Quân sự thế giới hôm nay (15-4): Tên lửa Harpoon đạt mức giá cao kỷ lục

Tên lửa Harpoon được Hải quân Mỹ đặt mua với mức giá kỷ lục; nguy cơ xung đột gia tăng giữa quân đội và lực lượng bán quân sự Sudan; Chile đặt hàng 14 máy bay trực thăng mới là những thông tin đáng chú ý trong Bản tin Quân sự thế giới hôm nay (15-4).

* Tên lửa Harpoon đã phá kỷ lục khi vượt cả giá bán tên lửa tấn công hải quân (NSM) do thế giới đang đứng trước nhu cầu chưa từng có đối với tên lửa phòng thủ bờ biển và số lượng đáp ứng được nhu cầu này chỉ có thể đạt được sau nhiều năm sản xuất liên tục nữa.

Hải quân Mỹ mới đây thông báo ký kết hợp đồng trị giá 1,17 tỷ USD với Boeing mua 400 tên lửa RGM-84L-4 Harpoon Block II có cải tiến (HIIU). Ngoài tên lửa, hợp đồng còn có gói bổ sung gồm 4 tên lửa huấn luyện, hộp chứa đạn tên lửa, các phụ tùng thay thế cho Hệ thống phòng thủ bờ biển Harpoon kèm theo các dữ liệu kỹ thuật liên quan.

Tên lửa Harpoon phóng đi từ tàu chiến. Ảnh: Hải quân Mỹ

Tuy nhiên, mức giá của mỗi quả tên lửa Harpoon mới là điều đáng quan tâm. Sau khi trừ đi các gói vật tư hỗ trợ khác, mỗi quả tên lửa RGM-84L-4 HIIU cũng vẫn còn có giá lên tới 2,25 triệu USD. Đây là mức giá kỷ lục, vượt cả tên lửa NSM hiện đang bán ở mức khoảng 2 đến 2,2 triệu USD.

Theo thông tin của Hải quân Mỹ, hợp đồng này là một phần của hợp đồng lớn hơn của Boeing với Hải quân Mỹ trị giá 2,37 tỷ USD, bao gồm điều khoản cung cấp 100 hệ thống phòng thủ bờ biển Harpoon, 400 đạn tên lửa, radar và các khí tài kèm theo, thực hiện từ nay đến năm 2028.

Với giá trị hợp đồng cao như vậy thì mức 2,25 triệu USD là hoàn toàn khả thi và giá Harpoon đạt đến mức đó một phần do ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ đã tạm ngừng sản xuất tên lửa Harpoon trong một thời gian dài. Đầu năm 2022, Lầu Năm Góc và các đối tác bắt đầu thiết lập hệ thống phòng thủ bờ biển cho Ukraine và phải tập hợp các hệ thống phóng, đạn tên lửa và các bộ phận cấu thành khác cho hệ thống từ nhiều nước khác nhau như Anh, Hà Lan, Đan Mạch và Tây Ban Nha. Nhu cầu tên lửa phòng thủ bờ biển đột ngột gia tăng là lý do khiến giá bán bị đẩy lên mức kỷ lục như hiện nay.

* Chile sẽ thay thế đội trực thăng Bell UH-1H Iroquois

Theo AvioNews, chính phủ Chile đã chính thức bắt đầu tiến hành các thủ tục mua 14 máy bay trực thăng hạng nhẹ dự kiến biên chế cho lực lượng không quân. Bộ Quốc phòng Chile đã gửi yêu cầu cung cấp thông tin về trực thăng tới các nhà cung cấp tiềm năng.

Chile sẽ thay thế một loạt máy bay trực thăng Bell UH-1H Iroquois đã già cỗi. Ảnh: AvioNews

Trước đó, chính phủ Chile đã nhất trí về mặt chủ trương cho phép đấu thầu cung cấp máy bay trực thăng quân sự hiện đại hóa lực lượng không quân. Trong số các yêu cầu đặt ra trong gói thầu có các yêu cầu như sau: Trực thăng mới phải có khả năng thực hiện các nhiệm vụ tìm kiếm và cứu nạn cả ngày lẫn đêm, sơ tán và vận chuyển y tế đường không, vận tải quân sự. Sau khi tiến hành các thảo luận ban đầu với những nhà cung cấp tiềm năng, Chile sẽ chuyển sang giai đoạn lựa chọn và mua máy bay, dự kiến sẽ hoàn thành vào nửa cuối năm 2023.

Kế hoạch hiện đại hóa đội trực thăng của Không quân Chile vạch ra lộ trình thay thế 10 máy bay trực thăng Bell UH-1H Iroquois hiện đang trong biên chế Nhóm tác chiến không quân số 9 có nhiệm vụ đào tạo phi công. Trực thăng Bell UH-1H Iroquous được sản xuất từ năm 1987 và 1988, tác chiến phối hợp với trực thăng Bell 412 và Sikorsky S-70 trong quân đội Chile và tham gia các hoạt động vận tải, bảo vệ dân sự và chữa cháy.

Sử dụng động cơ Lycoming T53-L13 công suất 1.400 mã lực, trực thăng UH-1H là phiên bản được sử dụng phổ biến với mục đích chở quân, tải thương. Tổng cộng đã có 5.435 chiếc được sản xuất và cung cấp cho nhiều quốc gia trên thế giới và cơ bản đều đã đến giai đoạn già cỗi, cần phải loại biên.

* Quân đội Sudan cảnh báo nguy cơ xung đột với các lực lượng bán quân sự

Căng thẳng trong những tháng gần đây gia tăng nhanh giữa quân đội chính phủ và lực lượng bán vũ trang có tên gọi Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) của Sudan. Trước đó, RSF đã triển khai quân tới thủ đô Khartoum và nhiều thành phố khác nhằm trì hoãn việc ký kết một thỏa thuận do quốc tế hậu thuẫn giữa các đảng phái chính trị nhằm vãn hồi quá trình chuyển giao dân chủ ở quốc gia châu Phi này.

Phát ngôn viên quân đội Sudan, Chuẩn tướng Nabil Abdullah đọc bản thông báo, cảnh báo về xung đột với lực lượng bán quân sự ở thủ đô và các thành phố khác. Ảnh: SUNA

Lực lượng bán quân sự RSF cũng đã triển khai quân tới miền Bắc Sudan, dọc biên giới với Ai Cập. Báo chí địa phương cho biết RSF đang tìm cách thiết lập một căn cứ quân sự ở khu vực này. Nhiều đoạn video được phát tán trên mạng xã hội cho thấy các phương tiện có vũ trang của RSF đang hướng về Khartoum và cả các khu vực phía Nam.

Trong một thông báo chính thức, quân đội Sudan cho biết việc RSF tập trung lực lượng ở Khartoum và nhiều địa điểm khác là “không được phép hoặc không có sự phối hợp [với chính phủ]” và giới chức quân sự khẳng định đây “là hành vi vi phạm pháp luật”.

Căng thẳng ngày càng gia tăng xảy giữa quân đội chính phủ và lực lượng bán quân sự trong những tháng gần đây bắt nguồn từ những bất đồng xoay quan vấn đề RSF sẽ được bố trí như thế nào trong quân đội chính phủ. Đây là một điều kiện quan trọng trong thỏa thuận chuyển giao dân chủ hiện vẫn chưa được các bên liên quan ký kết.

Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

HỮU DƯƠNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-15-4-ten-lua-harpoon-dat-muc-gia-cao-ky-luc-725037