Quan tâm công tác hòa giải ở cơ sở

Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh vừa tổ chức đoàn đi kiểm tra công tác hòa giải ở cơ sở; xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2024 tại các địa phương trong tỉnh.

Tổ trưởng Tổ Hòa giải ấp 5, xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom) Lê Văn Sửu chia sẻ về mô hình hòa giải ở cơ sở hoạt động hiệu quả. Ảnh: N.Nhơn

Trong chuyến kiểm tra này, đoàn đã ghi nhận thêm nhiều mô hình hòa giải ở cơ sở hoạt động hiệu quả. Trong đó, một số địa phương đã quan tâm và tích cực triển khai thực hiện mô hình hòa giải ở cơ sở như: xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom), xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu)...

Thêm nhiều mô hình hòa giải ở cơ sở mới, hiệu quả

Một trong những mô hình hòa giải ở cơ sở hoạt động hiệu quả là mô hình Tổ Hòa giải ấp 5, xã Sông Trầu. Thời gian qua, mô hình này thường xuyên được lãnh đạo địa phương tuyên dương vì nhiều năm liền giữ vững danh hiệu Tổ hòa giải “3 tốt” (phối hợp tốt; hòa giải tốt và tham gia đầy đủ các lớp tập huấn để nâng cao kỹ năng hòa giải).

Tổ trưởng Tổ Hòa giải ấp 5, xã Sông Trầu Lê Văn Sửu cho biết, mô hình Tổ Hòa giải ấp 5 được thành lập và đưa vào hoạt động từ năm 2007 cho đến nay nhằm giải quyết những phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình và hàng xóm. Hiện tổ có 5 thành viên là những người tâm huyết và làm việc rất có trách nhiệm. Bất kể ngày hay đêm, khi người dân gửi đơn hoặc gọi điện đến nhờ giúp đỡ thì các thành viên của tổ nhanh chóng xuống hiện trường để tìm hiểu và giải quyết kịp thời cho người dân.

Một trong những vụ việc điển hình đã được các thành viên Tổ Hòa giải ấp 5 giải quyết thành công là câu chuyện mâu thuẫn của một cặp vợ chồng người dân tộc thiểu số. Cụ thể, ông L.H.Đ. và bà N.T.V. từng sống chung và có với nhau 3 đứa con. Thế nhưng, 2 người sau đó sống không hạnh phúc nên quyết định ra tòa ly hôn, mỗi người chọn một cuộc sống riêng.

Sau thời gian khoảng 4 tháng không sống chung với nhau, một lần nhậu say, ông Đ. tìm đến nhà bà V. yêu cầu mở cửa để vào nhà ngủ chung. Bà V. không đồng ý và không chịu mở cửa thì ông Đ. lớn tiếng, định đạp cửa xông vào nhà.

Khi Tổ Hòa giải ấp 5 nhận được điện thoại cầu cứu của bà V. thì đã 12 giờ đêm. Tuy vậy, tổ hòa giải xác định phải giải quyết sớm, nếu để vụ việc chậm trễ dễ dẫn đến to chuyện.

“Chúng tôi đã lặn lội trong đêm tối đến nhà bà V. để tuyên truyền, phân tích các khía cạnh pháp lý liên quan rồi vận động ông Đ. trở về nhà, đừng gây chuyện với “vợ cũ” nữa. Đồng thời, khuyên bà V. bỏ qua mọi chuyện cho “chồng cũ”… Sau khi vận động, các bên đều nhất trí nghe lời, ai về nhà nấy, buổi hòa giải kết thúc lúc 2 giờ sáng” - ông Sửu kể lại.

Phó chủ tịch UBND xã Sông Trầu Vương Đăng Giáp cho hay, trên địa bàn xã hiện có 8 tổ hòa giải tại các ấp với tổng số 24 hòa giải viên. Thời gian qua, công tác hòa giải ở cơ sở được lãnh đạo địa phương quan tâm và kịp thời củng cố, kiện toàn tổ hòa giải, đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Địa phương thường xuyên tạo điều kiện cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở, tuyên truyền viên pháp luật tham gia đầy đủ các lớp tập huấn để nâng cao trình độ cũng như năng lực nghiệp vụ. Nhờ đó, chất lượng hoạt động hòa giải ngày càng nâng lên.

“Trong năm 2023, 8 tổ hòa giải của xã Sông Trầu đã tổ chức hòa giải 25 trường hợp liên quan đến tranh chấp đất đai, hôn nhân và gia đình, tranh chấp đường đi. Kết quả hòa giải thành là 23 vụ, đạt tỷ lệ hòa giải thành 92%. Mô hình Tổ Hòa giải ấp 5 là một trong những mô hình có kết quả hòa giải cao tại địa phương” - ông Giáp cho biết.

Còn theo Chủ tịch UBND xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) Trần Đức Sơn, trên địa bàn xã đã củng cố, kiện toàn 6 tổ hòa giải tại các ấp với 36 thành viên là những người tâm huyết với công tác xã hội. Trong năm 2023, các tổ hòa giải đã tổ chức hòa giải 8/8 vụ thành, tỷ lệ đạt 100%. Hiện nay, trên địa bàn xã có 2 mô hình đạt hiệu quả cao cần nhân rộng gồm: Hội Nông dân với công tác hòa giải và Đội Thanh niên tình nguyện với công tác tuyên truyền, PBGDPL.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu còn có một số mô hình hoạt động hiệu quả như: Tổ Hòa giải phụ nữ do Hội Phụ nữ xã Vĩnh Tân phụ trách, Tổ Liên gia an toàn do Công an xã Vĩnh Tân phụ trách…

Qua làm việc với một số địa phương, các thành viên của Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh đánh giá cao những mô hình hòa giải ở cơ sở khi hoạt động có hiệu quả. Thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở đã giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ phát sinh trong cộng đồng dân cư, giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân; góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân, giảm bớt các khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp, thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa phương.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 929 tổ hòa giải với hơn 5,3 ngàn hòa giải viên. Trong năm 2023, các tổ hòa giải đã tiếp nhận hơn 1,1 ngàn vụ việc yêu cầu hòa giải và đã hòa giải thành trên 1 ngàn vụ, đạt tỷ lệ 89,2%.

Tăng cường tập huấn, nâng cao kỹ năng hòa giải

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động hòa giải ở cơ sở còn gặp những khó khăn, hạn chế. Trong đó, các mâu thuẫn, tranh chấp trong dân ngày càng phức tạp, chủ yếu là tranh chấp đất đai nên khó hòa giải thành. Trình độ, năng lực của đội ngũ hòa giải viên chưa đồng đều và phần lớn các hòa giải viên phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau nên chưa đầu tư nghiên cứu chuyên sâu để xác minh, tìm hiểu vụ việc cần hòa giải…

Phát biểu tại buổi làm việc với địa phương, Phó giám đốc Sở Tư pháp, Phó chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh Nguyễn Thị Kim Hương đề nghị lãnh đạo địa phương tiếp tục quan tâm và sớm có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế. Đề nghị Phòng Tư pháp huyện xây dựng, triển khai các chương trình tập huấn nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ hòa giải viên, tuyên truyền viên pháp luật.

Bên cạnh đó, đề nghị lãnh đạo địa phương triển khai thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật theo hướng thực chất, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa bàn. Trong đó, chú trọng huy động đội ngũ cán bộ, công chức của xã, đặc biệt là công an xã - những người có hiểu biết về pháp luật, tham gia làm hòa giải viên ở cơ sở...

Đặc biệt, các địa phương cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với việc thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới của địa phương...

An Nhơn

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202405/quan-tam-cong-tac-hoa-giai-o-co-so-cca6074/