Quản lý chặt chẽ các khoản vốn vay bù đắp bội chi

Theo Bộ Tài chính, thực hiện Nghị quyết Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp tục quản lý chặt chẽ việc huy động và quản lý, sử dụng các khoản vốn vay bù đắp bội chi ngân sách nhà nước (NSNN), vay để trả nợ gốc của NSNN.

Nhiều thuận lợi cho công tác huy động vốn

Bộ Tài chính cho biết, việc huy động và quản lý, sử dụng các khoản vốn vay bù đắp bội chi NSNN, vay để trả nợ gốc của NSNN được thực hiện theo Quyết định số 458/QĐ-TTg ngày 28/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch vay, trả nợ công năm 2023 và Chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2023-2025.

Huy động vốn vay đảm bảo đáp ứng bù đắp bội chi và đầu tư phát triển kinh tế- xã hội.

Huy động vốn vay đảm bảo đáp ứng bù đắp bội chi và đầu tư phát triển kinh tế- xã hội.

Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu chính phủ để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước, vừa đảm bảo nguồn thanh toán, chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn và góp phần định hướng sự phát triển của thị trường, cơ cấu lại nợ công.

Lũy kế đến ngày 15/12/2023, đã phát hành được 292,6 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ, bằng 73,2% kế hoạch đầu năm, kỳ hạn phát hành bình quân 12,5 năm, lãi suất bình quân 3,22%/năm.

Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa công tác phát hành trái phiếu chính phủ với việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, định kỳ trao đổi thông tin về kế hoạch, thời điểm, kỳ hạn và lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.

Kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ chủ yếu là 10-15 năm, giúp kỳ hạn phát hành bình quân đạt 12,33 năm, cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là từ 9-11 năm tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021.

Kỳ hạn còn lại bình quân danh mục là 9,19 năm, lãi suất phát hành bình quân 3,44%/năm. Với tình hình thị trường trái phiếu chính phủ năm 2023 có nhiều yếu tố thuận lợi cho công tác huy động vốn, mặt bằng lãi suất giảm và nhu cầu mua trái phiếu chính phủ cơ bản cao so với cuối năm 2022.

Chính phủ thực hiện ký kết 6 hiệp định vay nước ngoài với Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD), Hàn Quốc và Nhật Bản với tổng trị giá ký kết khoảng 531,79 triệu USD.

Theo thống kê chưa đầy đủ, lũy kế 8 tháng đầu năm 2023, rút vốn vay nước ngoài cấp phát khoảng 19.005 tỷ đồng (tương đương 805,5 triệu USD) (đạt gần 20,8% kế hoạch).

Các khoản vay nước ngoài của Chính phủ chủ yếu vẫn là các khoản ODA, vay ưu đãi nước ngoài với kỳ hạn dài 15-40 năm, ân hạn 5-10 năm, lãi suất thấp.

Cơ cấu lại hiệu quả danh mục nợ Chính phủ

Để có được kết quả đó, theo Bộ Tài chính, thời gian qua đã thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu danh mục nợ Chính phủ theo hướng tăng tỷ trọng vốn vay trong nước, giảm dần tỷ trọng nợ nước ngoài.

Vốn vay ODA ưu tiên đầu tư các dự án trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững.

Vốn vay ODA ưu tiên đầu tư các dự án trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững.

Kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ được kéo dài; lãi suất phát hành giảm đáng kể; cơ cấu nhà đầu tư tiếp tục được đa dạng hóa, tỷ trọng nắm giữ trái phiếu chính phủ của các ngân hàng thương mại giảm. Công tác quản lý nợ Chính phủ bảo lãnh tuân thủ chủ trương đề ra tại Nghị quyết 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị.

Quán triệt mục tiêu “hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới”, những tháng qua đã không cấp mới bảo lãnh cho các dự án vay trong nước và nước ngoài.

Công tác quản lý nợ chính quyền địa phương thực hiện trong phạm vi bội chi, hạn mức nợ và tổng mức vay đã được Quốc hội quyết định và Thủ tướng Chính phủ giao cho từng địa phương.

Bên cạnh đó, cơ cấu lại NSNN trong lĩnh vực nợ công đạt được những kết quả tích cực. Các chỉ tiêu nợ công năm 2022 đều trong phạm vi được Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ cho phép.

Ước đến cuối năm 2023, nợ công/GDP khoảng 39-40%, nợ Chính phủ/GDP khoảng 36-37%, nợ nước ngoài của quốc gia/GDP khoảng 37-38%, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm nghĩa vụ trả nợ đối với các khoản cho vay lại)/Tổng thu NSNN khoảng 20-21%. Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia (không bao gồm nghĩa vụ trả nợ gốc ngắn hạn dưới 12 tháng)/Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ khoảng 7-8%.

Trong năm 2022-2023, việc huy động vốn vay từ nguồn trong và ngoài nước đảm bảo đáp ứng nhu cầu bù đắp bội chi NSNN và đầu tư phát triển kinh tế- xã hội, bám sát các mục tiêu, nguyên tắc và lĩnh vực ưu tiên.

Bộ Tài chính đã tiếp tục tăng cường huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, thực hiện nguyên tắc đánh giá tác động nợ công của các khoản vay mới, không sử dụng vốn vay cho mục đích và dự án đầu tư có hiệu quả kinh tế, xã hội thấp hoặc không rõ ràng. Các khoản vay mới nước ngoài chỉ sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên.

Vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài tập trung các lĩnh vực chủ chốt như giao thông, thích ứng biến đổi khí hậu, y tế, giáo dục… đảm bảo mục tiêu ưu tiên đầu tư cho các dự án trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững, có hiệu ứng lan tỏa, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng môi trường, giáo dục, y tế, công nghệ.

Về huy động vốn trái phiếu chính phủ, đã chủ động điều hành khối lượng phát hành theo tiến độ thu của NSNN, tiến độ giải ngân đầu tư công, nhu cầu và khả năng hấp thụ của thị trường, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn của ngân sách trung ương với lãi suất phù hợp với điều kiện thị trường.

Đồng thời, tận dụng các nguồn vốn hợp pháp khác để xây dựng phương án huy động vốn phù hợp, tiết kiệm chi phí vay nợ cho ngân sách trung ương, tăng cường gắn kết giữa quản lý ngân quỹ, quản lý nợ công và quản lý NSNN./.

Công tác quản lý, sử dụng vốn vay về cho vay lại, vốn vay Chính phủ bảo lãnh có nhiều cải thiện, tăng cường công tác thẩm định, cấp và quản lý chặt chẽ các khoản bảo lãnh Chính phủ, vay về cho vay lại, tăng cường quản lý thông qua các công cụ giám sát để nhận diện, đánh giá, phân loại rủi ro, kiến nghị cấp thẩm quyền xử lý.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/quan-ly-chat-che-cac-khoan-von-vay-bu-dap-boi-chi-141964.html