Quân đội Mỹ sử dụng AI ước tính giá cả khoáng sản thiết yếu

Quân đội Mỹ đang có kế hoạch phát triển chương trình máy tính có khả năng ước tính giá cả và dự đoán nguồn cung niken, coban và các khoáng sản quan trọng khác.

Đây là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Washington nhằm khởi động lại việc sản xuất các khoáng chất quan trọng, ứng dụng trong sản xuất vũ khí và chuyển đổi năng lượng.

Sản lượng của Mỹ kém hơn Trung Quốc - quốc gia dẫn đầu thị trường, một phần do biến động giá hàng hóa. Jervois Global, năm ngoái thông báo đình chỉ xây dựng dự án coban ở Idaho do giá thị trường thấp. Trong khi đó, các công ty khai thác coban của Trung Quốc, với sự hỗ trợ tài chính của chính phủ, lại khẳng định sẽ tăng cường sản xuất kim loại trong pin điện để giành thị phần lớn hơn.

Theo truyền thống, giá kim loại được xác định bởi thị trường tương lai, các cơ quan định giá và phản ánh mức giá người mua sẵn sàng trả và người bán sẵn sàng chấp nhận bằng cách sử dụng cung, cầu và các yếu tố khác.

Do đó, thuật toán AI mà Washington dự kiến sử dụng để ước tính giá của một kim loại cụ thể có thể tạo ra tín hiệu nhiễu đối với thị trường - hai nguồn tin giấu tên của Reuters chia sẻ.

Lầu Năm Góc tin rằng các giao dịch mua hàng hóa được đàm phán bằng cách sử dụng "dữ liệu định giá không rõ ràng và thiếu sót" gây ra "rào cản đáng kể đối với cạnh tranh thương mại của Mỹ".

Dự án “Thăm dò giá mở vì an ninh quốc gia - OPEN” của Lầu Năm Góc đang được điều hành bởi bộ phận Cơ quan Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA), được thành lập từ năm 1957, từng tham gia đáp trả việc Liên Xô phóng vệ tinh Sputnik 1, giúp phát triển Internet cũng như vắc xin mRNA cho Covid-19.

Theo chương trình, DARPA và Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ có kế hoạch thuê nhà thầu tư nhân để phát triển mô hình AI nhằm xây dựng “cấu trúc giá” của kim loại dựa trên địa điểm và thời điểm sản xuất nó, cũng như nhân công, nguồn cung và các chi phí khác.

OPEN được xây dựng nhằm tăng cường tính minh bạch về giá cho các cơ quan chính phủ và tổ chức thương mại, đồng thời bù đắp rủi ro mà Mỹ tin rằng thị trường tương lai và cơ quan định giá có thể tác động tới an ninh quốc gia.

Lầu Năm Góc tin rằng các giao dịch mua hàng hóa được đàm phán bằng cách sử dụng "dữ liệu định giá không rõ ràng và thiếu sót" gây ra "rào cản đáng kể đối với cạnh tranh thương mại của Mỹ".

DARPA cho biết những nỗ lực của họ nhằm mục đích "loại bỏ sự mờ ám của thị trường có thể gây ra sự gián đoạn chuỗi cung ứng" và dữ liệu sẽ được các cơ quan chính phủ và tổ chức thương mại sử dụng. Người phát ngôn của DARPA cho biết: “Chương trình OPEN về cơ bản là tính minh bạch”.

Các nguồn tin cho biết nỗ lực của Lầu Năm Góc không nhằm mục đích ấn định giá kim loại chính thức của chính phủ Mỹ hoặc thay thế Sàn giao dịch kim loại London (LME) và các thị trường tương lai khác.

Tuy nhiên, diễn biến bất thường về giá niken năm 2022 của LME đã được trích dẫn là một trong những "động lực thị trường nội sinh và hành vi phản cạnh tranh có thể khiến thị trường tương lai trở thành một nguồn thông tin giá cả thiếu sót".

Reuters cho biết, công ty thông tin tài chính S&P Global và nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin nằm trong số các công ty đã đăng ký tham gia dự án. Theo các tài liệu, mô hình AI sẽ được triển khai theo ba giai đoạn trong vòng hai năm.

OPEN cũng nhằm mục đích dự đoán nguồn cung có thể bị ảnh hưởng như thế nào bởi những cú sốc thị trường bất ngờ như đình công, mặc dù các nhà thầu đã được yêu cầu không dự đoán thiên tai hoặc các sự kiện thị trường cụ thể khác.

Các nhà phân tích thị trường thường ước tính khoảng 5% sản lượng kim loại toàn cầu có thể bị gián đoạn mỗi năm do những cú sốc bất ngờ như vậy.

“Cách mạng hóa” định giá

DARPA mô tả mục tiêu của chương trình OPEN là nhằm “cách mạng hóa việc xây dựng và phổ biến các dự đoán và dự báo về giá, cung, cầu trên các thị trường vật liệu quan trọng".

Việc dự đoán biến động và tính toán giá trị phù hợp cho kim loại có thể giúp quân đội Mỹ có công thức để tính toán thời gian mua hàng cho kho dự trữ quốc gia. Chẳng hạn, Lầu Năm Góc năm nay có kế hoạch mua 1.300 tấn lanthanum, được sử dụng trong hợp kim thép. Nhưng lanthanum là một trong 17 loại đất hiếm, không được giao dịch trên các sàn giao dịch tương lai và sự kiểm soát của Trung Quốc đối với lĩnh vực này khiến việc xác định giá lanthanum phản ánh nguyên tắc cơ bản của thị trường hay không là rất khó khăn.

Giá than đã tăng đột biến vào năm 2021, đẩy giá magiê tăng 200% cũng là một ví dụ mà tài liệu của Lầu Năm Góc đưa ra như “một sự mờ ám của chuỗi cung ứng nguyên liệu quan trọng”. Magiê có thể được sản xuất cùng với than đá và sử dụng để chế tạo tên lửa và các loại vũ khí khác.

Cấu trúc thị trường hiện tại đã tồn tại hàng trăm năm qua. Hầu hết kim loại được bán theo hợp đồng dài hạn. Trên các sàn giao dịch như LME, giá cả thường thấp hơn so với thị trường vật chất - nơi người mua thường trả bảo hiểm đã tính trong chi phí tổng gồm chi phí vận chuyển, bảo hiểm và thuế nhập khẩu.

Một số công ty khai thác lithium, đất hiếm và than chì đã bắt đầu tính giá cao hơn cho kim loại được sản xuất bên ngoài Trung Quốc, nhưng những điều khoản đó được đàm phán theo hợp đồng và không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ sơ đồ giá nào của chính phủ.

(Theo Reuters)

Thế Vinh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/quan-doi-my-su-dung-ai-uoc-tinh-gia-ca-khoang-san-thiet-yeu-2245182.html