PTT Vũ Đức Đam: Vì sao miễn thi tốt nghiệp 20%?

Hàng năm chúng ta đã tốt nghiệp THPT tới 98% rồi sao giờ lại đưa ra 20% miễn thi tốt nghiệp. Chúng ta có gì mâu thuẫn ở đây không?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: “Hàng năm chúng ta đã tốt nghiệp THPT tới 98% rồi sao giờ lại đưa ra 20% miễn thi tốt nghiệp, chúng ta có gì mâu thuẫn ở đây không? Chúng ta chỉ nên miễn thi tốt nghiệp đối với những em đến ngày thi tốt nghiệp bị tác động do hoàn cảnh khách quan mà không dự thi được, những em có thành tích như đoạt giải nhất nhì các kỳ thi quốc gia, quốc tế…"

Đây là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị báo cáo và thảo luận kết quả học kỳ I, triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm học kỳ II năm học 2013 – 2014; tình hình phổ cập giáo dục; công tác thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 diễn ra sáng ngày 13/2.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết: “Công tác thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 qua đánh giá chung cho thấy toàn ngành đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm học kỳ I năm học 2013 - 2014.

Theo PTT Vũ Đức Đam, đổi mới giáo dục, học sinh
THPT khi ra trường phải biết kỹ năng sống, ứng xử và không phải học lệch

Trong tổ chức thực hiện, các Sở GD&ĐT luôn bám sát các văn bản chỉ đạo của Bộ, của tỉnh/thành phố về nhiệm vụ trọng tâm năm học 2013 - 2014; chú trọng đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo", "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực".

Công tác quản lý giáo dục đổi mới theo hướng tăng cường phân cấp và giao quyền tự chủ, tăng cường quản lý chất lượng và hiệu quả giáo dục. Đẩy mạnh việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, nhằm tạo cơ sở pháp lý trong công tác quản lý ngành.

Đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, thi, đánh giá kết quả giáo dục, phương pháp giảng dạy. Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi được quan tâm, coi trọng thực chất; các mô hình trường học mới, phương pháp dạy học tích cực được áp dụng và nhân rộng; công tác giáo dục chất lượng tiếp tục được quan tâm; tích cực triển khai Đề án xây dựng xã hội học tập; các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ở miền núi, vùng dân tộc.

Theo Phó Thủ tướng học sinh phải biết các môn thi tốt nghiệp sớm hơn

Bên cạnh những ưu điểm, Bộ GD&ĐT đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong triển khai nhiệm vụ học kỳ I năm học 2013 - 2014. Đó là công tác chỉ đạo ở một số cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục vẫn còn chậm đổi mới, chưa thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý giáo dục theo Nghị định 115 của Chính phủ; việc quán triệt Nghị quyết T.Ư 8 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo chưa thật sự thiết thực, hiệu quả.

Việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn chậm so với yêu cầu, nhất là hệ thống thông tư để triển khai Luật viên chức; Các tiêu cực trong giáo dục vẫn còn là vấn đề bức xúc xã hội. Nhiều địa phương còn lúng túng trong việc đổi mới hoạt động thanh tra giáo dục;

Cơ sở vật chất, thiết bị trường học vẫn còn thiếu thốn, lạc hậu; tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia chậm. Kinh phí các chương trình mục tiêu đầu tư cho giáo dục năm 2013 bị cắt giảm. Nhiều địa phương chịu ảnh hưởng các đợt bão, lũ, rét đậm đã gặp rất nhiều khó khăn.

Liên quan tới môn thi tốt nghiệp THPT, đại diện các Sở GD&ĐT Điện Biên, Kon Tum, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Nam Định, Vĩnh Phúc, … tập trung vào Dự thảo đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm trước mắt của Bộ GD&ĐT, với các vấn đề: tỷ lệ miễn thi 20%; các môn thi tốt nghiệp THPT; thời gian tổ chức thi các môn...

Các ý kiến đều nhất trí khẳng định đổi mới công tác thi cử, trong đó có thi tốt nghiệp THPT là vô cùng quan trọng, cần thiết trong thời điểm hiện nay. Về Dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT, đa số các đại biểu đề đồng tình với phương án thi 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn. Vì với 4 môn thi sẽ giảm rất nhiều áp lực cho học sinh, giảm tốn kém trong đầu tư là nước và sức lực giáo viên.

Với môn Ngoại ngữ, một số ý kiến đề xuất nên đưa thành môn tự chọn. Riêng Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh - Lê Hồng Sơn đề nghị: “Ngoại ngữ nên là môn thi bắt buộc trong thi tốt nghiệp THPT”.

Về tỷ lệ miễn thi, một số ý kiến đề nghị nên có quy định cụ thể về tiêu chí miễn thi để xác định học sinh được miễn thi tốt nghiệp THPT. Bên cạnh đó, một số đại biểu đề xuất liên quan đến cách tính xếp loại tốt nghiệp, thời gian tổ chức thi…

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Bộ GD&ĐT chọn đột phá là đổi mới thi cử, làm trước một bước để tạo xung lực mạnh, lan tỏa để đổi mới các khâu là bước đi đúng.

Tuy nhiên, cần tính toán kỹ càng để thi cử đổi mới rồi ổn định tương đối, có thông báo sớm để học sinh, phụ huynh, giáo viên có thời gian chuẩn bị tâm thế. Trang bị kiến thức bậc học phổ thông cần toàn diện, phát huy được năng lực, phẩm chất của các em.

Lưu ý kỳ thi tốt nghiệp THPT gắn liền với tuyển sinh ĐH. Cùng với đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá, cần tính đến bài toán để không có sự phân biệt giữa các giáo viên trong môn tự chọn và môn bắt buộc…”

Phó Thủ tướng lưu ý chúng ta cần học tập những kinh nghiệm giáo dục có tính phổ quát của thế giới, nhưng không nóng vội sao chụp nguyên văn mà cần có lộ trình để chuẩn bị các điều kiện, hướng tới có thang đo đánh giá học sinh nhanh nhất, đơn giản nhất, chính xác nhất.

Nguyễn Hiếu

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/ptt-vu-duc-dam-vi-sao-mien-thi-tot-nghiep-20-post117864.info