Quả trám - không những ngon miệng mà còn là vị thuốc quý

Trám là loại quả dân dã được nhiều người yêu thích. Quả trám không chỉ là thực phẩm được bổ sung trong chế độ ăn uống mà còn lại vị thuốc trong Đông y.

Quả trám còn có tên gián quả, thanh quả,... Trám có hai loại: trám trắng còn gọi trám xanh và trám đen (còn gọi cây bùi màu tím thẫm). Quả trám được chế biến thành mứt, ô mai, trám muối... thịt kho trám, cá kho trám... Trong Đông y, trám là vị thuốc quý trị nhiều bệnh, đặc biệt là bệnh đường hô hấp.

Quả trám trắng và trám đen. Ảnh minh họa

Thành phần dinh dưỡng của quả trám

Quả trám chứa 12% protein, 1,09% lipid, 12% hydrat carbon, 0,046% Ca, 0,046% P, 0,06% phosphor và 0,004% F. Dầu hạt trám chứa caproic, myristic, acid hexanoic, stearic, palmatic, decanoic, linoleic, octanic, lauric,… Cùi trám chữa nhiều đường, chất béo, acid folic, acid hữu cơ, vitamin (C, B1, P), chất xơ và chất khoáng (kali, magie, canxi, kẽm, carroten, sắt,…).

Dưới đây là một số cách dùng trám làm thuốc

Đêm ngủ mùa thu đông thấy khô cổ muốn ho, mất ngủ: 2 - 3 quả trám trắng tươi (bỏ hột) đập giập lấy nước uống. Có thể thêm gừng, đường hay mật để uống.

Viêm họng cấp mạn, amidan, khô rát cổ, mất tiếng: dùng trám muối như chanh muối để ngậm hay pha nước uống. Có thể dùng phối hợp trám tươi để hãm uống chữa đau họng và hạ hư hỏa.

Trám là vị thuốc trị nhiều bệnh, đặc biệt là bệnh đường hô hấp. Ảnh Tri thức trẻ

Sốt cao, khô môi, khát nước: Giã quả trám lấy nước uống.

Ho khản: Trám tươi 4 quả bỏ hột, giã nát với huyền sâm 10g thái lát, cho vào nồi, đổ ngập nước, nấu uống. Tác dụng tư âm, giáng hỏa, lợi yết hầu, thanh nhiệt giải độc, tiêu thũng.

Nước uống sinh tân dịch, chữa ho, thanh nhiệt giải thử: Trám tươi 5 quả bỏ hột, kim thạch hộc 5g, thái nhỏ, rễ lau 5g thái nhỏ, mã thầy 5g gọt vỏ, lê gọt vỏ 2 quả, mạch đông 10g, ngó sen 10 miếng. Tất cả nấu với 2 lít nước, trên lửa nhỏ 1 giờ. Để nguội lọc lấy nước để uống hằng ngày. Thích hợp cho người miệng khô, ôn bệnh nhiệt thịnh, phổi ráo.

Nước thanh nhiệt: Trám tươi 20g bỏ hạt, rễ lau tươi 4 chùm thái nhỏ. Nấu với 0,5 lít nước trong 1/2 giờ lọc nước uống nóng. Tác dụng thanh phế nhiệt, hóa đàm, thanh can nhiệt, vị nhiệt, sinh tân dịch, khỏi ho.

Canh thanh long bạch hổ thang: Củ cải trắng 1kg, trám tươi xanh liều lượng tùy ý. Nấu nhừ (trong vài tiếng). Tác dụng: chữa họng sưng đau rát, thanh nhiệt.

Món uống ngũ vị bảo kiện: Cam 10g, trám tươi 10g (bỏ hột), ngó sen tươi 120g, mã thầy 150g, gừng tươi 6g. Tất cả đều bỏ vỏ, bỏ hạt giã nát cho vào vải sạch vắt lấy nước (hoặc ép) để uống. Tác dụng: thanh tân, chỉ khát, giải nhiệt, thanh phế, lợi hầu, trị sưng họng, ho khạc, buồn nôn, khó nuốt...

Chữa ho khan: Trám đen muối 20 quả, vỏ đậu phụ 50g, nước vừa đủ nấu sôi xong chắt lấy nước uống.

Rát họng, khản tiếng: Nhai trám đen nuốt nước. Ngày 7 quả, liền 3-4 ngày.

Viêm họng mạn tính: Nấu trám với chè xanh, mật ong uống.

Ho gà: Nấu trám đen với đường phèn lấy nước uống.

Những lưu ý quan trọng cần biết khi sử dụng quả trám

Không nên uống nước ngay sau khi ăn trám

Bởi việc uống nước ngay sau khi ăn quả trám chính là nguyên nhân gây ra các vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy và khó tiêu. Chỉ nên uống nước sau khi ăn khoảng 30 - 40 phút để đảm bảo an toàn.

Không ăn trám khi đói bụng

Ăn trám khi bụng đói có thể gây hại cho sức khỏe do quả trám có vị chua nên ăn khi đói có thể gây ra các vấn đề như là ợ chua, đau dạ dày và kích ứng đường ruột. Ngoài ra, quả trám còn có tác dụng hỗ trợ quá trình tiêu hóa, chính vì thế chỉ nên ăn quả trám sau khi đã ăn no hoặc ăn cùng với thực phẩm khác.

Không ăn nghệ cùng lúc với trám

Không nên ăn bất cứ món ăn nào có nghệ ngay sau khi vừa ăn quả trám. Bởi vì ăn cả 2 cùng lúc có thể kích hoạt nhiều phản ứng với cơ thể và gây ra kích ứng dạ dày. Chính vì vậy, nên tránh ăn bất kỳ thực phẩm nào có nghệ ít nhất 30 phút sau khi vừa ăn quả trám.

Không nên ăn trám khi bụng đói; Tuyệt đối không uống sữa sau khi ăn trám

Uống sữa ngay sau khi ăn quả trám có thể dẫn tới các vấn đề về tiêu hóa như là đầy hơi, khó tiêu và đau dạ dày. Do đó, kết hợp sữa với quả trám là sự kết hợp không lành mạnh, gây hại cho sức khỏe.

Lê Nguyệt

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/qua-tram-khong-nhung-ngon-mieng-ma-con-la-vi-thuoc-quy-293900.html