Quản lý tài nguyên nước bền vững, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu

Để quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước, những năm qua, ngành chức năng tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp, góp phần chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Theo phương án khai thác sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trữ lượng có thể khai thác của các tầng chứa nước ngầm trên địa bàn tỉnh là trên 530 nghìn mét khối/ngày; tài nguyên dự báo nước dưới đất là hơn 1,7 triệu mét khối/ngày; tổng lượng bổ cập nước dưới đất đạt trên 1,1 triệu mét khối/ngày.

Là đơn vị quản lý, khai thác tài nguyên nước phục vụ cho sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Lạng Sơn hiện đang quản lý, vận hành 34 trạm khai thác nước. Trong đó, có 21 trạm khai thác nước ngầm và 13 trạm khai thác nước mặt. Sản lượng khai thác trung bình đạt trên 13 triệu mét khối/năm.

Ông Dương Hữu Thức, Trưởng Phòng Kế hoạch - Kỹ thuật vật tư, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Lạng Sơn cho biết: Để quản lý, khai thác nguồn tài nguyên nước hiệu quả, hằng tháng công ty thực hiện kiểm tra định kỳ, thay thế, sửa chữa đối với các trạm bơm, đường ống; phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện quan trắc theo quy định để phát hiện, xử lý các vấn đề về chất lượng, trữ lượng nước; sử dụng hệ thống mạng giám sát Scada kiểm soát toàn bộ quá trình cung cấp nước từ đầu vào đến khách hàng tiêu thụ. Từ đó đảm bảo điều hành, điều tiết nguồn nước phù hợp, giảm tổn thất, chất lượng nước đảm bảo an toàn. Gần 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng khai thác của đơn vị đạt 3,5 triệu mét khối.

Đối với hoạt động quản lý, khai thác các hồ chứa, đập dâng phục vụ nước tưới cho sản xuất của người dân, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Lạng Sơn hiện đang quản lý, khai thác 102 hồ chứa, 187 đập dâng và 75 trạm bơm điện.

Ông Hà Văn Duẩn, Trưởng Phòng Quản lý - Khai thác công trình, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Lạng Sơn cho biết: Hằng năm, bằng các nguồn vốn khác nhau, công ty thực hiện sửa chữa, nâng cấp các hồ đập đảm bảo tích nước, điều tiết nguồn nước hợp lý, tránh lãng phí nguồn nước và đáp ứng nhu cầu sản xuất. Cùng đó, công ty đang tiếp tục thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với công trình hồ đập có trữ lượng từ 1 triệu mét khối nước trở lên. Hiện công ty đã thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước được 10 công trình.

Bên cạnh công tác quản lý, khai thác hiệu quả nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất, hoạt động hành nghề khoan nước dưới đất cũng được ngành chức năng quản lý, cấp phép theo quy định. Toàn tỉnh hiện có 26 tổ chức, cá nhân được cấp phép hành nghề khoan nước dưới đất.

Được biết, hiện nay lượng nước mặt ở các hệ thống sông: Kỳ Cùng, Thương, Lục Nam, Ba Chẽ gần 5 tỷ mét khối; tại các hồ chứa là 0,135 tỷ mét khối. Các đơn vị khai thác, sử dụng nguồn nước mặt với tổng lượng khai thác gần 290 triệu mét khối/năm. Việc khai thác, sử dụng nguồn nước mặt chủ yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp, một phần tạo nguồn cấp nước cho công trình cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Việc khai thác, sử dụng nguồn nước dưới đất chủ yếu cho mục đích sinh hoạt với tổng lượng khai thác gần 6,2 triệu mét khối/năm.

Ông Nguyễn Hữu Trực, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết: Để quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, thời gian qua, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện xây dựng phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và phòng, chống tác hại do nước gây ra để tích hợp vào quy hoạch tỉnh; thực hiện phê duyệt danh mục ao, hồ không được san lấp trên địa bàn… Đặc biệt, công tác cấp phép khai thác tài nguyên nước được chú trọng. Từ năm 2014 đến nay, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh thẩm định cấp 107 giấy phép khai thác, sử dụng nguồn nước cho các tổ chức, cá nhân (48 giấy phép khai thác nước ngầm và 59 giấy phép khai thác nước mặt); trình Bộ TN&MT cấp 8 giấy phép khai thác nguồn nước mặt cho các đơn vị đủ điều kiện theo quy định.

Cùng đó, sở tăng cường chỉ đạo các đơn vị khai thác tập trung sửa chữa, nâng cấp, nâng cao năng lực, phát huy tối đa hiệu quả các công trình thủy lợi như hồ chứa, đập dâng; chú trọng công tác quản lý nhằm chống thất thoát, lãng phí trong khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị chuyên môn khẩn trương xây dựng, hoàn thiện đề cương, dự toán chi tiết dự án Xây dựng hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trình UBND tỉnh phê duyệt; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước trái quy định… Qua đó, góp phần quản lý, khai thác ngày càng hiệu quả, tiết kiệm nguồn tài nguyên nước, phục vụ cho các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.

LIỄU CHANG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/quan-ly-tai-nguyen-nuoc-ben-vung-giam-thieu-tac-dong-cua-bien-doi-khi-hau-5003480.html