Quản lý rủi ro thiên tai: Vấn đề cấp bách tại Việt Nam

Việt Nam là một trong 10 quốc gia chịu tác động lớn nhất từ biến đối khí hậu. Do đó việc nâng cao quản lý rủi ro thiên tai ở nước ta ngày càng trở nên cấp thiết hơn.

Đầu năm ngoái, người dân Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, ĐBSCL phải hứng chịu tình trạng hạn hán xâm nhập mặn lịch sử. Cuộc sống của người dân bị đảo lộn, sản xuất nông nghiệp bị tàn phá. Thiệt hại nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm qua, ước tính lên tới hơn 15.000 tỷ đồng.

Ngay thời điểm hiện tại, một số tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ đang phải vật lộn với cơn lũ lớn nhất trong hàng chục năm trở lại đây. Theo thống kê đến nay, con số thương vong về người trong cơn lũ này đã tới hơn 90 người thiệt mạng và mất tích.

Dự báo Việt Nam là một trong 10 quốc gia trên thế giới chịu tác động lớn nhất từ tình trạng biến đối khí hậu với nhiều loại thiên tai hàng năm như: Bão lụt, lũ quét, lốc tố, triều cường. Bình quân mỗi năm có khoảng 750 người thiệt mạng, mất tích do thiên tai. Thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra khoảng 1% GDP/năm tương đương khoảng 1,4 tỷ USD. Dự báo trong vòng 50 năm tới, Việt Nam có thể phải chịu thiệt hại vượt quá 6,7 tỷ USD/năm do lụt, bão và động đất.

Từ những dự báo cùng các con số đáng báo động trên, việc quản lý để giảm thiểu rủi ro thiên tai đang trở thành vấn đề ngày càng trở nên cấp bách hơn tại Việt Nam.

Và đây sẽ là chủ đề trong chương trình Đối thoại chính sách ngày 14/10 với sự tham dự của hai khách mời mà là ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) và ông Achim Fock - Quyền Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.

Đối thoại chính sách

Nguồn VTV: http://vtv.vn/doi-thoai-chinh-sach/quan-ly-rui-ro-thien-tai-van-de-cap-bach-tai-viet-nam-20171014161018466.htm