Quản lý – giám sát – kiểm tra

Vấn đề quản lý, giám sát… là việc của nhà nước, làm có tình có lý để thuận lòng đôi bên, không gây xáo trộn náo động thiền môn. Chả lẽ vì đồng tiền mà xáo trộn truyền thống của một tôn giáo từng là mạch sống của dân tộc

Vấn đề quản lý, giám sát… là việc của nhà nước, làm có tình có lý để thuận lòng đôi bên, không gây xáo trộn náo động thiền môn. Chả lẽ vì đồng tiền mà xáo trộn truyền thống của một tôn giáo từng là mạch sống của dân tộc!

Tác giả: Minh Mẫn

Quản lý thùng công đức, quản “công” hay quản “đức”?

Gần đây, trong giới Phật giáo xôn xao việc “lập Ban quản trị” chùa, giờ tin đồn: “giám sát, kiểm tra” tài chính (chi – thu chùa thuộc Di tích lịch sử, chẳng những thế, một số chùa không thuộc Di tích lịch sử cũng đã bị kiểm tra.

Theo báo Giác Ngộ, tại Huế đã nhận được thông báo phải báo cáo “thu chi” tiền công đức trên 17 cơ sở tự viện, kể cả tháp Tổ Liễu Quán. Quảng Bình có 10 ngôi vừa thành lập và phục hồi, chùa Cảnh Tiên và chùa Hồng Phúc cũng đã được kiểm tra và báo cáo. Điều đáng nói, chùa Cảnh Tiên là ngôi chùa cổ nơi xuất thân của cố đại lão HT.Thích Trí Quang xưa kia, hư sập, do TT.Thích Đạt Đức về tái thiết, nghĩa là không thuộc di tích lịch sử, việc tái tạo cũng không thuộc công quỹ nhà nước.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn: St

Hòa thượng Trưởng BTS Phật giáo Quảng Bình than phiền: Chùa là nơi đóng góp, che dấu, cán bộ hoạt động cách mạng trong thời chiến, kể cả một số tu sĩ bỏ tăng bào khoác chiến y đồng hành cùng cách mạng. Nghĩa là Phật giáo đồng hành cùng dân tộc, giờ đây Phật giáo bị kiểm tra, giám sát nhưng việc đó có đúng thông lệ không?

Thùng công đức do Ban Quản trị giữ, nhưng phải báo cáo chi thu rõ ràng.

Phải công nhận một cách khách quan, một số tu sĩ đã sử dụng đồng tiền của Tam bảo một cách khoa trương, nào là đồng hồ Rolex hàng trăm triệu, smartphone đắt tiền, xe con đời mới, phòng ốc sang trọng…tóm lại mang tính hưởng thụ quá đáng. Xã hội còn nhiều người nghèo đói mà lạm dụng đồng tiền xương máu của bá tính như vậy, trái ngược tinh thần “Tam thường bất túc” của nhà Phật rất khó coi.

Giáo hội tuy có nhiều Ban, có Pháp chế, có Giám luật, có Tăng sự không đủ kềm chế những tu sĩ phóng túng như thế buộc dư luận phải lên tiếng; tuy chỉ vài con sâu trong hàng vạn tu sĩ Phật giáo Việt Nam có biểu hiện như vậy, nhưng cũng đã mang lại không ít tai tiếng cho Phật giáo.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn: St

Từ xa xưa, không những trong nước mà ngay cả các quốc gia Phật giáo thịnh hành cũng không nghe tu sĩ phóng đạt như thế, cho dù không ai kềm chế tăng, ni. Cũng vì thế nhà chùa chưa từng nghe những từ Quản lý, Quản trị, Giám sát, báo cáo chi thu bao giờ.

Nếu một chính sách đưa ra có thể thành công 100% đem lại tốt đẹp cho Phật giáo, tăng, ni khỏi phải bận tâm lo quản trị chùa chiền và tiền bạc – vật chất, đời sống tu sĩ có ban bệ lo, tu tạo cơ sở có giám sát, quản lý lo… tu sĩ có đủ thời gian hành trì nếu không thì làm ông từ giữ chùa cũng được!

Nhưng làm sao quản lý chi thu khi đồng tiền không vào thùng công đức? Tiền đi đám, tiệc tùng là không phải tiền từ thùng công đức, tiền cúng riêng cho thầy là tiền túi của thầy hiểu theo nghĩa pháp luật và quyền sở hữu tài sản của công dân, vì tu sĩ cũng là công dân có quyền bình đẳng. Tiền kinh doanh kinh sách, ẩm thực… vô vàn hình thức khó mà quản lý, lấy đâu báo cáo cho đúng, nếu báo cáo không đúng, hóa chăng lại là chỉ làm cho có hình thức?

Tóm lại, vấn đề quản lý, giám sát… là việc của nhà nước, làm có tình có lý để thuận lòng đôi bên, không gây xáo trộn náo động thiền môn. Chả lẽ vì đồng tiền mà xáo trộn một tôn giáo từng là mạch sống của dân tộc!

Tác giả: Minh Mẫn
Ghi chú: Bài viết thể hiện góc nhìn, cách hành văn và lập luận riêng của tác giả.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/quan-ly-giam-sat-kiem-tra.html