Quá tải bậc học mầm non ở Phổ Yên

Vấn đề quá tải trường lớp ở bậc học mầm non vẫn đang là bài toán khó, chưa có lời giải đối với nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở địa phương có các khu, cụm công nghiệp phát triển, dân số cơ học tăng cao. Đối với T.X Phổ Yên, thực trạng này diễn ra từ nhiều năm nay, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mà còn tác động trực tiếp đến tâm lý giáo viên khi đứng lớp.

Do thiếu phòng học nên nhóm lớp mẫu giáo 3-4 tuổi ở Trường Mầm non Đông Cao đã phải sử dụng phòng y tế, phòng giáo dục - văn hóa làm phòng học và sĩ số trên 40 cháu/lớp.

Do thiếu phòng học nên nhóm lớp mẫu giáo 3-4 tuổi ở Trường Mầm non Đông Cao đã phải sử dụng phòng y tế, phòng giáo dục - văn hóa làm phòng học và sĩ số trên 40 cháu/lớp.

Là phường trung tâm của thị xã, có nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đứng chân nên những năm học gần đây, Trường Mầm non Ba Hàng luôn trong tình trạng quá tải. Từ năm 2016, Nhà trường đã phải bố trí thêm 2 điểm trường lẻ tại tổ dân phố Yên Trung và tổ dân phố 4, nhằm đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của nhân dân. Tuy nhiên, điểm trường lẻ phải đi xa hơn nên nhiều phụ huynh đã đăng ký cho trẻ học ở điểm trường chính, vì thế, có thời điểm một lớp học có tới 45 trẻ. Theo cô giáo Đặng Thị Minh Thu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ba Hàng, số trẻ trong một lớp quá đông, khiến việc chăm sóc, giáo dục trẻ gặp nhiều khó khăn. Không gian hẹp nên các hoạt động của trẻ cũng bị hạn chế; cường độ làm việc của các giáo viên cũng nhiều hơn.

Không chỉ tại các xã, phường trung tâm mà ở một số xã khu vực nông thôn, tình trạng quá tải trường lớp cũng diễn ra khá phổ biến. Đơn cử như Trường Mầm non Đông Cao, 2 năm học gần đây, Nhà trường đã phải cải tạo, sử dụng phòng y tế và phòng giáo dục - văn hóa để làm lớp học. Đối với năm học 2020-2021, Nhà trường quá tải tới 117 cháu ở các nhóm lớp. Riêng nhóm lớp 3-4 tuổi, theo quy định là 25 cháu/lớp thì tại Nhà trường có 40-42 cháu/lớp. Mặc dù số lượng giáo viên tính trên đầu lớp hiện đủ với 2 giáo viên/lớp, nhưng việc có quá đông học sinh trong một diện tích chật hẹp khiến đội ngũ giáo viên rất vất vả trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lượng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo T.X Phổ Yên cho biết: Năm học 2020-2021, đối với bậc học mầm non, toàn thị xã có 394 nhóm/lớp với 12.834 học sinh, tăng 14 nhóm/lớp và tăng 518 học sinh so với năm học trước. Theo Thông tư Liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/3/2015 quy định số trẻ tối đa trong lớp học mầm non đối với nhóm trẻ từ 25-36 tháng tuổi là 25 trẻ/lớp; mẫu giáo 3-4 tuổi là 25 trẻ/lớp; mẫu giáo 4-5 tuổi là 30 trẻ/lớp; mẫu giáo 5-6 tuổi là 35 trẻ/lớp. Đối chiếu theo quy định trên, các nhóm trẻ tại các trường mầm non trên địa bàn thị xã đều vượt quy định 10-12 cháu.

Nguyên nhân là do, những năm gần đây, địa phương có các khu, cụm công nghiệp hoạt động nên lượng công nhân đến làm việc đông, dẫn đến dân số cơ học tăng. Do không có thời gian trông con, các phụ huynh đã gửi trẻ vào các trường học để thuận tiện cho công việc. Cùng với đó, do tốc độ dân số tăng nhanh nên một số địa phương chưa thích ứng kịp, trong khi nhiều trường học được xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp, chật hẹp lại chưa bố trí được quỹ đất để xây dựng nên trường lớp chưa đảm bảo.

Trước tình trạng này, các trường mầm non đã tận dụng tối đa phòng của ban giám hiệu, phòng chức năng để bố trí lớp học cho trẻ; đồng thời tăng sĩ số/lớp và vận động phụ huynh đưa con, em vào học tại các cơ sở mầm non ngoài công lập. Cùng với việc huy động các nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất trường học, thị xã cũng tích cực thực hiện xã hội hóa nhằm phát triển giáo dục và đào tạo; khuyến khích thành lập các cơ sở giáo dục ngoài công lập nhằm giảm áp lực quá tải. Năm 2020, thị xã đã thực hiện sửa chữa, cải tạo 29 công trình nhà lớp học, sân chơi, sân tập... với tổng mức đầu tư 30,5 tỷ đồng. Mặc dù đầu tư cho giáo dục luôn được thị xã ưu tiên hàng đầu, song do nhu cầu kinh phí đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học rất lớn nên mới đáp ứng được yêu cầu tối thiểu.

Hiện nay, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn T.X Phổ Yên đang thu hút ngày càng nhiều công nhân, người lao động đến làm việc và sinh sống, do vậy, số trẻ đến lớp sẽ tiếp tục tăng cao trong những năm học tới. Trước thực tế này, đòi hỏi thị xã cũng như các ngành chức năng của tỉnh cần có phương án xây dựng trường, lớp phù hợp; tại các khu công nghiệp cần bố trí quỹ đất để xây dựng trường học, nhất là các trường mầm non, nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Phương Huy

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/giao-duc/qua-tai-bac-hoc-mam-non-o-pho-yen-277278-100.html