'Quả bom' dưới đáy hồ ở châu Phi

Nằm giữa Rwanda và Congo, hồ Kivu chứa một lượng khí metan và CO2 lớn phía dưới đáy. Đây cũng là một trong 3 'hồ phát nổ' duy nhất trên Trái Đất.

Hồ Kivu được bao quanh bởi những vách đá hùng vĩ, nép mình trong một thung lũng xanh tươi trải dài giữa Rwanda và Congo. Trên mặt hồ, các ngư dân thả mình trên những chiếc thuyền nhỏ, hát theo nhịp mái chèo khi đánh bắt được bữa ăn trong ngày. Ảnh: Alamy.

Tuy nhiên, bên dưới bề mặt này lại chứa đựng một hiểm họa không ngờ. Cụ thể, hồ Kivu nằm trên một thung lũng rạn nứt đang dần bị tách ra, gây ra hoạt động núi lửa xung quanh khu vực. Độ sâu tối đa của hồ lên đến 480 m, với 250 km3 carbon dioxit và 65 km3 khí metan. Áp lực nước trong hồ cao gấp đôi áp suất các loại khí. Ảnh: Hydragas Energy Limited.

Hiện tại lượng khí này chưa gây nguy hiểm, nhưng với nhiều núi lửa trong khu vực, Kivu giống như một quả bom hẹn giờ, đe dọa sinh mạng của hàng triệu người ở khu vực lân cận. Ảnh: iStock.

Đây cũng là một trong 3 “hồ phát nổ” duy nhất trên Trái Đất và được xếp vào một trong những hồ nước nguy hiểm nhất mà nhân loại từng biết đến. Ảnh: Global Press Journal.

Ngày 21/8/1986, tại một trong 3 hồ là Nyos (Cameroon), vụ sạt lở đã giải phóng một đám mây CO2 cao khoảng 100 m lan ra xung quanh vào lúc nửa đêm, giết chết hơn 1.700 người sống quanh hồ và 3.500 động vật. Sau thảm họa, hầu hết thị trấn và làng mạc trong khu vực này đều bị bỏ hoang. Ảnh: iStock.

Với diện tích rộng gấp 4 lần hồ Nyos và độ sâu gấp đôi cùng hàng triệu người vẫn đang sinh sống ở khu ven sông, các nhà khoa học tin rằng nếu xảy ra một trận động đất hoặc núi lửa hoạt động, hồ Kivu sẽ đe dọa sinh mạng của 2 triệu người sống xung quanh hồ. Ảnh: Shutterstock.

Để ngăn chặn thảm họa này, chính quyền Rwanda đã ủy quyền cho doanh nghiệp KivuWatt hút khí metan ra khỏi hồ và tái sử dụng chúng để sản xuất điện năng. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cảnh báo rằng nỗ lực này có thể làm xáo trộn cấu trúc của hồ và thậm chí là gây ra thảm họa phun trào. Ảnh: Werner Krug.

Một phương pháp khả thi khác đang được các nhà khoa học cân nhắc chính là pha loãng nồng độ Methan. Mặc dù vậy, việc này sẽ tiêu tốn rất nhiều chi phí và gặp nhiều khó khăn để triển khai. Ảnh: RwandaInfra.

Anh Tài

Nguồn Znews: https://znews.vn/qua-bom-duoi-day-ho-o-chau-phi-post1461709.html