Quân dân chung sức khắc phục hậu quả mưa lũ

Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng tính đến 17 giờ ngày 4-8, mưa lũ đã làm 13 người chết (Sơn La: 10 người, Yên Bái: 2 người, Lai Châu: 1 người)...

* Hàng nghìn bộ đội tham gia giúp dân

* Nhiều cơ quan, tổ chức, đoàn thể, cá nhân gửi tiền ủng hộ và hàng cứu trợ vùng lũ

Đợt mưa gây lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh miền núi phía Bắc là: Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La làm thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Hôm qua (4-8), Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1131/CĐ-TTg về tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ. Trong lúc này, LLVT và nhân dân các địa phương nói trên cùng nhiều tổ chức, đoàn thể đang chung sức khắc phục hậu quả mưa lũ.

Thiệt hại nặng nề về người và tài sản

Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng tính đến 17 giờ ngày 4-8, mưa lũ đã làm 13 người chết (Sơn La: 10 người, Yên Bái: 2 người, Lai Châu: 1 người); 20 người mất tích và 12 người bị thương; 208 ngôi nhà bị cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn, 213 ngôi nhà bị hư hỏng; 42 hộ dân phải di dời, sơ tán đến nơi an toàn. Mưa lũ, sạt lở đất còn gây thiệt hại về nông nghiệp: 181ha lúa bị cuốn trôi, vùi lấp do sạt lở; 124ha ngô, lạc bị thiệt hại; 5ha đất ruộng bị sạt lở; 604 gia súc và 1.835 gia cầm bị chết, lũ cuốn trôi; 144 công trình thủy lợi và 2.000m kè bờ suối bị thiệt hại. Ngoài ra, mưa lũ còn gây sạt lở 13.642m 3 đất đá trên các Quốc lộ: 12, 279B, 279C, 4H, 32; 40.136m 3 đất đá trên các tỉnh lộ: ĐT150, ĐT142, ĐT143…

Yêu cầu cứu trợ khẩn cấp lương thực

Khẩn trương khắc phục hậu quả, giúp nhân dân sớm ổn định đời sống, đồng thời chủ động ứng phó với mưa lũ, Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 1131/CĐ-TTg, tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ. Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, nhất là các tỉnh Yên Bái và Sơn La tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tập trung nỗ lực cao nhất tìm kiếm những người còn mất tích; rà soát, chủ động di dời khẩn cấp dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để bảo đảm an toàn tính mạng. Tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, nhất là những hộ có người bị nạn; hỗ trợ cứu chữa người bị thương, mai táng chu đáo cho người bị thiệt mạng; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa hoặc phải di dời; tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm, bảo đảm không để người dân bị đói. Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông tại các khu vực bị sạt lở, ngập sâu. Huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh môi trường sau lũ; chủ động khắc phục hậu quả, tập trung khôi phục công trình hạ tầng hư hỏng, đặc biệt là các trạm y tế, bệnh viện, trường học, công trình giao thông, thủy lợi, điện để bảo đảm điều kiện sinh hoạt cho người dân.

Giáo viên và phụ huynh học sinh Trường Tiểu học-THCS thị trấn Mù Cang Chải, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái dọn dẹp lớp học sau lũ. Ảnh:TTXVN

Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (TKCN), Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo Quân khu 2 và các lực lượng đóng quân trên địa bàn triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác TKCN đối với những người còn mất tích và hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai theo đề nghị của địa phương, nhất là tại các tỉnh Yên Bái và Sơn La...

Quân đội tích cực tham gia khắc phục hậu quả mưa lũ

Ngày 4-8, tỉnh Sơn La đã huy động 300 cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ CHQS tỉnh và Công an tỉnh tiến hành di dời người và tài sản của nhân dân xã Nậm Păm đến nơi an toàn; đồng thời tiếp tục tập trung lực lượng tìm kiếm 7 người dân đang bị mất tích.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Quốc phòng đã có điện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các biện pháp hỗ trợ công tác TKCN với những người còn mất tích; hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai theo đề nghị của địa phương, nhất là các vùng trọng điểm thuộc các tỉnh: Yên Bái, Sơn La. Quân khu 2 đã phối hợp với chính quyền và các lực lượng chức năng địa phương huy động 9.678 người (bộ đội: 1.720; dân quân: 1.868; công an: 370; lực lượng khác: 5.720), cùng 140 phương tiện, 308 trang bị các loại giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả. Các đơn vị đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tập trung tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, chủ động giúp nhân dân sửa chữa nhà cửa, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, khôi phục cơ sở hạ tầng, giúp ổn định cuộc sống và sản xuất.

Quyên góp, gửi hàng cứu trợ vùng lũ

Ngày 4-8, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã quyết định trích từ Quỹ cứu trợ Trung ương số tiền 600 triệu đồng chuyển cho Ban Cứu trợ, Ủy ban MTTQ hai tỉnh Yên Bái và Sơn La (mỗi tỉnh 300 triệu đồng) để hỗ trợ các gia đình có người chết, mất tích, bị thương nặng, bị sập nhà hoàn toàn, nhà trôi, đổ khắc phục hậu quả mưa lũ. Theo đó, gia đình có người chết, mất tích được hỗ trợ 5 triệu đồng/người; gia đình có người bị thương nặng được hỗ trợ 3 triệu đồng/người.

Nhiều máy móc, phương tiện được huy động khắc phục hậu quả mưa lũ tại huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái). Ảnh: TTXVN

Cũng trong ngày 4-8, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam quyết định cứu trợ khẩn cấp bước đầu tiền và hàng trị giá 1 tỷ 50 triệu đồng cho 3 tỉnh: Yên Bái, Sơn La và Lai Châu. Cũng trong sáng nay, Trung ương Hội cử hai đoàn công tác trực tiếp đi thăm hỏi và cứu trợ bà con vùng lũ tại Yên Bái và Sơn La. Theo đó, hỗ trợ các gia đình có người thiệt mạng 3 triệu đồng/người; hỗ trợ 224 gia đình nhà bị sập, trôi, mỗi hộ 3 triệu đồng; hỗ trợ 280 tấm bạt nhựa dựng lều ở tạm thời cho những người bị mất nhà cửa, 150 bộ dụng cụ sửa nhà và 280 thùng hàng gia đình.

Ngày 4-8, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái kêu gọi các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm, các tổ chức trong và ngoài tỉnh cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, chiến sĩ LLVT trên địa bàn với tinh thần "tương thân tương ái”, "lá rách ít đùm lá rách nhiều”, trích một phần lợi nhuận, thu nhập của đơn vị; mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, chiến sĩ LLVT ủng hộ tối thiểu 1 ngày lương; mỗi hộ gia đình ở thành thị, đường phố ủng hộ từ 20.000 đồng trở lên; mỗi hộ ở nông thôn ủng hộ ít nhất 10.000 đồng giúp đỡ những người bị nạn và gia đình bị thiệt hại tại huyện Mù Cang Chải. Ngay sau lễ phát động, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã ủng hộ đồng bào Mù Cang Chải 30 triệu đồng; Ban Chỉ đạo Tây Bắc ủng hộ 200 triệu đồng; Văn phòng Tỉnh ủy Yên Bái, Ban Đại diện Hội Người cao tuổi, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái cũng đã quên góp được gần 30 triệu đồng.

Tại huyện Mường La địa phương hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất của tỉnh Sơn La, UBND huyện đã hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại hơn 600 triệu đồng (nhà có người chết 5,4 triệu đồng; nhà có người bị thương 2,7 triệu đồng, nhà bị cuốn trôi và hư hỏng 20 triệu đồng/hộ); Hội Chữ thập đỏ huyện hỗ trợ các hộ gia đình có người bị chết, mất tích, bị thương và các hộ có nhà bị lũ cuốn trôi và sập đổ phải di chuyển với số tiền hơn 50 triệu đồng.

NGUYỄN KIỂM, CÙ HƯƠNG, XUÂN DÂN TTXVN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/quan-dan-chung-suc-khac-phuc-hau-qua-mua-lu-514235