Quận 12 triển khai 'chợ không tiền mặt'

Cùng với các siêu thị, cửa hàng, nhiều chợ truyền thống trên địa bàn Quận 12 (TP.HCM) đang tích cực triển khai thực hiện mô hình 'Chợ 4.0' không dùng tiền mặt. Sau nhiều ngày triển khai, các tiểu thương cho rằng, việc thanh toán không tiền mặt nhanh chóng, tiện lợi nhưng còn một vài vướng mắc.

Đang hình thành thói quen

Khảo sát tại một số chợ truyền thống trên địa bàn Quận 12 (TP.HCM) như: chợ Lạc Quang (phường Tân Thới Nhất), chợ Ngã Tư Ga (phường Thạnh Lộc), chợ Ngã Ba Bầu (phường Tân Chánh Hiệp),… không khó để bắt gặp người bán hàng và người mua trao đổi, thanh toán chi phí qua mã QR, chuyển qua tài khoản, sử dụng ví điện tử momo,…

Người mua thanh toán cho chủ cửa hàng qua chuyển khoản (Ảnh: Hoàng Minh)

Bà Nguyễn Thị Kim Ánh - chủ một sạp hàng tại chợ An Sương (phường Đông Hưng Thuận, Quận 12) cho biết, trước đây, có không ít khách lạ tới mua hàng không mang đủ tiền mặt. Một tuần nay, kể từ khi sạp hàng của bà Ánh bổ sung hình thức thanh toán qua việc quét mã QR, việc thanh toán trở nên thuận tiện, nhanh gọn hơn rất nhiều.

Bà Ánh cho biết: "Mới triển khai có một tuần lễ nay nhưng tôi xài cái này được, rất là dễ, khách hàng trả tiền qua đây và mình thì chuyển đi, chỉ có là lớn tuổi nên mắt hơi kém. Mấy cái này có sẵn, tôi chỉ việc bấm vào rồi ghi số tiền là xong".

Nhiều quầy sạp trong chợ truyền thông có sẵn mã QR khi khách hàng cần thanh toán qua tài khoản (Ảnh: Hoàng Minh)

Đến nay, tại chợ An Suơng có hơn 300 hộ kinh doanh sử dụng điện thoại thông minh và cài đặt internet banking để thực hiện các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt.

Vẫn còn điểm bất tiện

Nếu các sạp hàng bán gạo, thịt, hoa quả đồ gia dụng,… đã triển khai các hình thức thanh toán không tiền mặt thì tại nhiều quầy bán rau củ và một số mặt hàng giá rẻ khác, người bán chỉ nhận trả bằng tiền mặt vì số tiền giao dịch quá nhỏ.

Theo ông Hồ Văn Bé Hai, một tiểu thương bán hoa quả tại Quận 12 (TP.HCM), việc thanh toán không tiền mặt khá tiện lợi nhưng lại làm chậm quá trình bán hàng.

"Khi tôi đi mua đồ mà cần số tiền 300.000 - 1.000.000 đồng thì nhiều lần sử dụng tài khoản. Tôi cũng thấy nó rất tiện lợi. Nhưng khi bán ngoài chợ thì tôi không thích chuyển khoản qua lại vậy. Bán cho khách số lượng nhỏ lẻ thì dùng tiền mặt mình có thể kiểm soát mau lẹ chứ mình chờ chuyển khoản lại rất lâu. Ví dụ có 3,4 người vào mua một lúc, thời gian của mình phải chờ người kia chuyển rồi vào xem đã nhận được chưa. Thay vì thời gian mình cầm điện thoại lên coi là tôi có thể bán cho một người khác. Tôi lấy tiền bạc xong rồi bán cho người này tới người khác nó nhanh hơn" - ông Hai chia sẻ.

Tại các quầy rau củ quả, tiểu thương chủ yếu vẫn chỉ nhận thanh toán tiền mặt do số tiền thu về mỗi lần bán quá ít (Ảnh: Hoàng Minh)

Thực hiện Kế hoạch số 484 ngày 21/7/2023 của UBND Quận 12 về triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ truyền thống, đến nay ban quản lý các chợ dân sinh trên địa bàn quận vẫn đang tiếp tục thúc đẩy việc chuyển tiền qua hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng quen với chuyển tiền qua tài khoản, ví điện tử, nhất là đối với người lớn tuổi hay người lao động nghèo.

Ông Nguyễn Minh Chánh – Phó Chủ tịch UBND Quận 12 (TP.HCM) nhận định, cần phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, hỗ trợ người dân thực hiện thanh toán không tiền mặt, qua đó góp phần hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số.

Theo ông Chánh: "Hiện nay, đông đảo bà con tiểu thương rất ủng hộ do thanh toán chuyển khoản rất tiện lợi. Về khó khăn, do từ xưa đến nay người dân dùng tiền mặt đã thành thói quen nên phải từng bước. Dần dần, chúng tôi sẽ tuyên truyền vận động để bà con tiểu thương chuyển qua không dùng tiền mặt. Một khó khăn nữa là một số người dân, tiểu thương chưa có điện thoại thông minh. Tuy nhiên, thời gian tới, người dân thấy việc chuyển tiền qua app, tài khoản thuận lợi thì người dân sẽ dần dần chuyển qua dùng".

Phó Chủ tịch UBND Quận 12 Nguyễn Minh Chánh đề nghị, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn quận tích cực hưởng ứng, triển khai rộng rãi phương thức thanh toán không tiền mặt đến cán bộ, công chức, người lao động. Lãnh đạo Quận 12 cũng mong muốn ngân hàng và các tổ chức thanh toán trung gian tích cực phổ biến, hướng dẫn các hình thức thanh toán điện tử đến người dân, doanh nghiệp và các hộ sản xuất kinh doanh. Trong đó, quan trọng nhất là phải đảm bảo an ninh, an toàn nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

CTV Hoàng Minh/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/quan-12-trien-khai-cho-khong-tien-mat-post1048072.vov