Quân Iraq và người Kurd chiếm ưu thế tại Mosul

Các lực lượng thân chính phủ ở Iraq đã bước đầu giành ưu thế trong chiến dịch diện rộng nhằm lấy lại Mosul - thành trì chính cuối cùng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Iraq.

Theo BBC News, quân của chính phủ Iraq và các chiến binh người Kurd thực hiện đợt tiến đánh đầu tiên về phía thành phố vào sáng sớm ngày thứ Hai 17/10. Từ sáng 18/10, lực lượng IS tại Mosul bắt đầu triển khai các trận đánh. Cuộc chiến sẽ đầy khó khăn và có thể kéo dài hàng tháng. Liên hợp quốc cũng đã bày tỏ lo ngại đối với dân thường.

Orla Guerin - phóng viên của BBC đang có mặt cùng đơn vị xe tăng của người Kurd từ phía Đông, cho biết nay họ chỉ còn cách các vị trí của IS khoảng 300 m. Trong vài giờ giao tranh đầu tiên, quân người Kurd đã lấy lại được một số ngôi làng. Khi chiến dịch bắt đầu, một tướng người Kurd nói với phóng viên Guerin: "Nếu hôm nay tôi chết, tôi sẽ chết trong hạnh phúc vì tôi đã làm được điều gì đó cho người dân mình".

Quân đội Iraq chiếm ưu thế trên trận địa tại Mosul (Ảnh: AFP).

Trong khi đó, theo các nguồn tin an ninh, các lực lượng thân chính phủ Iraq cũng giành ưu thế khi tiến vào Mosul từ phía Nam. Lực lượng này vốn đã hoạt động từ căn cứ không quân Qayyarah - được giành lại từ tháng 8/2016. Liên minh do Mỹ dẫn dắt cũng hỗ trợ bằng các đợt không kích. Mosul là phòng tuyến chính cuối cùng của IS tại Iraq. Việc mất thành phố có thể đánh dấu sự thất bại triệt để của IS ở Iraq.

Mosul được xem như là “thủ đô giàu dầu mỏ” của tỉnh Nineveh, là thành phố lớn thứ hai của Iraq, bị quân IS chiếm từ tháng 6/2014. Điều này trở thành biểu tượng cho sự trỗi dậy của nhóm như một lực lượng quan trọng và có khả năng kiểm soát lãnh thổ. Cũng chính nơi này, lãnh đạo IS Abu Bakr al-Baghdadi tuyên bố là "vương quốc Hồi giáo" (caliphate) ở một số vùng thuộc Iraq và quốc gia Syria láng giềng.

Bản đồ Iraq và Mosul (Ảnh: AFP).

Đây là một trong những thành phố đa dạng nhất của Iraq, gồm tộc người Sunni Ả Rập, người Kurd, Assyrian và người Turkmen, cũng như các dân tộc tôn giáo thiểu số khác. Trong khi đa số thành viên của những dân tộc thiểu số này đã trốn khỏi IS, nhiều người Sunni Ả Rập ban đầu chào đón IS vì giận dữ trước các chính sách tôn giáo do chính quyền Hồi giáo Shi’ite Ả Rập dẫn dắt trước đó. Nhưng sau hai năm dưới sự trị vì tàn bạo của IS, họ đã thức tỉnh, chờ thời cơ, nay nhân lúc quân Iraq tiến đánh Mosul, họ muốn đi theo.

Lo ngại lớn nhất của những người còn ở lại thành phố là sự tham gia của dân quân Shi’ite trong chiến dịch, sau khi họ bị cáo buộc lạm dụng giáo phái ở các thành phố khác đã chiếm lại được. Thủ tướng Haider al-Abadi tìm cách trấn an người dân với tuyên bố chỉ có lực lượng an ninh của Iraq được phép vào Mosul. Nhưng ngay cả khi IS bị đánh đuổi khỏi Mosul, nhóm này vẫn kiểm soát các khu vực ở phía Bắc và Đông Iraq.

Những trận đánh ác liệt trên toàn tuyến tại Mosul bắt đầu…

Lê Miên Tường (Theo BBC News, 10/2016)

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/quan-iraq-va-nguoi-kurd-chiem-uu-the-tai-mosul-d48330.html