PLA không phải là ngoại lệ trong chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc

Về chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình, không thể không đề cập những gì diễn ra trong quân đội nước này (PLA). Xử lý tham nhũng trong quân đội được xem là “một mất một còn”. Nhưng vấn đề không đơn giản như thế vì PLA là lực lượng đặc biệt đối với chính thể. Các cuộc thanh trừng trong PLA không chỉ đơn thuần với mục tiêu chống tham nhũng.

PLA không phải là ngoại lệ trong chiến dịch của ông Tập. “Phát súng” đầu tiên được nhằm tới một “con hổ”. Năm 2014, ông Tập cho bắt giữ cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu với cáo buộc “bán lon lấy tiền”.

Tướng Từ Tài Hậu bị bắt vì cáo buộc tham nhũng, “bán quân hàm lấy tiền”. Ông Từ chết vì ung thư trước khi bị đưa ra xét xử (Ảnh: guardian.co.uk)

Năm 2015, ông Tập tiếp tục thanh trừng một cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương khác là Quách Bá Hùng cũng với cáo buộc tương tự. Hai vụ bắt giữ này chưa có tiền lệ vì tướng Quách lẫn tướng Từ là hai quan chức quân đội cấp cao nhất khi họ tham gia Quân ủy Trung ương (Chủ tịch Quân ủy là Chủ tịch nước - PV).

Cuộc thanh trừng thứ 3

Cho đến đầu tháng 3/2016, chiến dịch của ông Tập đã bắt giữ ít nhất 44 tướng lĩnh quân đội cao cấp, cho dù con số thực tế có thể cao hơn, theo Tạp chí National Interest. 16 sỹ quan cấp thấp hơn cũng phải vào trại giam.

Vấn đề được đặt ra là vì sao ông Tập thanh trừng lực lượng vũ trang, vốn là cánh tay phải của chế độ?

Hai nhà nghiên cứu Derek Gross và Michael S. Chase đã có phân tích về vấn đề này trên Tạp chí National Interest, Mỹ. Theo họ, ngoài ông Tập, lãnh đạo Trung Quốc duy nhất sử dụng đến biện pháp thanh trừng ở cấp độ cao như thế và thường xuyên chỉ có ông Mao Trạch Đông.

Sau sự ra đời của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 1949, có ít nhất 4 cuộc thanh trừng; hai cuộc trong số đó nhắm tới các tướng lĩnh quân đội. Lần đầu tiên Mao thanh trừng Bộ trưởng Quốc phòng Bành Đức Hoài năm 1959 vì dám chất vấn về phong trào Đại nhảy vọt do Mao phát động (sau này trở thành một phong trào thảm họa).

Cuộc thanh trừng Bành có ý nghĩa tranh đoạt cá nhân nhiều hơn là cuộc chiến giữa ông Mao và PLA. Và ông Bành cũng được biết tới là người ủng hộ sự chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa quân đội kiểu Liên Xô, điều Mao tin rằng đi ngược lại với những chủ thuyết chính của ông.

Cuộc thanh trừng lần hai trong PLA xảy ra năm 1971. Nạn nhân lần này là Lâm Bưu, nhân vật thay thế Bành Đức Hoài và trong giai đoạn Cách mạng Văn hóa được nhiều người xem là sẽ kế tục Mao. Cho dù có nhiều sử liệu khác nhau về chi tiết, nhưng có vẻ là Mao đã nghi ngờ Lâm lên kế hoạch binh biến để làm phản nhằm thay thế “Nhà lãnh đạo vĩ đại”, tức Mao. Lâm Bưu được nói là đã thiệt mạng khi máy bay chở ông ta rơi xuống đất trên đường chạy tới Liên Xô. Một loạt nhân vật thân cận với Lâm Bưu cũng bị thanh trừng sau cái chết bí ẩn của ông ta.

Tướng Bành Đức Hoài bị đánh đổ do bất đồng chính kiến với Mao Chủ tịch (Ảnh: wikipedia)

Lớn nhất lịch sử

Chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập thể hiện là cuộc thanh trừng có hệ thống lớn nhất sau cái chết của Lâm Bưu và lớn nhất trong lịch sử nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, theo nhà Trung Quốc học nổi tiếng David Shambaugh.

Hai người tiền nhiệm của ông Tập là Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân đều tổ các cuộc thanh trừng, nhưng ở quy mô nhỏ. Thêm nữa, cả ông Giang và ông Hồ đều chưa từng tổ chức thanh trừng trong PLA với cách thức mạnh mẽ như ông Tập, có lẽ là do vị thế chính trị và uy tín trong giới lãnh đạo cấp cao không bằng ông Tập.

Ngay cả Đặng Tiểu Bình, cũng như Mao, từng được xem là lãnh đạo tối cao, cũng chưa từng thanh trừng PLA theo cách mà ông Tập làm. Người ta thường nói rằng ông Đặng “thanh trừng” anh em tướng Dương Thượng Côn và tướng Dương Bạch Băng vì nghi ngờ anh em họ Dương đang cố gắng hạ bệ Giang Trạch Dân, lúc đó là Tổng Bí thư đảng. Đặng ép Chủ tịch Dương Thượng Côn phải về hưu, gạt Dương Bạch Băng ra khỏi Quân ủy Trung ương để nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của họ đối với PLA. Nhưng không ai trong số anh em nhà họ Dương bị bắt. Tướng Dương Thượng Côn vẫn được đối xử trọng thị, đúng lễ nghi cho tới khi qua đời.

Tương phản với cách tiếp cận của ông Giang, chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập thường xuyên có các vụ khai trừ đảng và những hình thức kỷ luật khắc nghiệt. Theo nhà nghiên cứu, ông Tập có vẻ tập trung làm sạch nạn tham nhũng đang lan tràn trong quân đội khi quyết định nhắm tới các sỹ quan cao cấp. Cũng có vẻ thanh trừng không phải là lựa chọn đầu tiên của ông Tập đối với PLA, khi ông cho thuyên chuyển nhiều vị trí trong quân đội để giảm tầm ảnh hưởng của đối tượng, chiến thuật mà ông Đặng áp dụng.

Tuy nhiên, như đã nói từ đầu, chuyện thanh trừng trong lực lượng đặc biệt, có vai trò sống còn đối với thể chế như PLA thì không đơn giản là chỉ để xử lý vấn đề tham nhũng. Và cũng không thể loại trừ khả năng những mục tiêu không nói ra mới thực sự là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vụ thanh trừng tướng lĩnh của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Vì sự phức tạp của vấn đề, chúng tôi xin trở lại câu chuyện chống tham nhũng trong PLA ở kỳ tiếp theo.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/pla-khong-phai-la-ngoai-le-trong-chien-dich-chong-tham-nhung-o-trung-quoc-post187114.html