đóng mới khoảng 4 - 5 chiếc thuyền composite; còn chủ yếu là sửa chữa, đại tu thuyền composite của ngư dân xã Vĩnh Thái. Bây giờ, mong muốn lớn nhất của các cơ sở đóng tàu, thuyền chưa được cấp phép là các cơ quan chức năng, địa phương tạo điều kiện về mặt bằng để mở rộng diện tích xưởng sản xuất; tìm hướng giải quyết việc cấp giấy phép cho các cơ sở đóng mới, cải hoán tàu thuyền chưa được cấp phép...

Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản tỉnh, tính đến ngày 30/6/2023 tổng số tàu cá toàn tỉnh là 2.286 chiếc, trong đó tàu cá có chiều dài 6 m trở lên đã được đăng ký là 446 chiếc. Khối tàu cá có chiều dài 6 m trở lên thuộc diện phải có giấy phép khai thác thủy sản và hiện đã cấp 436 giấy phép khai thác thủy sản; còn 10 tàu cá chưa cấp giấy phép khai thác thủy sản do chưa đủ điều kiện.

Các tàu cá chưa được cấp giấy phép khai thác thủy sản chủ yếu là không đáp ứng được các quy định tại khoản 2, Điều 50 Luật Thủy sản năm 2017 do người dân còn đóng mới, cải hoán, mua bán tự phát tàu thuyền không đúng quy định...

Về thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu thuyền, hiện tại trên địa bàn tỉnh có 11 cơ sở đóng mới, cải hoán tàu thuyền thì chỉ có 2 cơ sở đóng tàu được công nhận đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá theo quy định, đó là Công ty TNHH Đóng tàu Cửa Việt và Công ty TNHH MTV Đóng tàu Triệu An; 9 cơ sở đóng tàu đang hoạt động nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá và đã vi phạm quy định về cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá của Luật Thủy sản 2017 ở trên địa bàn các huyện Hải Lăng, Vĩnh Linh.

Khó khăn lớn nhất trong thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu thuyền theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản năm 2017, tại phụ lục VI, yêu cầu đối với cơ sở đóng mới, cải hoán tàu thuyền là diện tích mặt bằng tối thiểu đối với cơ sở đóng tàu vỏ gỗ, vỏ vật liệu mới (composite) loại 3 (cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 15 m) là 1.000 m2.

Như vậy, diện tích mặt bằng theo yêu cầu của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP là quá cao, khó khăn cho các cơ sở đóng mới, cải hoán tàu thuyền trong việc thuê đất, mua đất làm mặt bằng. Yêu cầu về bộ phận giám sát, cán bộ kỹ thuật và bằng cấp theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP là quá cao (6 người và tốt nghiệp cao đẳng trở lên).

Thực tế hiện nay số lượng tàu thuyền mà các cơ sở đóng mới, cải hoán không lớn, nên việc duy trì nhân lực theo yêu cầu là khó khăn cho các cơ sở đóng mới, cải hoán tàu thuyền. Yêu cầu về đội ngũ công nhân kỹ thuật theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP quy định đối với cơ sở loại 1 và loại 2 có từ 2 - 3 thợ sơn có trình độ trung cấp trở lên. Đối với quy định này khó thực hiện trong thực tế, bởi qua rà soát không có cơ sở đào tạo thợ sơn có trình độ trung cấp...

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hữu Vinh cho biết, để từng bước tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở đóng mới, cải hoán tàu thuyền đang hoạt động nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu thuyền, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đề nghị các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở đóng mới, cải hoán tàu thuyền trong việc thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất làm mặt bằng.

Đề nghị các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và huyện đảo Cồn Cỏ thực hiện việc tăng cường công tác tuyên truyền những quy định về đóng mới, cải hoán tàu cá, đăng ký tàu cá theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017 cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản năm 2017.

Tiếp tục hướng dẫn thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh để đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân; thông báo cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh biết 2 cơ sở đóng tàu đã được công nhận là cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá (Công ty TNHH Đóng tàu Cửa Việt và Công ty TNHH MTV Đóng tàu Triệu An) để tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện việc đóng mới, cải hoán tại 2 cơ sở trên.

Đối với các quy định của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản năm 2017 yêu cầu số lượng, bằng cấp đối với bộ phận kỹ thuật, diện tích mặt bằng, thời gian tới Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ kiến nghị với các bộ, ngành trung ương để quan tâm nghiên cứu sửa đổi theo hướng giảm số lượng, bằng cấp đối với bộ phận kỹ thuật cũng như diện tích mặt bằng...

Hoàng Tiến Sỹ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/quan-tam-go-kho-cho-cac-co-so-dong-tau-thuyen-chua-du-dieu-kien-cap-phep/180143.htm