Quản lý nợ công ở Việt Nam: Thực trạng và các khuyến nghị chính sách

Đó là chủ đề hội nghị do Liên minh Minh bạch ngân sách (BTAP) tổ chức dưới sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Oxfam. Hội nghị được tổ chức sáng 18-10, tại Hà Nội đã thảo luận về thực trạng quản lý nợ công ở Việt Nam đồng thời đưa ra những khuyến nghị chính sách.

Trong hai thập kỷ qua, một số quốc gia đã đối mặt với khủng hoảng nợ công cùng nhiều hệ lụy kinh tế và xã hội. Về mặt kinh tế, công trình nghiên cứu của Cơ quan Nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ (NBER) được thực hiện từ năm 2010 với 44 quốc gia đã kết luận rằng tăng trưởng kinh tế sẽ giảm trung bình 4% khi nợ công vượt ngưỡng 90% GDP. Về mặt xã hội, khủng hoảng nợ công gây ra thất nghiệp, bất ổn và bất bình đẳng. Một ví dụ điển hình là cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp vào đầu năm 2010 đã kéo theo nạn thất nghiệp, tăng tỷ lệ đói nghèo...

Toàn cảnh hội nghị.

Ở Việt Nam, theo số liệu báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2016, nợ công của Việt Nam đã lên đến hơn 90 tỷ USD tương đương với 64,73% GDP. Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thu Hương, quản lý cao cấp, Tổ chức Oxfam chia sẻ: Nhằm đóng góp cho nỗ lực chung của Việt Nam, đảm bảo công bằng và minh bạch trong quản lý tài chính công và giảm bất bình đẳng trong xã hội, Oxfam và BTAP đã thực hiện một số phân tích về nợ công, đầu tư công và quản lý ngân sách.

Để tăng cường công tác quản lý nợ công, tránh tình trạng nợ công vượt ngưỡng an toàn, theo các đại biểu tham dự hội nghị cần thực hiện một loạt hành động bao gồm: Cần xem xét và áp dụng một số thông lệ quốc tế về định nghĩa và thống kê nợ công; cần tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý nợ công; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách và đầu tư công...

Nếu thực hiện tốt được loạt giải pháp này, Việt Nam sẽ giảm thiểu được các rủi ro tài chính và hạn chế được tác động tiêu cực liên quan đến khủng hoảng nợ công.

Tin, ảnh: BĂNG CHÂU

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/quan-ly-no-cong-o-viet-nam-thuc-trang-va-cac-khuyen-nghi-chinh-sach-521051