PV OIL Phú Yên: Lợi nhuận không đến từ dịch vụ cốt lõi

Mặc dù có doanh thu tăng so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế TNDN của PV OIL Phú Yên lại sụt giảm nghiêm trọng. Nguyên do được doanh nghiệp này báo cáo tăng các khoản chi phí.

Nghịch lý doanh thu tăng, lợi nhuận giảm

PV OIL Phú Yên (PPY) đã công bố báo cáo tài chính quý 4/2023. Tại ngày 31/12/2023, Các khoản phải trả của PPY bao gồm phải trả NSNN 32 tỷ, tiền lương 18,6 tỷ. PPY đang có 307 nhân nhân viên, tăng 10 nhân viên so với đầu năm, đơn vị này hiện có 6 chi nhánh và 58 cửa hàng.

Về tình hình kinh doanh, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của đơn vị này tại quý 4/2023 đã tăng lên 1.207 tỷ đồng, tương đương tăng 17,4% so với cùng kỳ. Lũy kế từ đầu năm đến cuối năm 2023 cũng tăng lên 4.415 tỷ đồng, tương đương tăng 4,2% so với cùng kỳ.

Doanh thu tăng khiến lợi nhuận gộp cũng tăng nhẹ. Cụ thể, cuối quý tăng từ 30 tỷ lên 32 tỷ, lũy kế từ đầu năm đến cuối năm tăng thêm 16 tỷ lên 154 tỷ. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của PPY tại quý 4/2023 bị âm khiến lũy kế từ đầu năm đến cuối năm cũng âm 7 tỷ đồng.

Tại ngày 31/12/2023, chi phí lãi vay của PPY tăng nhẹ, chủ yếu chi phí đến từ bán hàng và quản lý doanh nghiệp. Cụ thể, chi phí bán hàng tăng hơn 19 tỷ đồng so với cùng kỳ, tương đương tăng 17,9%. Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng khá cao so với cùng kỳ ở mức 36 tỷ, tương đương tăng 117,5%.

PV OIL Phú Yên.

Chi phí cao khiến lợi nhuận kế toán trước thuế của PPY sụt giảm nghiêm trọng. Cụ thể, lũy kế từ đầu năm đến cuối năm ghi nhận giảm 18 tỷ, tương đương giảm 58,6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế TNDN của PPY cũng giảm mạnh, quý 4/2023 chỉ còn hơn 965 triệu, chỉ bằng 4,3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế TNDN lũy kế từ đầu năm đến cuối năm của PPY cũng giảm mạnh so với cùng kỳ chỉ còn 10,6 tỷ đồng, tương đương giảm 57%.

Năm 2023, PPY cũng tăng cường mua sắm, xây dựng tài sản cố định và các tài sản dài hạn khác tăng 25 tỷ đồng, tương đương tăng 102% so với cùng kỳ. Ngoài tăng cường xây dựng, PPY cũng tăng cường chi trả cổ tức, lợi nhuận cho chủ sở hữu, ngược lại giảm trả nợ gốc vay. Cụ thể, lợi nhuận được chia hơn 9 tỷ đồng, tăng 498% so với cùng kỳ. Trả nợ gốc vay của PPY chỉ 4 tỷ đồng, giảm 84,2% so với cùng kỳ.

Xét trên tình hình kinh doanh của PPY thì doanh nghiệp này đang lỗ. PPY chỉ có lời khi có thu nhập ngoài mảng hoạt động chính. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của PPY đến chủ yếu từ khoản thu nhập gần 7 tỷ đồng gồm: Hoàn nhập quỹ dự phòng rủi ro, bồi thường thiệt hại môi trường; trạm sạc Vinfast; tiết giảm hao hụt; thu nhập khác.

Hàng hóa xăng dầu, nhớt tồn kho 112 tỷ, tăng 163% so với đầu năm. Như vậy, dù chi phí bán hàng tăng nhưng lượng hàng tồn kho của PPY không những không giảm mà còn tăng chóng mặt.

Khả năng tạo ra lợi nhuận sụt giảm mạnh

Từ báo cáo tài chính quý 4/2023 của PV OIL Phú Yên có thể thấy khả năng thanh toán ngắn hạn của đơn vị này tương đối ổn. Tuy nhiên, khả năng thanh toán bằng tiền mặt là rất yếu. Lợi nhuận gộp so với tổng nợ chiếm 63,8%. Mặc dù tính đến cuối quý 4, lượng dầu bán ra của PPY liên tục tăng.

Khả năng sử dụng đòn bẩy tài chính của PPY cũng là điều đáng nói khi mà trong năm đơn vị này có nợ khá cao. Số nợ PPY hiện có lớn hơn vốn chủ sở hữu và chiếm tới 60,8% tổng tài sản. Điều này cho thấy khả năng sử dụng đòn bẩy của PPY đang kém hiệu quả.

Tổng tài sản hiện có của PPY đang ở mức 396,9 tỷ đồng nhưng vốn chủ sở hữu lại thấp hơn so với đầu năm. Tỷ lệ doanh thu so với tổng tài sản của PPY đang ở mức 1.112% cùng kỳ là 1.390%.

Tuy hàng tồn kho của PPY chiếm hơn 50% tài sản ngắn hạn, song giá vốn bán hàng cao khiến thời gian quay vòng vốn được rút ngắn. Do đó, khả năng giải quyết hàng tồn kho của PPY không có gì khó khăn.

Ông Cao Hoài Dương - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT PVOIL (bên trái) và Ông Ngô Văn Nhiệm - Giám đốc PVOIL Phú Yên (bên phải) trao Nghị quyết và tặng hoa chúc mừng ông Nguyễn Mậu Dũng.

Mặc dù hàng tồn kho không phải là vấn đề lớn đối với PPY, song các chỉ số về kinh doanh cho thấy khả năng tạo ra lợi nhuận của đơn vị này không mấy khả quan. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của PPY không đến từ ngành nghề chính mà đến từ các khoản thu nhập ngoài lĩnh vực cốt lõi. Cho dù như vậy thì lợi nhuận sau thuế mà PPY tạo ra cũng chỉ chiếm một con số khiếm tốn là 2,67% so với tài sản mà PPY hiện có, trong khi cùng kỳ là 8,1%. Tương tự chỉ số này ở quý 4/2023 có tỷ lệ 0,24%, trong khi quý 3/2023 là 1,43%.

Cuối năm vốn chủ sở hữu của PPY sụt giảm so với đầu năm và cùng kỳ điều này “cứu vớt” chỉ số ROE tăng lên đáng kể ở mức 6,8%, trong khi cùng kỳ là 15,4%.

Hiện tại Tổng công ty Dầu Việt Nam – CTCP (công ty mẹ) đang nắm giữ cổ phần chi phối 67,13% đối với PV OIL Phú Yên. Ban đầu 3 thành viên HĐQT đại diện công ty mẹ sở hữu cổ phần tại PV OIL Phú Yên là: Ông Nguyễn Anh Toàn (Chủ tịch HĐQT PPY) đại diện PVOIL sở hữu 25% vốn PV OIL Phú Yên, hồi đầu năm 2023 ông Toàn cũng đồng thời kiêm Chủ tịch HĐQT ba công ty thành viên của PVOIL là PVOIL Vũng Áng, PVOIL Cái Lân và PVOIL Lào; Ông Ngô Văn Nhiệm (Thành viên HĐQT PPY) đại diện sở hữu 24,27% vốn PV OIL Phú Yên; bà Mai Bích Thủy (thành viên HĐQT PPY) đại diện sở hữu 17,86% vốn PV OIL Phú Yên.

Tuy nhiên, đến ngày 20/9/2023, ông Nguyễn Anh Toàn được thay thế bởi ông Nguyễn Mậu Dũng (thành viên HĐQT công ty mẹ) đại diện công ty mẹ sở hữu 23,8% vốn PPY; ông Ngô Văn Nhiệm đại diện sở hữu 24,27%; bà Mai Bích Thủy đại diện sở hữu 19,06%.

Ngoài ra, PV OIL Phú Yên còn có 2 cá nhân sở hữu vốn lớn khác là: ông Đỗ Tiến Cường sở hữu 8,84% và bà Lê Thị Liên sở hữu 6,22%, cả hai người này cùng ngụ tại một địa chỉ tại tỉnh Lạng Sơn.

Hoàng Minh

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/pv-oil-phu-yen-loi-nhuan-khong-den-tu-dich-vu-cot-loi-d45666.html