Quan điểm của Pháp về Syria dưới thời ông Macron có gì khác?

Theo kết quả sơ bộ được Bộ Nội vụ Pháp công bố, tại cuộc bầu cử tổng thống Pháp vòng 2, ông Macron đã giành chiến thắng vang dội với tỷ lệ 65,9% trước bà Le Pen 34,1% và trở thành tổng thống thứ 8 của nền Cộng hòa thứ Năm của Pháp.

Ông Macron

Kết quả này không nằm ngoài dự đoán, bởi vì kết quả các cuộc thăm dò dư luận trước đó đều cho thấy ứng cử viên Macron có tới 59% số cử tri ủng hộ, trong khi bà Le Pen chỉ giành được 41% số người ủng hộ trước cuộc bầu cử vòng 2 này. Dư luận chính giới và xã hội nhìn chung đều đánh giá ông là ứng cử viên sáng giá cho chức tổng thống Pháp.

Sau khi Bộ Nội vụ Pháp công bố kết quả sơ bộ, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu cũng đã gửi lời chúc mừng tới ông Macron. Thủ tướng Anh Theresa May chúc mừng ông Macron đắc cử tổng thống, đồng thời khẳng định Paris là một trong những đồng minh thân cận nhất của London. Thủ tướng May bày tỏ mong muốn hợp tác với tân Tổng thống Pháp trong hàng loạt vấn đề mà hai bên cùng quan tâm.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel đã hoan nghênh chiến thắng của ông Macron và khẳng định điều này đã giữ cho Pháp nằm ở “trái tim của châu Âu”.

Hai nhà lãnh đạo hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) là Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng đã gửi lời chúc mừng đến ông Macron.

Phát biểu trong một bài phỏng vấn với RIA Novosti, giáo sư thuộc Đại học Ả Rập Beirut Ali Murad nhận định, trường hợp giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp quan điểm của Lãnh đạo phong trào “Tiến bước” của Pháp Emmanuel Macron về Syria sẽ ít tham vọng hơn so với quan điểm của người đứng đầu Cộng Hòa Pháp hiện tại – ông Francois Hollande.

Theo chuyên gia này quan điểm của Pháp về Syria sẽ thay đổi rõ rệt nếu người lên nắm quyền Nhà nước Pháp sắp tới là lãnh đạo phong trào cực tả "Nước Pháp bất khuất" Jean-Luc Mélenchon hay ứng cử viên phe trung hữu Francois Fillon hoặc cựu lãnh đạo của Đảng Mặt trận Dân tộc Marine Le Pen. Quan điểm của những ứng viên này cũng tương tự như của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, đó là ủng hộ “chính phủ Syria và các đồng minh thân cận”.

“Nhưng nếu ông Macron giành chiến thắng thì hiển nhiên là chính sách của Paris về Damascus sẽ vẫn giữ như dưới thời ông Francois Hollande. Tuy nhiên ông Macron sẽ ít dành sự quan tâm tới Damascus hơn và quan điểm của ông này đối với cuộc khủng hoảng ở Syria cũng ít định kiến hơn ông Hollande” – chuyên gia nghiên cứu về các quốc gia Châu Âu và Ả Rập tiếp tục.

Theo đó tầm quan trọng của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp đối với công dân các quốc gia Ả Rập đứng ở vị trí thứ hai sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Vì tất cả những gì xảy ra ở Pháp có thể ảnh hưởng đến các quốc gia châu Âu khác, còn “những người nhập cư tới từ các nước Ả Rập và Hồi giáo lại lo ngại rằng những nhân vật gốc cánh hữu sẽ lên nắm quyền toàn bộ châu Âu".

“Tôi cho rằng việc ứng viên Đảng Mặt trận Dân tộc Marine Le Pen lọt vào vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp đã gây ra mối e ngại thực sự của các công dân Ả Rập, họ bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới các vấn đề chính trị" - nhà phân tích cho biết.

Đức Dũng (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/quan-diem-cua-phap-ve-syria-duoi-thoi-ong-macron-co-gi-khac-post227040.info