Quan tâm đến trẻ em bằng những chính sách và việc làm ý nghĩa, nhân văn

Trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn được Đảng, Nhà nước và các cấp, ngành quan tâm bằng những chính sách và việc làm ý nghĩa, nhân văn. Cùng với cả nước, trẻ em tỉnh Quảng Trị được hưởng lợi rất lớn từ sự chăm lo của toàn xã hội với những kết quả quan trọng. Tuy nhiên trẻ em trên địa bàn tỉnh vẫn còn đứng trước những vấn đề bức xúc như bị xâm hại, tai nạn, thương tích…

 Trẻ em luôn cần được trang bị kỹ năng bơi lội và phòng, chống đuối nước -Ảnh: T.L

Trẻ em luôn cần được trang bị kỹ năng bơi lội và phòng, chống đuối nước -Ảnh: T.L

Trưởng Phòng Trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Ái Loan cho biết, hiện nay hệ thống chính sách, pháp luật về trẻ em, cơ chế bảo vệ trẻ em cơ bản được hoàn thiện; nhận thức về công tác trẻ em của các cấp, các ngành, toàn xã hội được quan tâm và ngày càng nâng cao; các quyền của trẻ em đã được thực hiện tốt hơn... nên trẻ ngày càng được hưởng lợi từ những chính sách, hành động và sự quan tâm, chăm lo của toàn xã hội. Năm 2020, tỉnh có hơn 183.000 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 29% dân số của tỉnh. Mặc dù tỉnh gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của COVID - 19 kéo dài và thiên tai, nhưng công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em vẫn được quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức, đa dạng, phong phú, phù hợp với tình hình thực tiễn với những hoạt động bổ ích, đạt được kết quả thiết thực. Chỉ với hai điểm nhấn trong năm 2020 là “Tháng hành động vì trẻ em” và Tết Trung thu, toàn tỉnh đã có trên 1.300 điểm tổ chức với hơn 217.000 lượt trẻ tham gia, trong đó hơn 96.700 trẻ được tặng quà, cấp học bổng động viên, hỗ trợ và được phẫu thuật miễn, giảm phí để giúp làm đẹp, nâng cao sức khỏe cho các em. Nguồn kinh phí thực hiện các hoạt động trên gần 5,4 tỉ đồng, chủ yếu từ nguồn vận động xã hội hóa.

Theo bà Nguyễn Thị Ái Loan, để thực hiện tốt việc giải quyết các vấn đề liên quan đến trẻ em, trong năm qua, đội ngũ cán bộ các cấp, cộng tác viên làm công tác trẻ em thường xuyên được nâng cao năng lực về quản lý, tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch, dự án về trẻ em và quyền trẻ em. Đã có trên 90 lớp tập huấn với hơn 3.000 lượt cán bộ tham gia trên toàn tỉnh. Đặc biệt, có 3.322 lượt trẻ em của tỉnh được tập huấn về quyền trẻ em và kỹ năng tự bảo vệ nhằm phát huy vai trò, năng lực của trẻ trong việc thực hiện quyền tham gia vào các vấn đề liên quan đến trẻ em; đồng thời các em được bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về trách nhiệm đối với bản thân, quê hương, đất nước, từ đó tích cực rèn luyện, trau dồi kiến thức để trở thành những công dân có ích cho xã hội…

Tuy đã được các cấp, ngành của tỉnh nỗ lực quan tâm, thực hiện nhiều giải pháp về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, thế nhưng các vụ việc liên quan đến trẻ em như tai nạn thương tích, tử vong do đuối nước, xâm hại tình dục… trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra. Thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2020 toàn tỉnh có gần 3.150 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó gần 2.880 trẻ em khuyết tật; hơn 9.860 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Trẻ em hoàn cảnh đặc biệt có chiều hướng gia tăng do các điều kiện kinh tế, xã hội như các em sống trong gia đình nghèo, cận nghèo; gia đình có các vấn đề về xã hội như cha, mẹ ly hôn, bạo lực; gia đình có người nhiễm HIV/AIDS, vi phạm pháp luật, bố mẹ đi làm ăn xa… Không để số trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt chịu thêm thiệt thòi, tỉnh đã có sự trợ giúp thiết thực về xã hội, y tế, giáo dục - đào tạo và nghề nghiệp, pháp lý, hỗ trợ tư vấn và các hình thức trợ giúp khác.

Phân tích một trong những rủi ro trẻ em thường gặp phải trong cuộc sống, đó là trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, trong đó tử vong do đuối nước trên địa bàn tỉnh hiện vẫn ở mức cao, bà Nguyễn Thị Ái Loan cho biết, trong năm 2020, có 144 vụ tai nạn thương tích trẻ em, dẫn đến 21 trẻ tử vong do đuối nước và 10 trẻ tử vong do tai nạn thương tích khác. Tình trạng trẻ tử vong do đuối nước xảy ra cho thấy đây là vấn đề đáng báo động mà cộng đồng xã hội, gia đình, nhà trường cần quan tâm hơn nữa, chung tay hành động nhằm xây dựng môi trường an toàn cho trẻ em. Cần tăng cường dạy bơi, giáo dục kỹ năng và các biện pháp phòng, chống đuối nước, nhằm hạn chế thấp nhất những rủi ro, bất trắc trẻ em có thể gặp phải.

Một vấn nạn gây nhức nhối nữa mà trẻ em vẫn đang đối mặt là bị xâm hại tình dục, gây tổn thương nặng nề đến thể chất và tinh thần, thậm chí có thể dẫn tới trẻ tử vong hoặc trẻ tự tử. Theo thống kê, trong năm 2020 trên địa bàn tỉnh có 4 trẻ em bị xâm hại tình dục. Vì vậy, để hạn chế thực trạng này, ngoài việc thực thi pháp luật nghiêm minh của cơ quan chức năng đối với người có hành vi xâm hại tình dục trẻ em, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại trẻ em gắn với xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh.

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Nguyên Hồng cho biết, thời gian qua công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên một số đơn vị, địa phương vẫn chưa thực sự coi trọng công tác trẻ em trong vấn đề phát triển các mục tiêu, chỉ tiêu xã hội. Tình trạng tai nạn thương tích, đuối nước, bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em…trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra.

Thời gian tới, cần quan tâm hơn nữa đến trẻ em bằng những chính sách kịp thời và việc làm ý nghĩa, nhân văn. Ban điều hành trẻ em các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương để thực hiện tốt chương trình, công tác trọng tâm về công tác trẻ em. Phát huy vai trò, trách nhiệm, có những chỉ đạo, tham mưu, hướng dẫn, triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả Luật Trẻ em, bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em, đặc biệt là quy định về bảo vệ trẻ em, can thiệp, hỗ trợ đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhằm xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh và bình đẳng cho trẻ em.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=157502&title=quan-tam-den-tre-em-bang-nhung-chinh-sach-va-viec-lam-y-nghia-nhan-van