Qua 3 năm thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia lĩnh vực y tế

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giao đoạn 2021-2025 lĩnh vực y tế (gọi tắt là chương trình), ngành Y tế tỉnh Ninh Bình đã triển khai thực hiện đạt được nhiều kết quả phấn khởi. Qua đó đạt được mục tiêu chung là hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe đồng bộ từ tỉnh tới cơ sở, góp phần thực hiện công bằng xã hội trong chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Trạm Y tế xã Khánh Hải (Yên Khánh) được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại.

Đổi thay tại y tế cơ sở

Xã Thạch Bình (huyện Nho Quan) là xã miền núi, có trên 45% đồng bào dân tộc, chủ yếu là người Mường. Xã có dân số đông, với 18 thôn, bản, người dân sống rải rác trong các thôn, bản trong đồi rừng.

Bác sĩ Bùi Khắc Trì, Trạm trưởng Trạm y tế xã Thạch Bình chia sẻ: Do địa bàn xã khá xa, thôn xa nhất cách trung tâm xã hơn 10 km. Trình độ dân trí thấp, cuộc sống đói nghèo, lạc hậu. Cách đây hơn 10 năm, xã gặp rất nhiều khó khăn trong xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí về y tế trong quá trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là việc nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh, chăm sóc sức khỏe, thay đổi tập quán sinh sống của người dân vốn còn lạc hậu. Trạm Y tế lúc ấy chỉ có 5 cán bộ y tế làm nhiệm vụ, trong khi Trạm phải phân thành 2 khu chính và lẻ để hỗ trợ, tuyên truyền cho người dân miền núi thay đổi thói quen ăn, ở, sinh hoạt, biết chăm sóc sức khỏe bản thân, hướng đến cuộc sống văn minh, hiện đại.

Năm 2021, với sự quan tâm đầu tư của huyện Nho Quan và ngành Y tế, Trạm Y tế xã Thạch Bình được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang, hiện đại và mua sắm nhiều trang thiết bị y tế để đạt chuẩn quốc gia về y tế xã, như: Máy siêu âm, máy xét nghiệm 10 thông số, máy tính kết nối thông tin, dữ liệu để tổ chức các dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) ban đầu tại tuyến xã. Đội ngũ cán bộ y tế tại Trạm cũng tăng lên 7 người và 18 nhân viên y tế thôn bản, cơ bản đủ về số lượng trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Hiện nay, đối với các bệnh thông thường như đau bụng, đau đầu, các bệnh về xương cốt, huyết áp... người dân đều đến Trạm y tế để được khám, điều trị và được hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe. Các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, điều trị ARV cho bệnh nhân mắc HIV... được đưa về Trạm quản lý, theo dõi. Các chương trình mục tiêu quốc gia, phòng, chống bệnh xã hội được thực hiện tốt như: chương trình tiêm chủng mở rộng, phòng chống sốt rét, phòng chống lao, phòng chống mù lòa, HIV/AIDS; công tác bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em, KHHGĐ..., góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trên địa bàn. Trước đây, Trạm Y tế xã Khánh Hải (huyện Yên Khánh) bị xuống cấp, thiếu các phòng chuyên môn, các trang thiết bị thăm khám, điều trị ban đầu cho nhân dân đều cũ và thiếu.

Bác sĩ Nguyễn Văn Vỵ, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Khánh Hải cho biết: Từ hơn 2 năm nay, Trạm được đầu tư xây dựng gần 10 tỷ đồng, với 13 phòng chức năng và trang bị thêm một số thiết bị máy móc hiện đại. Có cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế phù hợp, các cán bộ y tế xã thêm điều kiện để chuyên tâm thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, chú trọng đến công tác y tế dự phòng, tuyên truyền bệnh truyền nhiễm trên người, tiêm chủng vắc xin, kiểm soát bệnh tật, nâng cao chất lượng KCB ban đầu cho nhân dân.

Đặc biệt, thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã, đến nay, xã Khánh Hải đạt được nhiều tiêu chí quan trọng. Tiêu chí về nhân lực y tế có 5 cán bộ, nhân viên, đạt trình độ theo đúng quy định, hàng năm tham gia tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ. Cơ sở hạ tầng Trạm y tế đạt tiêu chuẩn về diện tích, phòng chức năng; nguồn nước sinh hoạt đảm bảo; việc thu gom, phân loại và xử lý rác thải thông thường được thực hiện theo đúng quy định....

Trong công tác KCB, nhân viên y tế kết hợp KCB hiện đại với phục hồi chức năng và y dược cổ truyền đối với các bệnh theo quy định trong phân tuyến kỹ thuật. Mỗi năm có gần 30% số bệnh nhân KCB kết hợp giữa y học cổ truyền và hiện đại. Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật tại cộng đồng... được quan tâm, thực hiện tốt. Hàng năm, qua kiểm tra, Trạm Y tế xã Khánh Hải đều đạt và hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Hướng tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe người dân

Đồng chí Ngô Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Trong 3 năm thực hiện Chương trình, ngành Y tế tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở, đảm bảo số lượng y, bác sỹ các chuyên ngành ở tuyến huyện, phòng khám, trạm y tế, nhằm tăng cường năng lực KCB và phòng bệnh cho nhân dân. Toàn ngành đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đội ngũ cán bộ y tế; tập trung đào tạo, thu hút nhân lực y tế có trình độ đại học, sau đại học công tác ở tuyến cơ sở. Cán bộ có trình độ trung cấp điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dược từng bước được chuẩn hóa trình độ cao đẳng; đội ngũ cán bộ lãnh đạo đương chức và dự nguồn được tăng cường đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, lý luận chính trị.

Ngành Y tế cũng đã huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho Trung tâm y tế, Trạm y tế xã, phường, thị trấn phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, ưu tiên đầu tư cho các xã còn thiếu trang thiết bị y tế, các Trạm y tế đã xuống cấp, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tăng cường công tác quản lý, khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất và trang thiết bị được đầu tư. Đến nay, hầu hết các Trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã đạt từ 75% trở lên danh mục trang thiết bị theo quy định của Bộ Y tế. Đa số đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng để đạt quy chuẩn thiết kế theo hướng dẫn của Bộ Y tế. 143/143 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đạt tiêu chí quốc gia về Y tế theo Quyết định 4667/QĐ-BYT.

Cùng với đầu tư các nguồn lực, Sở Y tế cũng tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác chuyên môn, như: Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ kỹ thuật trong "gói dịch vụ y tế cơ bản" cho tuyến y tế cơ sở kèm theo Thông tư số 39/2017/ TT-BYT ngày 13/10/2017 của Bộ Y tế; tích cực triển khai công tác KCB BHYT với 96,5% số Trạm Y tế đủ điều kiện; tăng cường công tác KCB bằng y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại với tỷ lệ đạt trên 30% trong tổng số lượt khám, điều trị tại tuyến xã. Việc triển khai các hoạt động phòng, chống và quản lý các bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở được quan tâm; hoạt động phòng, chống dịch bệnh được chú trọng; công tác ứng dụng công nghệ thông tin là 1 trong những "điểm sáng" tại tuyến y tế cơ sở với 100% Trạm Y tế xã đã có máy tính kết nối Internet và thực hiện các phần mềm quản lý y tế như: Phần mềm y tế cơ sở, hồ sơ sức khỏe điện tử, phần mềm quản lý tiêm chủng, quản lý bệnh không lây nhiễm...

Tại tuyến huyện, các đơn vị KCB đã đẩy mạnh cải tiến chất lượng bệnh viện, đổi mới phong cách, thái độ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp. Đặc biệt, tranh thủ sự hỗ trợ của Đề án 1816 để tiếp tục phát triển kỹ thuật mới, đáp ứng nhu cầu KCB ngày càng cao của người dân. Trung bình mỗi năm, các đơn vị tuyến huyện triển khai trên 30 kỹ thuật mới, trong đó có đơn vị đã triển khai được các kỹ thuật cao như: Điều trị vàng da sơ sinh, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, phẫu thuật cắt thận, lách, túi mật, phẫu thuật u xơ tuyến tiền liệt… Cùng với đó, các đơn vị tăng cường thực hiện Đề án KCB từ xa; một số bệnh viện, Trung tâm Y tế tuyến huyện đã kết nối với các bệnh viện tuyến Trung ương để hội chẩn từ xa các ca bệnh khó. Đã tiến hành hội chẩn hàng trăm ca bệnh nặng, diễn biến phức tạp, không phải chuyển tuyến trên, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 khi một số bệnh viện tuyến Trung ương bị phong tỏa.

Các chỉ số sức khỏe người dân nói chung và người dân nông thôn tiếp tục được nâng lên và nhiều chỉ số đạt mức tốt hơn so với bình quân toàn quốc. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi, tỷ lệ phụ nữ mang thai tiêm AT2+ hàng năm đều đạt trên 95%, đảm bảo miễn dịch trong cộng đồng; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân giảm còn dưới 10,7%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm xuống dưới 18,9%...

Đối với các tiêu chí, chỉ tiêu trong các Bộ tiêu chí nông thôn mới tuyến xã, tính đến năm 2022, toàn tỉnh có 100% xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế theo Quyết định 4667/QĐ-BYT. Có trên 90% người dân tham gia BHYT; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi ước đạt dưới 18,9%; tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử (được tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử) đạt khoảng 60%; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 93%; tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo ATTP (tính trên số được kiểm tra trong năm) đạt 92%.

Thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ y tế tại tuyến y tế cơ sở. Huy động nguồn lực đầu tư cho y tế xã, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Khảo sát, rà soát thực trạng các xã trên địa bàn tỉnh về mức độ đáp ứng tiêu chí y tế theo các cấp độ của Bộ tiêu chí nông thôn mới tuyến xã, tuyến huyện; từ đó, xây dựng kế hoạch, huy động nguồn lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng, tiến độ thực hiện nhiệm vụ theo mục tiêu được giao.

Tăng cường sự chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương, sự tham gia, phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể và các đối tượng của chương trình trong việc triển khai các hoạt động… Mục tiêu từng bước thực hiện công bằng xã hội trong chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trong tỉnh.

Bài, ảnh: Mỹ Hạnh

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/qua-3-nam-thuc-hien-cac-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-linh/d20230807073531220.htm