Quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Brazil không ngừng phát triển

Chặng đường 35 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Brazil (8/5/1989-8/5/2024) ghi nhiều dấu ấn hợp tác tích cực, sâu rộng, củng cố vai trò đối tác chủ chốt của nhau ở hai khu vực Ðông Nam Á và Mỹ Latinh.

Việt Nam và Brazil thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 8/5/1989, song tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước đã có nền tảng tốt đẹp ngay từ những năm 60 của thế kỷ XX khi nhân dân Brazil tổ chức nhiều hoạt động mít-tinh, tuần hành để bày tỏ sự ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam.

Tổng thống Brazil Luis Ignacio Lula da Silva hội đàm với Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Brazil, ngày 29/5/2007. Hai nhà lãnh đạo nhất trí nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác toàn diện. (Nguồn: TTXVN)

Trong 35 năm kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước luôn duy trì phát triển tốt đẹp. Việt Nam mở Tổng Lãnh sự quán tại thành phố São Paulo năm 1998 và nâng cấp lên Đại sứ quán tại thủ đô Brazilia năm 2000. Trước đó vào năm 1994, Brazil đã mở Đại sứ quán tại Hà Nội. Quan hệ song phương được thúc đẩy mạnh mẽ thông qua các chuyến thăm cấp cao lần lượt của Chủ tịch nước Lê Đức Anh (10/1995), Chủ tịch Hạ viện Aldo Rabelo (10/2003), Chủ tịch nước Trần Đức Lương (11/2004), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (3/2006), Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (5/2007), Tổng thống Lula da Silva (7/2008) và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (9/2023). Hai bên tuyên bố thiết lập khuôn khổ đối tác toàn diện năm 2007 nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và trong chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thống nhất thảo luận việc thiết lập khuôn khổ quan hệ mới.

Trong khuôn khổ triển khai quan hệ Đối tác toàn diện từ năm 2007 đến nay, quan hệ kinh tế-thương mại song phương có bước tiến triển mạnh mẽ, kim ngạch từ gần 330 triệu USD năm 2007 tăng gấp hơn 20 lần năm 2023 đạt 7,11 tỷ USD. Brazil hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh và đứng thứ hai ở châu Mỹ… Hiện Việt Nam cùng Brazil và ba nước thành viên còn lại (Argentina, Uruguay và Paraguay) đang tích cực trao đổi về khả năng khởi động đàm phán FTA Việt Nam-MERCOSUR tạo động lực cho quan hệ thương mại và đầu tư của Việt Nam với khối thương mại quan trọng này.

Trong chuyến thăm Brazil của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào tháng 9/2023, hai bên thống nhất thảo luận việc thiết lập khuôn khổ quan hệ mới. (Nguồn: TTXVN)

Hai bên đã ký nhiều hiệp định và thỏa thuận hợp tác như Thỏa thuận về tham khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao (10/1995); Hiệp định về hợp tác văn hóa; Thỏa thuận về hợp tác giữa hai Phòng Thương mại (10/2003); Thỏa thuận về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao (11/2004); Hiệp định về hợp tác y tế (5/2007); Bản ghi nhớ thành lập Ủy ban Hỗn hợp, Hiệp định Hợp tác khoa học và công nghệ, Bản ghi nhớ về hợp tác chống đói nghèo, Bản ghi nhớ về hợp tác thể thao (7/2008); Thỏa thuận Kế hoạch hành động xóa đói nghèo giữa Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Phúc lợi Xã hội Xóa đói nghèo Brazil (4/2012), Bản ghi nhớ về hợp tác du lịch (8/2016)… Qua đó, quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp, khoa học-kỹ thuật, văn hóa, thể thao, giao lưu nhân dân từng bước đạt những mốc phát triển mới. Hai nước duy trì thường xuyên cơ chế tham khảo chính trị và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Mauro Vieira tại Hà Nội, ngày 10/4/2024. (Ảnh: Tuấn Anh)

Việt Nam và Brazil chia sẻ các giá trị chung về hòa bình và hợp tác quốc tế cũng như tầm quan trọng của việc dung hòa giữa tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Trong ngày kỷ niệm dấu mốc quan trọng này của quan hệ song phương, có lý do để tin tưởng chắc chắn rằng, quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Brazil sẽ tiếp tục tạo những bước đột phá, góp phần đưa quan hệ song phương phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới trên cơ sở tình hữu nghị và tôn trọng lẫn nhau, vì lợi ích của hai dân tộc, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của hai khu vực và trên thế giới.

Mỹ Châu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/quan-he-doi-tac-toan-dien-viet-nam-brazil-khong-ngung-phat-trien-270492.html