Quan hệ Việt - Mỹ: Một hình mẫu từ đối thủ thành đối tác

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong phát biểu phiên họp thường niên quy mô và quan trọng nhất của tổ chức Liên hợp quốc đã nêu đậm về sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Mỹ để khẳng định rằng, điều này là một minh chứng cho việc các nước có thể vượt qua quá khứ, từ đối thủ trở thành đối tác để cùng giải quyết các thách thức và hàn gắn vết thương.

Sự hợp tác truyền cảm hứng toàn cầu

Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 78 với chủ đề “Xây dựng lại lòng tin và thúc đẩy đoàn kết toàn cầu: Tăng cường hành động về Chương trình Nghị sự 2030 và các Mục tiêu phát triển bền vững hướng tới hòa bình, thịnh vượng, tiến bộ và bền vững cho tất cả mọi người” đã khai mạc ngày 19-9, tại trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố New York của Mỹ với sự tham dự của hơn 150 người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ, cùng đại diện lãnh đạo của nhiều nước và tổ chức quốc tế. Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu tham gia các phiên họp cấp cao với nhiều hoạt động quan trọng.

Tổng thống Joe Biden nêu đậm quan hệ Việt - Mỹ tại Liên hợp quốc để minh chứng cho việc các nước có thể vượt qua quá khứ để từ đối thủ thành đối tác

Khóa họp lần thứ 78 của Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới diễn phức tạp, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt, tác động sâu rộng tới chính trị, an ninh quốc phòng, kinh tế, thương mại toàn cầu, đặt ra các thách thức lớn đối với chủ nghĩa đa phương cũng như Liên hợp quốc. Các điểm nóng trên thế giới, nhất là cuộc xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine tiếp tục khốc liệt, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, cùng với đó là những căng thẳng tại nhiều khu vực khác ở Trung Đông, Bán đảo Triều Tiên, châu Phi… Các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, thiên tai, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, dịch bệnh… gây ra những tác động cộng hưởng, đe dọa tới sự phát triển bền vững toàn cầu; ảnh hưởng, làm thiếu hụt các nguồn lực khiến các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) khó đạt được vào năm 2030.

Tuy nhiên, các quốc gia trên thế giới đều có nhu cầu tăng cường hợp tác quốc tế để chung sức giải quyết các thách thức chung toàn cầu, nhất là những thách thức cấp bách tác động trực tiếp tới môi trường hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển trên thế giới cũng như tại các khu vực. Tổ chức Liên hợp quốc dù gặp khó khăn về nguồn lực những năm qua nhưng tiếp tục được các quốc gia coi trọng, có vai trò chưa thể thay thế trong quản trị toàn cầu, thúc đẩy đối thoại, nhất là trong các hợp tác và các cam kết quốc tế trên các lĩnh vực hòa bình, an ninh, hợp tác phát triển và đảm bảo quyền con người. Cùng với đó, Liên hợp quốc có vai trò rất quan trọng trong việc tạo khuôn khổ giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia, kiềm chế xung đột leo thang, định hướng phát triển trên toàn cầu.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres trong phát biểu khai mạc Khóa họp 78 của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã nêu bật những thách thức hiện nay trên toàn cầu, từ chính trị, an ninh cho quan hệ thương mại và hệ thống kinh tế - tài chính quốc tế. Người đứng đầu tổ chức Liên hợp quốc cho rằng, các quốc gia trên thế giới cần tăng cường đối thoại, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và cải tổ hệ thống quản trị quốc tế, trong đó đặc biệt là các thể chế kinh tế - tài chính quốc tế và cả Liên hợp quốc để đáp ứng tốt hơn yêu cầu về phát triển bền vững.

Đáng chú ý, ngay trong phần mở đầu phát biểu của mình tại phiên khai mạc Khóa họp 78 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nêu đậm quan hệ Việt Nam - Mỹ, trong đó nhấn mạnh không ai có thể tưởng tượng có một ngày Tổng thống Mỹ đứng cạnh lãnh đạo Việt Nam ở Hà Nội và tuyên bố cam kết thúc đẩy quan hệ hợp tác ở mức độ cao nhất. Điều này, theo Tổng thống Joe Biden, là một minh chứng cho việc các nước có thể vượt qua quá khứ, từ đối thủ trở thành đối tác để cùng giải quyết các thách thức và hàn gắn vết thương. Từ bài học kinh nghiệm này, Tổng thống Joe Biden khẳng định, Mỹ sẵn sàng hợp tác với các nước để giải quyết các tranh chấp và Mỹ cam kết thúc đẩy chủ nghĩa đa phương nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu.

Xây đắp tương lai trên nền móng tin cậy, tôn trọng lẫn nhau

Tổng thống Joe Biden nêu đậm quan hệ Việt - Mỹ tại hội nghị thường niên lớn và quan trọng bậc nhất của tổ chức Liên hợp quốc diễn ra ngay sau chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong đó, thành công nổi bật và là dấu ấn mang tính lịch sử là nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.

Nếu không theo sát quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, thật khó có thể hình dung hai quốc gia từng trải qua một cuộc chiến tranh dài với những tổn thất lớn lao, đặc biệt là đất nước và nhân dân Việt Nam, lại có thể xác lập mối quan hệ ở tầm cao, thể hiện sự hiệu quả, thực chất ngày càng đi vào chiều sâu - Đối tác chiến lược toàn diện. Quan hệ hai nước Việt Nam và Mỹ sau đó đã trải qua không ít thăng trầm, đặc biệt là cuộc chiến tranh dài ngày, khốc liệt nhất trong thế kỷ 20 sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, đặc biệt là sau khi xác lập quan hệ Đối tác toàn diện vào năm 2013, quan hệ Việt - Mỹ đã có bước phát triển mạnh mẽ, sâu sắc, thực chất, hiệu quả.

Với tinh thần “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”, sau hơn 28 năm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, 10 năm triển khai quan hệ Đối tác toàn diện, quan hệ Việt Nam - Mỹ đã có những bước tiến dài, phát triển sâu rộng, thực chất và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, ở cả ba cấp độ song phương, khu vực và quốc tế. Những bước tiến dài được xây đắp trên một nền tảng chính trị vững chắc với sự hiểu biết, xây dựng lòng tin và tôn trọng lẫn nhau giữa các cấp lãnh đạo và người dân hai nước.

Kể từ năm 2000 đến nay, các chuyến thăm cấp cao và các cấp đã diễn ra thường xuyên giữa hai nước, qua đó tăng cường hiểu biết và làm sâu sắc hơn quan hệ song phương. Trong đó, Thủ tướng Phan Văn Khải thăm chính thức năm 2005; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm chính thức năm 2007; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức năm 2008; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm chính thức năm 2013 và xác lập quan hệ Đối tác Toàn diện với Hoa Kỳ; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức năm 2017 và gần đây là chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 5-2022. Đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức năm 2015 và trong chuyến thăm Mỹ đầu tiên của một Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam này, hai nước ra Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam - Mỹ.

Từ năm 2000 tới nay, các nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ đều thăm chính thức Việt Nam. Chuyến thăm Việt Nam mới đây của Tổng thống Joe Biden đã đánh dấu một thập kỷ hai nước xác lập và triển khai quan hệ Đối tác toàn diện, là sự tiếp nối của các chuyến thăm Việt Nam của những người đứng đầu Nhà Trắng, Tổng thống Bill Clinton (năm 2000), Tổng thống George Bush (năm 2006), Tổng thống Barack Obama (năm 2016) và Tổng thống Donald Trump (năm 2017). Chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Joe Biden cũng là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Mỹ theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trên nền tảng mối quan hệ chính trị tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau, hợp tác toàn diện Việt - Mỹ đã phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ, sâu sắc, thực chất, hiệu quả. Nổi bật là quan hệ thương mại giữa hai nước với những bước phát triển ngoạn mục. Năm 1995, thương mại hai chiều mới đạt 450 triệu USD, đến năm 2022 đã đạt hơn 123 tỷ USD. Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ và trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ trong ASEAN. Cũng từ năm 2022, Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với dấu mốc 100 tỷ USD. Về đầu tư, Mỹ luôn là một trong những nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Tính đến năm 2022, đã có hơn 11 tỷ USD đầu tư trực tiếp từ Mỹ vào Việt Nam, trong khi doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang Mỹ với số vốn lên đến hàng tỷ USD.

Việc hai nước Việt Nam và Mỹ từ quá khứ “chiến tranh dài ngày, khốc liệt trong thế kỷ 20 sau Chiến tranh Thế giới thứ hai” vẫn có thể xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện như hôm nay rõ ràng là minh chứng cho thấy không thách thức, xung đột, khác biệt nào trên thế giới không thể giải quyết nếu các bên cùng thiện chí đối thoại, hợp tác trên nền tảng tin cậy, tôn trọng lẫn nhau.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/quan-he-viet-my-mot-hinh-mau-tu-doi-thu-thanh-doi-tac-post552308.antd