Quận Hoàn Kiếm: Dâng hương ông Tổ nghề thêu Lê Công Hành

Ngày 29/7, tại đình Tú Thị, UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức dâng hương Kỷ niệm 362 năm ngày hóa của ông Tổ nghề thêu Lê Công Hành.

Lễ dâng hương được diễn ra tại Đình Tú Thị (số 2A Yên Thái, phường Hàng Gai)

Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn cùng các đại biểu dâng hương tại đình Tú Thị.

Sau lễ tế, đông đảo người dân trên địa bàn phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm tham gia lễ dâng hương.

Nằm ở số 2A phố Yên Thái, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Di tích quốc gia đình Tú Thị là nơi thờ ông Lê Công Hành, người được coi là ông tổ của những người thợ thêu cổ truyền Việt Nam.

Đình Tú Thị là công trình có vị trí quan trọng trong toàn bộ hệ thống di tích của khu phố cổ Hà Nội.

Đình còn bảo lưu khá nguyên vẹn các đường nét kiến trúc tinh xảo có từ thời nhà Nguyễn, cùng nhiều hiện vật lịch sử giá trị.

Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm tham quan các hiện vật ở đình.

Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi giới thiệu sản phẩm như áo Thái tử triều Nguyễn, áo Công chúa triều Nguyễn, Long bào mô phỏng... với từng đường the kim, mũi chỉ được phục dựng thủ công.

Ghé thăm đình Tú Thị, người dân và du khách cũng có cơ hội tìm hiểu về giá trị nghề thêu truyền thống qua các hình ảnh, tư liệu lịch sử, cùng các tác phẩm thêu đương đại.

Đình Tú Thị vinh dự đón nhận bằng xếp hạng Di tích Quốc gia vào tháng 10 năm 2012.

Đoàn lãnh đạo quận Hoàn Kiếm chụp ảnh lưu niệm tại Đình

Ông Lê Công Hành sinh năm 1606, lúc trẻ tên là Trần Quốc Khải, là người làng Quất Động, huyện Thường Tín (nay thuộc Hà Nội). Ông đỗ Tiến sĩ đời vua Lê Thần Tông (năm 1637), được triều đình phong đến chức Thượng thư Bộ Công.

Năm 1646, Trần Quốc Khải được cử đi sứ Trung Hoa. Là người thông minh và nhanh nhạy, ông đã học được kỹ thuật tinh xảo của nghề thêu và nghề làm lọng, đưa các nghề này về truyền dạy cho người dân.

Do lập được nhiều công trạng, ông được triều đình ban cho Kim tử Vinh Lộc Đại phu, chức Tả thị lang Bộ Công, tước Thanh Lương hầu, được vua ban quốc tính. Do đó, ông có tên Lê Công Hành.

Đình có tên nôm là "Đình Chợ Thêu", tên chữ là"Tú Đình Thị" nghĩa là "Chợ đình Thợ Thêu". Trước đây, ngôi đình từng là nơi buôn bán, trao đổi các mặt hàng thêu.Đình Chợ Thêu được người dân Quất Động (huyện Thường Tín - Hà Nội) đến tụ cư tại kinh thành Thăng Long xây dựng vào năm 1891 (triều nhà Nguyễn), để thờ cụ Tổ nghề thêu là Lê Công Hành, người có nhiều công lao trong việc sáng tạo và phát triển nghề thêu ở nước ta. Đình Tú Thị hiện nay ở số nhà 2A phố Yên Thái, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Huy Hoàng

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quan-hoan-kiem-dang-huong-ong-to-nghe-theu-le-cong-hanh.html