Quản lý nghĩa trang, bài học thực tế từ Lĩnh Nam

Mặc dù từ năm 2017, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 30/2017/QĐ-UBND quy định quản lý, sử dụng nghĩa trang trên địa bàn, nhưng vẫn nhiều phường, xã chưa triệt để chấp hành đúng quy định.

Làm thế nào để quản lý tốt các nghĩa trang cấp xã? Ảnh TA

Làm thế nào để quản lý tốt các nghĩa trang cấp xã? Ảnh TA

Với 14 điều khoản quy định, Quyết định số 30 đã chi tiết các phát sinh thực tế tại địa phương, trong đó phân cấp “UBND cấp xã quản lý nghĩa trang trên địa bàn; thành lập bộ phận quản lý nghĩa trang; phân công cán bộ lãnh đạo phụ trách; xác định cán bộ quản lý nghĩa trang; phê duyệt các vấn đề liên quan đến nội quy, quy chế, việc sửa chữa, chỉnh trang, di chuyển, đóng cửa nghĩa trang…”.

Vai trò của chính quyền cấp xã

Quy chế đã giao quyền cho chính quyền địa phương cấp xã việc xác nhận người “gốc địa phương”, việc xác lập giá dịch vụ trình UBND quận, huyện phê duyệt. Điều này cho thấy UBND Thành phố Hà Nội đã tính toán đến văn hóa làng xã, tính đến cả các hương ước, lệ làng đối với vấn đề tâm linh, nhạy cảm này. Nhưng thực tế, tình trạng mua, bán đất, sang tay “đất người chết” tại các nghĩa trang hiện nay khá phức tạp.

Theo điều tra của chúng tôi, đến nay đa số các phường, xã đều xây dựng quy chế quản lý, sử dụng nghĩa trang trên địa bàn theo hướng xã hội hóa như hướng dẫn. Quá trình thực hiện không còn “chôn tươi” và đối với đối tượng người dân gốc địa phương hàng năm có đóng góp tu bổ nghĩa trang, hầu như không xảy ra khiếu nại. Các Hội Người cao tuổi, đại diện UBND phường (xã) và các Ban Quản lý Nghĩa trang (BQL NT) phần lớn có sự đồng thuận đối với các trường hợp dân gốc địa phương có nhu cầu.

Khiếu nại chỉ xảy ra đối với người không thường xuyên sống tại địa phương nhưng có quan hệ họ hàng như ông, bà, cha, mẹ, vợ chồng…với người đang số tại đây. Trường hợp bà Đàm Thị T., mẹ ông Dương Văn đang sống tại phường Lĩnh Nam qua đời cuối năm 2022 là một ví dụ. Dù UBND phường đã kịp thời can thiệp về tiêu chuẩn (bà T. không sống tại địa phương) phê duyệt nhưng đến BQL NT làng Trung Lập vẫn bị gây khó dễ, nhất là phần kinh phí dịch vụ xây mộ. Sự việc không lớn nhưng vẫn gây khiếu kiện, để báo chí phải vào cuộc điều tra, xác minh.

Đi sâu tìm hiểu về vấn đề các đầu nậu trong làng “găm hàng” để trục lợi kinh doanh “đất người chết” là điều có thật, dù quy định của Thành phố và các địa phương là phải có giấy chứng tử mới được mua đất. Có những phần mộ giá công khai chỉ 50 triệu đồng nhưng thực tế người mua qua "cò" phải gấp đôi, bỏ tiền mua sớm xí phần.

Ông Nguyễn Văn Nhuận - Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Lĩnh Nam thừa nhận: “Cách đây hơn 20 năm cụ Dương Văn Y, quản trang (nay đã mất) lúc ấy đã cấp 62 phần mộ gió, đến nay chúng tôi đang phải sửa sai,.

Theo điều tra của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị những vụ mua bán "vòng vèo" như báo chí đã nêu xuất phát tình trạng buông lỏng quản lý cách đây 15 -20 năm, thậm chí lâu hơn. Gần đây chính quyền đã siết chặt khâu quản lý, xử lý nghiêm khắc những hiện tượng "phân lô", trong đó các đoàn thể đã vào cuộc giám sát.

Bảng giá dịch vụ và giám sát thu chi

Một vấn đề mà dư luận đang rất quan tâm đó là bảng giá dịch vụ, theo quy định phải được phải được cấp UBND quận, huyện phê duyệt nhưng thực tế lại không như vậy. Phần lớn giá dịch vụ tại các nghĩa trang do phường, xã quản lý tại Hà Nội đều do các cụ cao niên trong làng xây dựng và triển khai. Phần lớn UBND phường, xã đều khá ngại việc “va chạm” với các cụ cao tuổi trong làng, xóm nên công tác kiểm tra, giám sát tài chính cũng chỉ được thực hiện theo kiểu “cho có”.

Là phường có 5 BQLNT Vườn Đừng (làng Nam Dư Thượng), Gò Sành, Nhiễu Hạ, Nhiễu Thượng (làng Trung Lập), Thúy Lĩnh (làng Thúy Lĩnh), địa phương đã thành lập BQLNT cấp phường và 3 Tiểu ban BQLNT cấp làng. Sau 4 năm thực hiện, tổng kết thực tiễn tại địa bàn ngày 24/5/2023 UBND phường Lĩnh Nam đã ban hành Quyết định 186/QĐ-UBND thay thế Quyết định 63/QĐ-UBND ngày 4/4/2019 quy định quản lý, sử dụng nghĩa trang trên địa bàn.

Được biết, UBND phường Lĩnh Nam đã có tờ trình gửi UBND quận Hoàng Mai, về việc phê duyệt biểu giá dịch vụ sau khi đã xin ý kiến các tổ chức đoàn thể, tổ dân phố, các chi bộ theo đúng hướng dẫn.

Đây là một trong những địa phương đã chủ động siết chặt quản lý vấn đề này theo tinh thần dám nhìn thẳng vào sự thật để chấn chỉnh, khắc phục.

Theo Chủ tịch UBND phường Lĩnh Nam Tạ Việt Dũng, xác định đây là việc làm ưu tiên của chính quyền trong thời gian tới, lãnh đạo sẽ phân công một đồng chí Phó Chủ tịch phường trực tiếp phụ trách.

Nhưng trước câu hỏi: “Với địa bàn rộng (5,6km2) có đến 5 nghĩa trang, dân số đông (gần 40.000 người), phường sẽ làm thế nào để giám sát thu chi tài chính tại các tiểu BQL nghĩa trang do các cụ đảm nhận, nếu có sai sót thì chế tài như thế nào?”.

Chủ tịch UBND phường Lĩnh Nam Tạ Việt Dũng phải thừa nhận đây là vấn đề khó, nhạy cảm nhưng chính quyền địa phương sẽ quyết tâm dựa vào các tổ chức đoàn thể để tạo sự đồng thuận. Trước mắt UBND phường sẽ xem xét, lựa chọn người tin cậy tham gia các BQL nghĩa trang. Về lâu dài, phường sẽ phối hợp với các tổ chức đoàn thể tăng cường công tác giám sát sổ sách thu chi.

Ngày 24/5/2023 UBND phường Lĩnh Nam đã ban hành Quyết định 186/QĐ-UBND thay thế Quyết định 63/QĐ-UBND ngày 4/4/2019 quy định quản lý, sử dụng nghĩa trang trên địa bàn. Ảnh: AT

Ngày 24/5/2023 UBND phường Lĩnh Nam đã ban hành Quyết định 186/QĐ-UBND thay thế Quyết định 63/QĐ-UBND ngày 4/4/2019 quy định quản lý, sử dụng nghĩa trang trên địa bàn. Ảnh: AT

Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Lĩnh Nam Nguyễn Văn Nhuận cho rằng: “Rất khó để yêu cầu các cụ thực hiện chế độ báo cáo tài chính như các cơ quan nhà nước, “nước có phép nước, thì làng có lệ làng.” Đã hàng chục năm nay, việc thu chi tại Lĩnh Nam đều được thực hiện công khai, tách bạch thủy quỹ, ké toán và người dân tự giám sát lẫn nhau. Thực tế, các khoản xã hội hóa tại Lĩnh Nam đã góp phần làm đời sống văn hóa, tinh thần địa phương thêm khởi sắc, không phải xin tiền ngân sách tu bổ đình, chùa, nghĩa trang”.

Quản lý nghĩa trang luôn là một vấn đề khó, nếu làm không tốt sẽ để xảy ra hiện tượng trục lợi cá nhân, khiến người dân bức xúc. Sau 6 năm thực hiện Quyết định số 30 quy định quản lý, sử dụng nghĩa trang trên địa bàn Thành phố đã đến lúc chúng ta cần phải tổng kết, rút kinh nghiệm, tháo gỡ những khó khăn tại cơ sở.

An Thanh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quan-ly-nghia-trang-bai-hoc-thuc-te-tu-linh-nam.html