Quan điểm về con người trong Luận Ngữ của Khổng Tử dưới góc nhìn Phật giáo

Khổng Tử cho rằng con người không thể tồn tại nếu tách rời khỏi sự tương tác với tự nhiên. Đối với ông, mọi hiện tượng tự nhiên đều bị quy định bởi nguyên lý Âm Dương. Con người, là một phần của tự nhiên, phải tuân theo những nguyên lý này.

Mục lục bài viết

Khổng Tử cho rằng con người không thể tồn tại nếu tách rời khỏi sự tương tác với tự nhiên. Đối với ông, mọi hiện tượng tự nhiên đều bị quy định bởi nguyên lý Âm Dương. Con người, là một phần của tự nhiên, phải tuân theo những nguyên lý này.

1. DẪN NHẬP
2. SƠ LƯỢC VỀ KHỔNG TỬ VÀ LUẬN NGỮ
3. QUAN ĐIỂM VỀ CON NGƯỜI TRONG LUẬN NGỮ CỦA KHỔNG TỬ
4. QUAN ĐIỂM CON NGƯỜI TRONG LUẬN NGỮ DƯỚI GÓC NHÌN PHẬT GIÁO
5. KẾT LUẬN

Khổng Tử cho rằng con người không thể tồn tại nếu tách rời khỏi sự tương tác với tự nhiên. Đối với ông, mọi hiện tượng tự nhiên đều bị quy định bởi nguyên lý Âm Dương. Con người, là một phần của tự nhiên, phải tuân theo những nguyên lý này.

Tác giả: Thích nữ Hiển Liên
ThS Khóa V Học viện Phật giáo Việt Nam

1. DẪN NHẬP

Nghiên cứu về con người luôn là mối quan tâm hàng đầu mà các triết gia và quả thật con người luôn hiện hữu trong tác phẩm của các triết gia trải dài xuyên suốt theo mỗi giai đoạn lịch sử. Trong triết học Trung Hoa từ cổ chí kim, Khổng Tử – được ca ngợi là “vị thầy muôn đời”[1]- đã có sự nhận định tương đối hoàn chỉnh về con người với đầy đủ vị trí và vai trò trong hệ thống tư tưởng của mình mà tiêu biểu là ở Luận ngữ.

Ở đó, con người chính là trung tâm và các vấn đề xoay quanh con người đều được Khổng Tử trình bày với những góc nhìn, có phạm vi ảnh hưởng đến nhân sinh quan của một số nước ở châu á trong hàng ngàn năm qua.

Quan điểm về con người trong Luận ngữ của Khổng Tử đã trở thành tư tưởng cốt lõi của Nho học và trở thành tiền đề quan trọng cho sự nghiên cứu con người của các nhà khoa học, các nhà triết học sau này. Đặt quan điểm về con người của Khổng tử ở Luận ngữ dưới lăng kính Phật giáo sẽ giúp cho chúng ta có được những ánh nhìn khách quan về một hệ tư tưởng nổi tiếng, có giá trị đóng góp cho xã hội ngày nay.

Bức chân dung cổ nhất về Khổng Tử do họa sư Ngô Đạo Tử (685–758) vẽ. Nguồn: wikipedia.org

2. SƠ LƯỢC VỀ KHỔNG TỬ VÀ LUẬN NGỮ

Khổng Tử hay Khổng Phu Tử (551 TCN – 479 TCN) tên là Khâu, tự là Trọng Ni, thọ 73 tuổi, sống ở thời Xuân Thu. Ông là một triết gia, chính trị gia, được xem là nhà hiền triết mẫu mực ở Trung Quốc, là một trong mười vị thánh trong lịch sử Trung Quốc. “Những lời dạy và triết lý của Khổng Tử đã hình thành nền tảng văn hóa Á Đông, và ngày nay vẫn tiếp tục duy trì ảnh hướng khắp Trung Quốc cũng như các quốc gia Đông Á khác.”[2]

Luận ngữ được viết từ đời Tiền Hán (206 TCN – 220) tới đời Hậu Hán (947-951), được phổ biến từ thời Tiền Tần. Luận ngữ là tác phẩm đầu tiên của thể loại tản văn cổ đại, do đệ tử của Khổng Tử biên tập sau khi ông qua đời. Luận ngữ gồm 20 thiên, mỗi thiên đều lấy chữ đầu mà đặt tên và các thiên không có liên hệ với nhau. Luận ngữ được xem là cốt tủy của Nho học, muốn tìm hiểu Nho thì nên học Luận ngữ.

Trong Tứ thư, Luận ngữ được xem là trọng điểm, nòng cốt bởi khả năng bao hàm hết trọn vẹn ý nghĩa của Tứ thư, thể hiện được trọn vẹn quan niệm về con người một cách độc đáo, sinh động và có gái trị ứng dụng, sức lan tỏa sâu sắc.

3. QUAN ĐIỂM VỀ CON NGƯỜI TRONG LUẬN NGỮ CỦA KHỔNG TỬ

Trong giai đoạn Trung Hoa có sự biến đổi toàn diện từ xã hội, chính trị, kinh tế, tín ngưỡng… sự rối ren và hoang mang lớn của con người, những mong ước mới về hạnh phúc, sự an định trong xã hội được đẩy lên đỉnh điểm, các nhà tư tưởng, nhà triết học bắt đầu tìm hiểu về con người như yếu tố quan trọng nhất, là nguyên nhất bắt đầu, cũng là nhân tố có thể thay đổi thế giới. Và khi đó, quan điểm về con người của Khổng Tử xuất hiện như một dấu hiệu tích cực cho bước chuyển mình trong tư tưởng ở Trung Hoa.

Khổng Tử ra đời trong giai đoạn mà Trung Quốc có sự biến động mạnh mẽ trên mọi phương diện. Đó là khi điều kiện xã hội Trung Quốc rơi vào loạn lạc triền miên, giai cấp thống trị cũ không còn thể hiện được vai trò của mình đối với chính quyền, đối với lịch sử. Phạm vi quyền lực bị phân tán, nhiều thế lực mới nổi dậy đòi quyền thống trị, đẩy xã hội Trung Hoa bước qua một giai đoạn mới trong tiến trình phát triển của lịch sử. Thời kỳ phong kiến phân quyền biến mất, thời kỳ phong kiến trung ương tập quyền “lên ngôi”.

Theo thực trạng trên khiến cho các xu thế sau xuất hiện: “(1) Các nhà tư tưởng chủ trương pháp trị ra sức ủng hộ các thế lực địa chủ mới lên; (2) Các nhà tư tưởng chủ trương đức trị thì muốn níu giữ chế độ lễ trị của nhà Chu; (3) Các nhà tư tưởng chủ trương vô vi vì bất mãn với thực tại nên họ quay lưng với thế sự. Khổng Tử được sinh ra trong cảnh cơ hàn nhưng thuộc dòng dõi quyền quý ở nước Lỗ, một đất nước nhỏ bé nhưng có bề dày văn hóa dưới thời nhà Chu.”[3]

Như vậy ông là người đại diện tiêu biểu cho xu hướng thứ hai và ông đã đưa ra quan điểm về con người dựa trên cơ sở bản tính con người vốn thiện để lý giải về xã hội.

“Cùng với quan niệm về thiên mệnh, quỷ thần, Khổng Tử đưa ra quan niệm về con người và học thuyết luân lý đạo đức xã hội.”[4] Khổng Tử tập trung lý giải về nguồn gốc, vai trò, vị trí và bản tính của con người để hình thành những quan niệm đúng đắn về con người. Việc nhận thức về nguồn gốc của con người là một thách thức khó khăn, đòi hỏi sự phát triển về tầng bậc tri thức của nhân loại.

Đáp ứng nhu cầu của thời đại, đồng thời hướng đến sự phát triển cũng như mong muốn nâng cao nhận thức của con người, Khổng Tử đã bắt đầu lý giải về nguồn gốc của con người một cách toàn vẹn. Đây cũng là sự bắt đầu hoàn hảo để thay đổi nhận thức con người.

Khổng Tử cho rằng con người không thể tồn tại nếu tách rời khỏi sự tương tác với tự nhiên. Đối với ông, mọi hiện tượng tự nhiên đều bị quy định bởi nguyên lý Âm Dương. Con người, là một phần của tự nhiên, phải tuân theo những nguyên lý này. Đặc biệt, Khổng Tử nhấn mạnh rằng con người, nếu được coi là một khía cạnh của tự nhiên, cũng phải tuân theo quy luật biến đổi Âm Dương của Thiên đạo và. Địa đạo.

Việc sử dụng nguyên lý Âm Dương để giải thích nguồn gốc của con người trong tư duy của Khổng Tử không chỉ là một quyết định lý thuyết mà còn là một bước tiến vững chắc trên nền tảng duy vật. Ông chủ động đối kháng với quan niệm duy tâm thần bí khi xem tự nhiên là một phần không thể thiếu trong sự xuất hiện của loài người. Điều này thể hiện một quan điểm tiến bộ và có tầm nhìn mở rộng trong bối cảnh lịch sử bấy giờ.

Với Khổng Tử, con người đóng vai trò vô cùng quan trọng trong xã hội với một vị trí không thể thay thế. Con người chính là nhân tố quyết định sự thành công hay thất bại của một quốc gia. Với Chính danh, Khổng Tử nhấn mạnh về vai trò nhất định và không trùng lặp mà mỗi người đề có trong xã hội. Việc phân biệt xã hội thành hai loại người theo quan điểm của Khổng Tử – người quân tử và kẻ tiểu nhân – là biểu hiện của sự đa dạng về trách nhiệm và vai trò trong cộng đồng.

Người quân tử đóng vai trò lãnh đạo và hướng dẫn, trong khi kẻ tiểu nhân có trách nhiệm tuân theo và thực hiện những nhiệm vụ được giao.

Khổng Tử ấn định quan niệm Ngũ thường để phân chia các mối quan hệ của con người, bao gồm: vua – tôi, cha – con, chồng – vợ, anh – em, bạn bè. Sự phân định trên nhằm đảm bảo trách nhiệm, bổn phận của mỗi con người trên nền tảng chuẩn mực được quy định bởi các giá trị đạo đức: Vua phải biết ban ơn huệ, bề tôi phải trung thành, cha phải có lòng từ, con phải biết hiếu thảo, chồng phải có tình nghĩa, vợ phải biết theo chồng, anh lương, em đễ, bạn bè thì tín nghĩa với nhau.

Một điểm đặt biệt nổi trội ở Luận ngữ của Khổng Tử là xem con người có vai trò phụ thuộc vào thiên mệnh. Quả thật, Khổng Tử xem trời là đấng tối cao vô thượng, con người luôn phải phụ thuộc, phục tùng theo ý chí của trời. Tất cả những thay đổi trong nhân sinh, từ góc độ cá nhân như sống, chết, bệnh tật, họa phúc, giàu nghèo của con người, hay từ góc độ xã hội như sự thành bại, hưng vong của các triều đại đều do thiên mệnh chi phối.

Sự đề cao của Khổng Tử đối với thiên mệnh vô cùng mạnh mẽ đến mức ám ảnh, ổng phát biểu rằng: “Đạo ta nếu được lưu hành, ấy cũng do mạng trời. Đạo ta nếu phải vong phế, ấy cũng do nơi mạng trời.”[5].

Tiếp nối với tư tưởng tin vào Thiên mệnh, Khổng Tử khẳng định sự hiểu biết và hành động của con người cũng phải xuất phát từ thiên mệnh, lấy ý trời làm mục tiêu thì mới có thể hoàn thiện được: “chẳng hiểu mạng trời, chẳng đáng gọi là quân tử”[6]; “người quân tử có ba điều kính: kính sợ mạng trời, kính sợ bậc đại nhân, tức là người chức phận lớn, đức hạnh cao; kính sợ lời dạy của thánh nhân”[7].

Mối quan hệ giữa trời và người là một trong những đặc trưng tiêu biểu của triết học Khổng Tử, đóng vai trò nền tảng để nhấn mạnh vai trò của người lãnh đạo. Đây cũng là chi tiết cho thấy sự trọng thị của Khổng Tử đối với giai cấp cầm quyền và sự phát triển của xã hội. Điều này đã góp phần thúc đẩy tư tưởng của Nho gia, sự biện hộ cho quyền lực và vị thế của nhà cầm quyền được nhấn mạnh, mà đặc biệt là vai trò của nhà vua: cầu nối giữa trời và người.[8]

Song song thiên mệnh, Khổng Tử cũng nhấn mạnh vai trò của con người trong cải tạo thế giới. Ông không đề cập nhiều đến cái chết mà nhấn mạnh hiện thực, khuyến khích con người đối diện với nghịch cảnh vô đạo của xã hội, sửa đổi bản thân, sống đúng với đạo đức của con người. Khổng Tử đặc biệt nhấn mạnh về trí tuệ con người như một giá trị quan trọng giúp con người phát triển bản thân, cải đổi xã hội.

Cũng như nhiều triết gia đều đưa ra quan điểm của mình về tính[9], Khổng Tử cũng có những nét nhận định riêng về cái trời phú khi con người vừa sinh ra. Về bản tính, Khổng Tử nhận định rằng con người khi sinh ra gần như nhau nhưng do điều kiện sống mà có sự khác biệt. Trong Luận ngữ, Khổng Tử viết: “Con người ta sinh ra, cái bẩm tánh vốn ngay thật. Nếu họ tà khúc mà sống được, đó là họ may mắn khỏi chết đói thôi”[10].

“Theo quan niệm đó, Khổng Tử nhận định, về cơ bản thì bản tính con người giống nhau, ai cũng có tính lành. Tính lành làm cho mọi người gần nhau và tránh xa điều ác.”[11] Trên cơ sở đó, Khổng Tử cho rằng bản tính con người là ngay thẳng, thành thực. Bên cạnh đó, Khổng Tử còn nhấn mạnh giá trị của những phẩm tính tốt đẹp của con người với chuẩn mực đạo đức, như: nhân, lễ, nghĩa, trí, dũng, trung hiếu, kính đễ… Đây là những đức tính quan trọng tạo nền tảng hình thành bậc quân tử.

Một đặc trưng mang tính ứng dụng sâu sắc trong quan niệm của Khổng Tử về con người, có giá trị đến ngày nay là quan niệm về giáo dục của con người. Từ nguồn gốc, bản tính, vai trò và sự phân chia xã hội của con người, Khổng Tử hướng ánh nhìn đến một quan điểm về nền giáo dục phổ đồng hướng đến Chính danh và đưa con người trở về đạo.

Suốt cuộc đời của mình, Khổng Tử đã thực sự đưa nền giáo dục vốn dành cho nhà quan phổ biến rộng rãi đến toàn bộ người dân, ai cũng có thể tiếp cận được, đặt nền tảng mạnh mẽ cho hướng giáo dục toàn dân có ảnh hưởng đến phương Đông và toàn nhân loại như ngày nay.

Giáo dục của Khổng Tử không chỉ đưa mỗi cá nhân phát triển đến chuẩn mực của thánh hiền, mà còn là phương pháp hiệu quả để ổn định trật tự xã hội mà ở đó đạo đức, lễ nghĩa được nhấn mạnh trên cả hình pháp. “Nếu nhà cầm quyền chuyên dùng pháp chế, cấm lệnh mà dẫn dắt dân chúng; chuyên dùng hình phạt mà trị dân, thì dân sợ mà chẳng phạm phép đó thôi, chớ họ chẳng biết hổ ngươi. Vậy muốn dẫn dắt dân chúng, nhà cầm quyền phải dùng đức hạnh; muốn trị dân, nhà cầm quyền phải dùng lễ tiết”[12].

Như vậy, giáo dục được xem như phương tiện quan trọng để khẳng định vai trò và vị trí của con người trong thế giới.

4. QUAN ĐIỂM CON NGƯỜI TRONG LUẬN NGỮ DƯỚI GÓC NHÌN PHẬT GIÁO

Quan niệm về con người trong Luận ngữ thực sự đã thể hiện được sự sâu sắc cũng như tính nghiêm túc khi nhìn nhận về con người của Khổng Tử. Đặt quan niệm này dưới góc nhìn Phật giáo sẽ giúp ta có được những nhận định đúng đắn về con người và hướng phát triển của con người một cách tích cực và thích nghi hợp lý.

Đầu tiên, quan niệm của Khổng Tử mang tính nhân văn sâu sắc khá tương đồng với giá trị từ bi của Phật giáo. Bởi lẽ Khổng Tử luôn nhìn nhận con người với mong muốn tích cực, giúp con người phát triển, loại trừ đi khổ đau và đề cao con người với những nhận định đầy tính nhân ái. Mặc dù đứng trên lập trường địa vị và luôn đề cao giai cấp thống trị, song Khổng Tử luôn lấy con người làm trung tâm với mong muốn giúp đỡ nhân loại trong tình cảnh hỗn loạn của xã hội đương thời.

Con người trong quan điểm của Khổng Tử luôn có chiều hướng vươn tới làm chủ chính mình. Giai cấp cầm quyền cũng được yêu cầu phải hiểu rõ dân, nắm vững nhân tố con người và có lòng thương tưởng, ban ân huệ cho con người mới có thể phát triển quốc gia. Ở đây, hai nhân tố chính giúp học thuyết của Khổng Tử có thể lan tỏa mạnh mẽ và có sức ảnh hưởng cho đến ngày nay là: lòng nhân và giáo dục.

Tình thương được xem như là yếu tố quyết định hình thành nhân cách của con người cũng như tiêu chuẩn để đánh giá một người làm lãnh đạo. Giáo dục lại là công cụ thể hiện lòng nhân với phương châm phát huy tính thiện của con người, từ đây hoàn thiện nhân cách mỗi người.

Như vậy, khía cạnh nhân văn trong quan niệm về con người của Khổng Tử không chỉ giới hạn ở việc mang lại cho họ cuộc sống tròn đẹp, xây dựng xã hội thịnh vượng mà còn nâng cao giá trị bản người. Khổng Tử tôn trọng những tiêu chí về tri thức và đạo đức như một phần quan trọng của triết lý, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng và vị thế của nhân dân, điều này thể hiện sự cao quý của quan điểm của ông.

Thứ hai, con người trong quan điểm triết học của Khổng Tử được nghiên cứu một cách đa dạng và khá toàn vẹn với nhiều phương diện từ cách nhận định đánh giá đến các phương thức giúp phát triển con người. Con người trong quan điểm của Khổng Tử mang bản chất thiện và chủ trưởng của ông cũng là nhân trị và đức trị. Vai trò của con người trong tự nhiên và trong xã hội luôn được nhấn mạnh. Đây là sự tiến bộ, cũng là những ước vọng tích cực của Khổng Tử đối với xã hội rối loạn đương thời.

Những giá trị về chuẩn mực đạo đức của con người được Khổng tử khai thác tối đa, từ đó mở ra nền giáo dục nhằm cải hóa con người thành mẫu người lý tưởng với đầy đủ các yếu tố: “nhân”, “lễ”, “nghĩa” “trí”, “tín”, hiểu biết đạo lý, thực hiện đạo lý, góp phần xây dựng một xã hội lý tưởng, có trật tự, cương thường, thái bình, thịnh trị. Điều này vừa thể hiện giá trị hiện sinh vừa thể hiện tính triết học khi nghiên cứu về con người. Cũng từ đây, con người có được hướng phát triển đi đến cái thiện giữa đời sống loạn lạc, vô đạo ngày ấy.

Thứ ba, quan niệm về con người trong tư tưởng của Khổng Tử mang đậm giá trị hiện thực. Sự trân trọng sự sống, lòng thương người và cái nhìn bao quát về con người giúp Khổng Tử nhấn mạnh chủ trương giáo hóa thay vì hình pháp.

Trong xã hội lý tưởng của Khổng Tử, nhà cầm quyền phải dùng đức giáo hóa, dùng nhân để cai trị và ban ân huệ để ổn định lòng dân. Người hiền, bậc quân tử luôn được xem trọng để giáo hóa người dân, ổn định xã hội, thay vua điều hành đất nước. Tất cả những điều này đều hướng đến một xã hội an hòa, một quốc gia phát triển.

Tư tưởng giáo dục theo quan điểm của Khổng Tử không chỉ là một bộ phận của triết lý mà còn là một hệ thống lý luận chặt chẽ. Ông đặt biệt nhấn mạnh vào khía cạnh nội tâm hơn là những diện biểu hiện của con người. Không chỉ dựa vào lời nói, quan niệm của ông còn kết hợp giữa động cơ và kết quả, lý trí và tình cảm.

Về những phương diện giáo dục truyền tải, Khổng Tử đưa ra các giá trị đạo đức sâu sắc như nhân, lễ, nghĩa, chính danh, và nhiều khía cạnh khác. Để truyền đạt một cách hiệu quả, ông đã đề xuất một hệ thống phương pháp giáo dục chặt chẽ, với các giải thích sống động và sâu sắc.

Với những cống hiến đặc sắc như thế, một số điểm trong quan niệm về con người trong Luận ngữ của Khổng tử cần được xem xét để có thể ứng dụng trong xã hội ngày nay. Trước tiên, tính duy tâm được thể hiện trong tư tưởng về con người của Khổng tử.

Với nhận định chắc chắn về sự chi phối của thiên mệnh, con người phải phục tùng ý chí của trời một cách tuyệt đối nếu không sẽ bị trừng phạt, ta thấy được lỗ hổng nhất định trong quan niệm của Khổng tử về cách nhận định con người. Con người là vô thường và quy luật chi phối con người là Nhân Quả, luận hồi. Thế nên, tôn thờ thiên mệnh sẽ khiến cho học thuyết của Khổng Tử mang màu sắc thần bí và cản trở sức lan tỏa của nó trong xã hội hiện nay.

Kế tiếp, Khổng Tử vẫn mang cái nhìn đẳng cấp với sự trọng thị giai cấp cầm quyền. Điều này thể hiện ở rất nhiều phương diện mà nổi trội là ở chính danh và giáo dục. Ở Chính danh, Khổng Tử nhấn mạnh quy định về vị trí con người, ai an phận nấy, không được vượt quyền. Ở giáo dục, tuy vẫn hướng đến tính phổ đồng trong giáo dục, song Khổng Tử hướng đến đào tạo với sự phân tầng cụ thể, ai ở vị trí, bổn phận nào sẽ có được sự giáo dục tương ứng.

Tiêu biểu là giáo dục đào tạo người quản lý dành cho con em giai cấp cầm quyền và giáo dục đào tạo người dân để phục tùng giai cấp trên. Tính đẳng cấp trong quan niệm về con người của Khổng Tử đã bộc lộ hạn chế mà chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận để có thể đưa đến ứng dụng quan niệm này vào xã hội hiện đại ngày nay.

5. KẾT LUẬN

Quan niệm về con người trong Luận ngữ của Khổng Tử là kết tinh từ những đặc điểm và yêu cầu tất yếu của xã hội Trung Hoa đương thời, vừa mang tính đột phá lại mang giá trị thích nghi sâu sắc. Khổng Tử đã thể hiện rõ quan điểm của mình qua tập trung làm rõ những vấn đề quan trọng liên quan đến con người từ đó xây dựng những lý tưởng riêng về vấn đề xây dựng và phát triển đất nước.

Nguồn gốc, sự phân chia con người, vai trò và vị trí của con người, con người với thiên mệnh… lần lượt được làm rõ trong quan niệm của ông. Từ đó, mở ra hai giá trị lớn là lòng nhân và giáo dục, bằng cách giải thích bản chất thiện lương của con người, Khổng Tử đã phát triển quan điểm giáo dục với hy vọng có thể thay đổi xã hội, với giá trị ứng dụng sâu sắc.

Mặc dù còn nhiều hạn chế do cách giải thích thiên về yếu tố thần bí và cái nhìn trọng thị đối với giai cấp cầm quyền, song quan niệm về con người trong Luận ngữ của Khổng tử đã thật sự đóng góp cho bước tiến của xã hội nền móng cho việc nghiên cứu con người về sau.

Tác giả: Thích nữ Hiển Liên
ThS Khóa V Học viện Phật giáo Việt Nam

***

PDF PRINT

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/con-nguoi-trong-luan-ngu-khong-tu.html