Quản lý, điều hành bình ổn giá thị trường dịp cuối năm

Còn gần 2 tháng nữa là kết thúc năm 2022, đây cũng là giai đoạn cao điểm chuẩn bị hàng dự trữ phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán 2023. Đảm bảo cung - cầu, các ngành chức năng của tỉnh, các huyện, thành phố đã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch triển khai các giải pháp, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân.

Gian hàng sản phẩm trái cây tại Siêu thị WinMart Sơn La.

Gian hàng sản phẩm trái cây tại Siêu thị WinMart Sơn La.

Khảo sát tại hệ thống siêu thị WinMart, các đại lý và các chợ trên địa bàn Thành phố, tình hình giá hàng hóa tiêu dùng và dịch vụ tháng 10 không có biến động lớn, giá cả có xu hướng chững lại. Trong số 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, chỉ có 4 nhóm hàng tăng giá, gồm: Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình; nhóm văn hóa, giải trí; nhóm giao thông, giáo dục, đồ dịch vụ. Còn lại là các nhóm dịch vụ ăn uống, thực phẩm, nhà ở, chất đốt, vật liệu xây dựng giảm giá.

Bà Quàng Thị Kim, nhà hàng Phố núi, phường Chiềng Cơi, Thành phố, cho biết: Do làm nhà hàng, nên hằng ngày tôi vẫn nhập rau, thịt gia súc, gia cầm, nhận thấy một tuần nay, nhiều loại rau, củ, quả đã giảm giá, như rau cải mèo giảm từ 12.000 đồng/kg xuống còn 5.000 đồng/kg; rau thơm các loại 80.000 đồng/kg giảm còn 30 nghìn đồng/kg. Một số loại rau, củ quả tăng giá như: bắp cải, cà chua... do các mặt hàng này chưa vào chính vụ, cuối vụ, nguồn hàng khan hiếm. Riêng thịt lợn giữ ở mức 120.000 - 140.000 đồng/kg; 250.000-300.000 đồng/kg thịt bò; thịt gia cầm giảm nhẹ do nguồn cung tại chỗ đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ.

Anh Nguyễn Hoàng Hiệp, Giám đốc Siêu thị WinMark Sơn La, cho biết: Hiện tại, nhiều sản phẩm từ gạo, rau, thịt trên các gian hàng của siêu thị đang giảm giá; nhiều mặt hàng mỹ phẩm, nước giặt, rửa chén đang áp dụng chính sách khuyến mại mua 1 tặng 1. Thậm chí đồ điện gia dụng, như: Nồi chiên không dầu, máy vắt cam, máy xay thịt của Lock&Lock giảm 45%; vào những ngày cuối tuần các mặt hàng tươi sống giảm từ 15-30%.

Mặc dù thị trường hàng hóa tháng 10 theo các chuyên gia nhận định không có biến động lớn, giá cả có xu hướng chững lại. Tuy nhiên, theo số liệu của Cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng CIP bình quân 10 tháng năm 2022 vẫn tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2021. Nhìn chung, thị trường hàng hóa đảm bảo cung - cầu, không có tình trạng khan hiếm hàng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt và đời sống của người dân. Đây là nỗ lực rất lớn của các sở, ban, ngành của tỉnh, các huyện, thành phố cũng như sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp và sự ủng hộ của người dân đối với các chủ trương, giải pháp quản lý, điều hành giá của Nhà nước. Nguyên nhân khiến chỉ số tiêu dùng tăng ngoài tác động của việc điều chỉnh giá xăng, dầu do dịch Covid-19 đã được kiểm soát, các hoạt động sản xuất và dịch vụ cơ bản đã bình thường trở lại, nhu cầu sử dụng một số dịch vụ tăng nên giá tăng.

Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở Tài chính, cho biết: Để tiếp tục quản lý, điều hành giá hiệu quả, kịp thời trong những tháng còn lại năm 2022, UBND tỉnh đã chỉ đạo tăng cường quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát; yêu cầu các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính; thường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình diễn biến cung cầu, giá cả thị trường trên địa bàn để kịp thời báo cáo, đề xuất với UBND tỉnh có giải pháp điều hành, bình ổn thị trường phù hợp theo thẩm quyền; tăng cường thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch về giá để kiểm soát lạm phát; tăng cường giám sát, kịp thời ngăn chặn thông tin thất thiệt, không đúng sự thật, gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường; khuyến khích người dân triển khai các giải pháp sử dụng hiệu quả, tiết kiệm xăng, dầu, điện, nước.

Sở Tài chính đang phối hợp với Sở Công Thương tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, chủ động phương án bình ổn giá cả trong trường hợp cần thiết; phối hợp với các đơn vị làm việc với các nhà phân phối chính trên địa bàn để nắm giá của các nhà cung cấp, có phương án điều tiết phù hợp. Cục Quản lý thị trường Sơn La cũng phối hợp lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường; trong đó, tập trung vào một số mặt hàng tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán, xăng dầu, khí đốt hóa lỏng... Tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý.

Bên cạnh đó, các địa phương thường xuyên cập nhật, theo dõi diễn biến cung cầu, giá cả thị trường để có giải pháp điều hành, bình ổn thị trường phù hợp theo thẩm quyền. Các doanh nghiệp, đại lý, nhà phân phối lớn các nhãn hàng và hệ thống các cửa hàng kinh doanh hàng hóa trên địa bàn chủ động nắm bắt nhu cầu tiêu dùng lên phương án đặt hàng đảm bảo cung - cầu, tuân thủ và chấp hành nghiêm các quy định trong sản xuất, kinh doanh.

Còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2023, với sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng trong tỉnh, thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh ổn định cung - cầu, đảm bảo nguồn hàng phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.

Minh Thu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/quan-ly-dieu-hanh-binh-on-gia-thi-truong-dip-cuoi-nam-54579