Quan hệ đồng minh Pháp-Đức: Từ cuộc gặp cấp cao 'bất thường' đến nỗi lo về sự chia rẽ 'sâu cay' nhất trong EU

Mối quan hệ Pháp-Đức xưa nay vẫn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với các chính sách bao trùm của châu Âu. Trong bối cảnh châu Âu đang đứng trước một loạt thách thức, quan hệ giữa hai đồng minh quan trọng này lại có dấu hiệu rạn nứt.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong cuộc gặp ngày 26/10 thảo luận nhiều vấn đề trong quan hệ Pháp-Đức. (Nguồn: AFP)

Có gì đó "sai"

Căng thẳng mới giữa Pháp và Đức đang thách thức quan hệ hai nước vào thời điểm mà sự đoàn kết của họ có vai trò rất quan trọng đối với chính sách bao trùm hơn của châu Âu trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng.

Ngày 26/10, tại Điện Elysee, lãnh đạo của hai quốc gia quyền lực nhất Liên minh châu Âu (EU), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz, đã có cuộc thảo luận về chính sách đối ngoại, cuộc khủng hoảng năng lượng và việc mua sắm thiết bị quân sự. Nội dung cuộc gặp không được chia sẻ, các cuộc họp báo chung bị hủy bỏ, mặc dù đã được lên chương trình trước đó.

Đài France 24 bình luận rằng Pháp và Đức là những đồng minh rất thân thiết, hoặc ít nhất họ luôn là đồng minh của nhau, nhưng cuộc gặp lần này có sự khác biệt.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz trước đó xác nhận việc xuất hiện chung trước truyền thông, nhưng Tổng thống Pháp lại tuyên bố hủy bỏ và không ai biết điều gì đã xảy ra. Rõ ràng là có điều gì đó bất thường khi bên chủ nhà không tổ chức một họp báo chung nào với một quốc gia đồng minh thân thiện.

Khi nói về cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo và mối quan hệ chung giữa hai nước trong những tuần gần đây, đài ARD Tagesschau của Đức nhận định, phải chăng có gì đó “sai” trong quan hệ giữa Đức và Pháp.

Ban đầu, một cuộc thảo luận quy mô lớn hơn bao gồm các bộ trưởng trong chính phủ hai nước đã được lên kế hoạch. Sau đó, cuộc họp đã bị hoãn lại, và chuyển thành cuộc họp giữa hai nguyên thủ quốc gia.

Alberto Alemanno, Giáo sư luật EU tại Trường Kinh doanh H.E.C (Pháp) nhận định: “Cam kết lịch sử của Pháp và Đức trong việc hợp tác chặt chẽ hiện nay dường như bị đặt nghi vấn, hoặc ít nhất là bị thách thức”. Ông nói thêm rằng hành động của Thủ tướng Đức Olaf Scholz "tạo ra sự chia rẽ sâu sắc nhất trong EU".

Pháp và Đức là hai nền kinh tế lớn nhất trong EU và là hai trong số các quốc gia sáng lập liên minh. Sự thống nhất của họ là điều cần thiết cho việc hoạch định chính sách của EU. Tuy nhiên, Pháp và Đức đã có những khác biệt về cách giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng.

Ví dụ, trong khi Pháp bảo vệ giới hạn giá khí đốt của châu Âu thì tuần trước, chính phủ Đức chỉ đồng ý làm như vậy kèm theo một số điều kiện. Đức bị chỉ trích vì thông qua gói cứu trợ trị giá 200 tỷ Euro (200,2 tỷ USD) nhằm hỗ trợ các công ty và gia đình Đức, trong khi ngăn chặn các biện pháp ở cấp độ EU nhằm huy động nhiều tiền hơn và hỗ trợ các quốc gia châu Âu có ít dư địa tài chính hơn.

Điều khác biệt quan trọng còn liên quan đến chính sách quốc phòng. Đức tăng ngân sách quốc phòng và có kế hoạch mua vũ khí từ Mỹ. Nước này cũng đang tìm cách xây dựng hệ thống lá chắn tên lửa chung của châu Âu với sự hợp tác của 14 quốc gia khác, trong đó có cả Mỹ và Anh. Về vấn đề này, Pháp mong muốn hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn giữa các quốc gia châu Âu và các dự án quân sự giữa Pháp và Đức.

Bất đồng công khai?

Ông Emmanuel Macron và ông Olaf Scholz, với tư cách là nhà lãnh đạo của hai quốc gia lớn nhất châu Âu, thường thể hiện tình cảm riêng của họ, cho dù đó là bữa tối riêng tư tại tư dinh thủ tướng nhân Ngày thống nhất nước Đức, buổi tối đi dạo quanh Cổng Brandenburg hay ở Điện Elysee... Tuy nhiên, việc hủy cuộc họp chung của hai chính phủ được lên kế hoạch vào ngày 25/10 được cho là cách mà họ công khai những bất đồng của mình.

Trước các câu hỏi từ truyền thông, ngay trước cuộc họp của hai nhà lãnh đạo, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Laurence Boone cho biết mối quan hệ Pháp-Đức không hề suy yếu, ngược lại, đang rất tốt đẹp. Tuy vậy, bà Laurence Boone không thể phủ nhận một thực tế là các cuộc họp liên chính phủ Pháp-Đức dự kiến diễn ra đã bị hoãn vô thời hạn cách đây vài ngày, điều mà giới quan sát cho là dấu hiệu của sự bất hòa giữa Paris và Berlin.

Mặc dù bà Boone giải thích nguyên nhân chính là cả hai bên đều muốn có một hội đồng cấp bộ trưởng đầy đủ, nhưng một số bộ trưởng Đức không có mặt, trong đó đáng chú ý là Ngoại trưởng Annalena Baerbock.

Bà Boone cuối cùng cũng thừa nhận rằng có những khó khăn trong quan hệ giữa hai nước châu Âu chủ chốt ở một số lĩnh vực, chẳng hạn như chính sách quốc phòng, thái độ đối với cuộc khủng hoảng năng lượng ở EU hay các vấn đề kinh tế. Bà Boone nói rằng đây là những vấn đề mà hai nước cần nỗ lực phối hợp.

Những vấn đề này càng trở nên phức tạp hơn bởi vấn đề chính trị nội bộ của nước Đức, khi mà liên minh cầm quyền gồm 3 đảng có những quan điểm khác nhau trong các vấn đề đó.

Chính phủ Đức không đưa ra bình luận ngay lập tức về vấn đề này. Tuần trước, Thủ tướng Scholz cho biết “liên quan đến hợp tác với Pháp, Tổng thống Macron và tôi gặp nhau rất thường xuyên”.

Trong khi đó, các nhà phân tích tại công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group lưu ý rằng "sự thất vọng với Berlin đã tăng lên" trên khắp châu Âu.

Trong một lưu ý ngày 25/10, các nhà phân tích nhận định: “Trong khi những lời chỉ trích ban đầu tập trung vào những gì được nhiều quan chức cấp cao của EU coi là sự hỗ trợ quân sự hạn chế của Berlin cho Kiev, các quốc gia thành viên trong hội đồng giờ đây cũng bắt đầu chỉ trích các chính sách tài khóa và năng lượng của Đức. Sự thất vọng với Berlin hiện đã đi xa đến mức thực sự có nguy cơ làm suy yếu liên minh Pháp-Đức, mối quan hệ song phương quan trọng nhất của EU”.

(theo CNBC)

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/quan-he-dong-minh-phap-duc-tu-cuoc-gap-cap-cao-bat-thuong-den-noi-lo-ve-su-chia-re-sau-cay-nhat-trong-eu-203684.html