Quan tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nữ công nhân

Nữ công nhân Công ty CP An Hưng được khám sức khỏe tổng quát mỗi năm 2 đợt giúp các chị đảm bảo sức khỏe để lao động sản xuất. Ảnh: THÁI HÀ

Thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) cho nữ công nhân luôn được các ngành quan tâm, triển khai bằng nhiều hoạt động thiết thực. Nhờ đó, lao động nữ có ý thức chăm sóc SKSS, nâng cao chất lượng sống và hiệu quả lao động.

Phối hợp tổ chức khám, tư vấn sức khỏe

Theo LĐLĐ tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 20.144 lao động làm việc tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp, trong đó có khoảng 52% là lao động nữ. Các cấp công đoàn thường xuyên tuyên truyền, cung cấp thông tin về chăm sóc SKSS và phối hợp tổ chức khám sức khỏe cho nữ công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp, qua đó giúp họ có nhận thức đúng về SKSS, biết cách bảo vệ sức khỏe bản thân.

Với mục tiêu hướng về cơ sở cùng những hoạt động thiết thực, hàng năm, ngoài việc đẩy mạnh hoạt động tại cơ sở gắn với bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ), các cấp công đoàn hướng các hoạt động đi vào chiều sâu, trong đó có việc quan tâm chăm sóc, nâng cao sức khỏe và đời sống tinh thần cho NLĐ. Thời gian qua, Chi cục DS-KHHGĐ đã phối hợp với Ban Tuyên giáo - Nữ công (LĐLĐ tỉnh), Công đoàn ngành Y tế Phú Yên, phòng dân số - y tế cơ sở các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nhiệm vụ khám, kiểm tra, chăm sóc SKSS, KHHGĐ cho công nhân lao động tại một số khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

BSCKI Nguyễn Hữu Hương, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ cho biết: Thông thường các đợt kiểm tra sức khỏe đúng vào tháng Công nhân (tháng 5) hàng năm. Các nội dung triển khai và cung cấp trong đợt này gồm: Tuyên truyền, tư vấn cho nữ công nhân về công tác dân số trong tình hình mới; tổ chức tầm soát VIA (sàng lọc ung thư cổ tử cung); khám và cấp thuốc điều trị bệnh viêm nhiễm đường sinh sản; thực hiện các dịch vụ KHHGĐ cho nữ công nhân tại các khu công nghiệp; tư vấn và cung cấp các loại phương tiện tránh thai lâm sàng và phi lâm sàng; siêu âm sàng lọc trước sinh cho nữ công nhân đang mang thai; siêu âm sản phụ khoa để phát hiện sớm các bệnh lý (nếu có) như polip cổ tử cung, u xơ tử cung, u nang buồng trứng...

Theo ông Trần Trương Thành, Trưởng ban Tuyên giáo - Nữ công (LĐLĐ tỉnh), năm 2022, LĐLĐ tỉnh phối hợp với ngành Y tế khám sức khỏe cho 600 lao động làm việc ở khu công nghiệp và 2 doanh nghiệp. Mục tiêu năm 2023 sẽ có 300 lao động nữ được khám sức khỏe. Từ đây đến cuối năm, LĐLĐ tỉnh sẽ phối hợp với Chi cục DS-KHHGĐ mở lớp truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi về dân số và phối hợp Sở LĐ-TB&XH mở lớp truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho NLĐ.

Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền

Hoạt động chăm lo đời sống cho lao động nữ thời gian qua của công đoàn các cấp đạt nhiều kết quả quan trọng, trong đó công tác chăm sóc SKSS được quan tâm đã góp phần nâng cao năng suất lao động, xây dựng hạnh phúc gia đình. Để công tác chăm sóc SKSS được thực hiện tốt, các cấp công đoàn tiếp tục đẩy mạnh tư vấn, hướng dẫn, tuyên truyền trực tiếp tới công nhân lao động trong các doanh nghiệp, nhất là nơi có nhiều lao động trẻ trong độ tuổi sinh sản.

Bà Bùi Thị Kim Soan, Trưởng phòng Tổ chức - Nhân sự Công ty CP An Hưng cho biết: Công ty có 2.600 lao động, trong đó 85% là nữ. Đặc thù công việc của công ty may là nặng nhọc, độc hại nên sức khỏe của chị em, đặc biệt là SKSS được công ty quan tâm. Mỗi năm, công ty tổ chức 2 đợt tư vấn, khám tổng quát cho NLĐ. Các đợt tư vấn, khám sức khỏe tại công ty đã giúp cho công nhân nâng cao kiến thức, thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe cho bản thân. Đây cũng là cơ hội để công nhân được kiểm tra sức khỏe định kỳ, đồng thời sớm phát hiện bệnh để kịp thời điều trị, nhất là các bệnh nghề nghiệp.

Theo chị Lê Thị Tịnh Nhân, công nhân Công ty CP An Hưng, trước đây chị ít để ý chăm sóc SKSS nhưng từ khi vào làm tại công ty, chị được khám sức khỏe định kỳ nên giờ đây chị đã hình thành thói quen theo dõi, kiểm tra sức khỏe, chủ động sử dụng biện pháp phòng ngừa các bệnh phụ khoa. Nhờ vậy, sức khỏe chị Nhân ổn định, gắn bó lâu dài với công ty.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hương cho biết thêm: Để hoạt động truyền thông chăm sóc SKSS mang lại hiệu quả, cần sự chung tay nhiều hơn nữa của các chủ doanh nghiệp. Quan trọng hơn, nữ công nhân phải là người chủ động tự trang bị kiến thức về tình dục an toàn và SKSS cũng như mạnh dạn, tự tin đưa ra thắc mắc, những vấn đề còn e ngại để được giúp đỡ, đảm bảo sức khỏe bản thân cũng như SKSS để gìn giữ hạnh phúc gia đình và làm việc hiệu quả.

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/297553/quan-tam-cham-soc-suc-khoe-sinh-san-cho-nu-cong-nhan.html