Quản lý dữ liệu bài chòi thời 4.0

Lần đầu tiên, dữ liệu nghệ thuật bài chòi được số hóa để làm tiền đề cho việc giới thiệu, quảng bá, giữ gìn loại hình di sản văn hóa phi vật thể này trên không gian mạng. Đây là kết quả của đề án khoa học “Ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý cơ sở dữ liệu nghệ thuật bài chòi ở Khánh Hòa” vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh nghiệm thu.

Xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu

Thực hiện quyết định của UBND tỉnh về Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật bài chòi Khánh Hòa”, từ năm 2021, Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh đã giao Sở Văn hóa và Thể thao thực hiện đề án khoa học “Ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý cơ sở dữ liệu nghệ thuật bài chòi ở Khánh Hòa”, do ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao làm chủ nhiệm. Sau hơn 2 năm triển khai, đề án đã được nghiệm thu và các thành viên trong hội đồng thống nhất xếp loại đạt. Sản phẩm chính của đề án là phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu nghệ thuật bài chòi để giúp cho việc bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi ở Khánh Hòa được thuận lợi, sâu rộng hơn. “Các thành viên trong nhóm thực hiện đề án đã tiến hành nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn của nghệ thuật diễn xướng bài chòi dân gian; sưu tầm, thu thập, xác minh tài liệu, dữ liệu phục vụ cho việc số hóa; kiểm kê, điều tra khảo sát trên địa bàn toàn tỉnh… Từ đó, tiến hành xây dựng bộ cơ sở dữ liệu, số hóa các tài liệu, tư liệu, thông tin; thiết kế, xây dựng cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu. Nhóm cũng đề xuất những giải pháp khai thác cơ sở dữ liệu; bảo vệ, quản lý, cung cấp, cập nhật thông tin phần mềm về nghệ thuật bài chòi”, ông Lê Văn Hoa cho biết.

Các thành viên Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh thực hiện nghiệm thu kết quả đề án.

Cơ sở dữ liệu bài chòi là yếu tố quan trọng nhất của phần mềm nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về bảo tồn nghệ thuật bài chòi dân gian Khánh Hòa một cách hiệu quả, kịp thời, chính xác. Kết quả của ứng dụng vừa phải đáp ứng được các yêu cầu chung của một phần mềm hệ thống thông tin quản lý, đồng thời đáp ứng các yêu cầu chuyên biệt của một ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa. Trong phần mềm có các nhóm chức năng: Lưu trữ, biên tập và quản lý ngân hàng dữ liệu; tra cứu thông tin; xuất bản dữ liệu; quản trị. Ban đầu, phần mềm đã số hóa và tích hợp 282 phiếu hồ sơ phỏng vấn nghệ nhân và lập hồ sơ khoa học sưu tầm tư liệu, tài liệu nghệ thuật bài chòi ở 6 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; đưa 22 tuồng tích, 35 bài viết nghiên cứu, 76 đĩa DVD, 4 bộ ảnh, 12 bộ nhạc cụ lên trang quản lý cơ sở dữ liệu.

Cần sớm đưa vào sử dụng trong thực tế

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn An Pha - hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, bài chòi là một hình thức nghệ thuật tổng hợp, bao gồm nhiều yếu tố âm nhạc, sân khấu, trò diễn… Những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ XX, nghệ thuật bài chòi rất phổ biến, thịnh hành ở các tỉnh miền Trung, nhất là các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa. Trong nghệ thuật bài chòi có hội bài chòi là một loại hình trò chơi dân gian mang tính giải trí cao. Nội dung thơ ca trong hội chơi bài chòi phản ánh nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống, lời hát chủ yếu là bài thơ chữ gieo theo điệu vè hoặc thơ lục bát, lục bát biến thể. Với đặc điểm của một loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian, bài chòi đã cho thấy những tác động mạnh mẽ đến sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân miền Trung.

Hoạt động biểu diễn hô hát bài chòi ở TP. Nha Trang.

Hiện nay, ở Khánh Hòa vẫn duy trì hoạt động của 5 câu lạc bộ nghệ thuật bài chòi với 341 nghệ nhân. Ngành Văn hóa tỉnh đang lập hồ sơ khoa học của các gánh hát bài chòi hoạt động ở các làng xã. Qua các đợt xét danh hiệu nghệ nhân ưu tú vào các năm 2014 và 2022, trên địa bàn tỉnh có 12 người được phong tặng nghệ nhân ưu tú (trong đó có 10 người còn sống). Bên cạnh đó, có 1 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân là nghệ nhân Trần Rí. Tuy nhiên, thực tế, hoạt động nghệ thuật bài chòi dân gian đang mới ở mức bảo tồn, gìn giữ, còn việc lan tỏa loại hình này vẫn còn nhiều hạn chế. “Qua nghiên cứu, tôi nhận thấy nhóm tác giả đề án về cơ bản đã đảm bảo đúng quy trình thực hiện nhiệm vụ. Các công việc sưu tầm, nghiên cứu lý luận, ứng dụng khoa học công nghệ đối với việc bảo quản, lưu trữ, truyền bá di sản nghệ thuật bài chòi đúng lộ trình. Đề án mang tính cấp thiết, thiết thực trong giai đoạn hiện nay về bảo tồn, phát huy các giá trị di sản bài chòi”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Toàn - nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia, thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho biết.

Phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu bài chòi hoạt động trên nền tảng ứng dụng website với các tính năng hoạt động ổn định, hữu ích cho người dùng, người quản lý. Việc phục vụ tra cứu thông tin qua mạng Internet sẽ giúp quá trình thống kê, tìm kiếm dữ liệu có liên quan một cách kịp thời, thống nhất, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác quản lý điều hành các hoạt động liên quan đến nghệ thuật bài chòi. Đặc biệt, khi website này đi vào hoạt động sẽ giúp quảng bá hình ảnh về di sản bài chòi tại Khánh Hòa; đẩy mạnh công tác phục vụ cộng đồng của tỉnh; nghệ thuật bài chòi được bảo tồn, gìn giữ trên không gian mạng sẽ góp phần phát huy giá trị trong thời đại số. Chính vì thế, sớm đưa vào sử dụng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu nghệ thuật bài chòi thì loại hình di sản văn hóa độc đáo này càng sớm được công chúng tiếp cận.

GIANG ĐÌNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chuyen-doi-so/202403/quan-ly-du-lieu-bai-choi-thoi-40-0b03743/