Phương Tây đã sai về hai vị tướng quyền lực nhất Sudan

Người dân và các chuyên gia khu vực nói rằng các nước phương Tây và tổ chức phi chính phủ lẽ ra cần chuẩn bị tốt hơn cho tình trạng bạo lực ở Sudan.

Bốn ngày sau khi Sudan chìm trong cảnh bạo lực do cuộc giao tranh giữa quân đội và Lực lượng Phản ứng Nhanh (RSF), Đặc phái viên Liên Hợp Quốc tại Sudan Volker Perthes đã trao đổi với nhân viên trong một cuộc họp trực tuyến, theo Guardian.

“Đây là tình huống tồi tệ nhất trong những trường hợp xấu nhất. Chúng tôi đã thử ngay cả biện pháp ngoại giao cuối cùng vào tuần trước và đã thất bại”, ông Perthes nói.

Một nhân viên hỏi: “Không có cảnh báo sao?”.

“Không, chúng tôi không có bất kỳ cảnh báo sớm nào”, ông Perthes đáp lại, theo biên bản cuộc họp.

Tuy nhiên, giới phân tích không đồng tình với câu trả lời này. Họ cho rằng các chính phủ và tổ chức quốc tế lẽ ra cần chuẩn bị tốt hơn nhiều cho cuộc khủng hoảng.

Nhiều ý kiến chỉ ra rằng có dấu hiệu một cuộc chiến sẽ nổ ra giữa các đơn vị trung thành với tướng Abdel Fattah al-Burhan và lực lượng RSF do tướng Mohamed Hamdan Dagalo (Hemedti) chỉ huy. Dấu hiệu cảnh báo đã xuất hiện từ rất lâu trước khi tiếng súng vang lên vào ngày 15/4.

Dấu hiệu

Cư dân Khartoum cho biết họ đã được cảnh báo về cuộc đụng độ trong nhiều tháng. Cả hai phe đã huy động lực lượng, dự trữ đạn dược, tăng tốc tuyển dụng, tiếp thêm nhiên liệu và vật tư y tế, thậm chí cả máu.

Hai đêm trước khi bạo lực bùng phát, các quán cà phê và nhà hàng ở Khartoum không hề có tiếng ồn ào như thường lệ.

Shamael el-Noor, nhà phân tích chính trị người Sudan ở Khartoum, cho biết sau khi trao đổi với cả hai phe, cô tin rằng bạo lực sắp nổ ra.

“Tôi nhận thức được áp lực giữa RSF và quân đội, và chắc chắn (nó) có thể leo thang thành một tình huống (bạo lực) không mong muốn bất cứ lúc nào. Tôi tin chắc nó sắp phun trào ở Khartoum, chỉ không rõ về mức độ”, el-Noor nói.

Trong khi đó, nhiều người dân dựa vào động thái sơ tán của các nhà ngoại giao nước ngoài cấp cao ở Khartoum để đánh giá rủi ro.

“Một số người cảm thấy yên tâm với lập trường của Đại sứ quán Mỹ, rằng miễn là người Mỹ không đưa ra cảnh báo, điều đó có nghĩa tình hình vẫn an toàn”, cô nói.

Các tòa nhà bị hư hại sau cuộc đụng độ giữa RSF và quân đội ở Khartoum, Sudan ngày 25/4. Ảnh: Reuters.

Ông Mini Arkou Minawi, thống đốc Darfur và là người đứng đầu Quân đội Giải phóng Sudan - nhóm phiến quân gia nhập chính phủ Khartoum từ tháng 10/2020, cho biết từ tháng 3, ông đã cảnh báo xung đột sắp nổ ra và thúc giục cả hai phe không đụng độ trong các thành phố có “phụ nữ và trẻ em”.

Ông Minawi cho biết một thời điểm quan trọng là khi ký kết thỏa thuận do Liên Hợp Quốc và Mỹ hậu thuẫn vào cuối năm 2022, hướng đến cải cách an ninh và chuyển đổi sang chính phủ dân sự, theo Africa News.

“Họ đã tuyển mộ và tăng cường lực lượng từ 6-7 tháng trước. Cả hai bên đều không muốn (giao tranh), nhưng sau đó họ đưa hàng nghìn binh sĩ đến Khartoum”, ông nói.

Giờ đây, phương Tây sẽ đối mặt những lời chỉ trích về các hành động lẽ ra phải được thực hiện hiệu quả hơn trong quá trình thúc đẩy Sudan chuyển đổi từ chế độ quân sự sang dân sự.

Một số ý kiến cho rằng khi tướng Hemedti và lực lượng RSF tàn sát khoảng 200 người biểu tình hồi tháng 6/2019, phương Tây cần áp đặt các biện pháp trừng phạt để gửi tín hiệu mạnh mẽ đến lực lượng này.

“Có những thời điểm các biện pháp trừng phạt có thể được sử dụng để đạt được hiệu quả lớn. Tướng Hemedti đã tự tái định vị bản thân như một chính trị gia và một chính khách, và nước Mỹ đã cho phép điều đó xảy ra”, ông Cameron Hudson, chuyên gia về chính sách của Mỹ ở châu Phi, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết.

"Chúng tôi đã sai"

Những lời chỉ trích khác nhắm vào việc phương Tây đã không giải quyết được mối lo ngại của cả tướng Fattah al-Burhan và tướng Hemedti về sự an toàn của cá nhân họ, nếu họ đồng ý từ chức.

Trong cuộc họp với các luật sư Sudan gần đây, Đặc phái viên của Vương quốc Anh về Sudan và Nam Sudan Robert Fairweather nói rằng khi ông thảo luận với tướng Fattah al-Burhan và tướng Hemedti, cả hai đều “tỏ ra lo lắng về những gì sẽ xảy ra với họ khi từ bỏ quyền lực”.

Trong khi đó, những người khác, chẳng hạn ông Stefan Dercon - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu các Nền kinh tế châu Phi (Đại học Oxford) - cho rằng Vương quốc Anh đã không thực tế.

“Tôi bị sốc khi điều chúng tôi và các đại sứ quán khác tập trung vào là chuyển đổi hệ thống tư pháp hay bình đẳng giới (ở Sudan), trong khi thỏa thuận cơ bản chưa được thực hiện, bao gồm thỏa thuận kinh tế”, ông Dercon nói.

Binh sĩ Hải quân Saudi Arabia hỗ trợ thường dân được sơ tán khỏi Sudan tại cảng biển Jeddah, Saudi Arabia ngày 26/4. Ảnh: Reuters.

Tiến sĩ Hannah Waddilove, nhà phân tích về Đông Phi, cũng cho biết ảnh hưởng của phương Tây đã giảm từ đầu những năm 1990. “Chúng ta đang ở trong một thế kỷ XXI đa cực tại vùng Sừng (châu Phi). Khu vực này luôn cạnh tranh, nhưng giờ đây có một nhóm quốc gia khác nhau”.

Theo Guardian, những nước đang vận động để giành lợi thế ở Sudan và Đông Phi gồm Trung Quốc, Nga, Ai Cập, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất.

Bên cạnh đó, giới phân tích Mỹ chỉ ra rằng cuộc chính biến năm 2021 diễn ra chỉ vài giờ sau khi tướng Fattah al-Burhan đảm bảo với đặc phái viên Mỹ tại vùng Sừng châu Phi về cam kết chuyển đổi sang chế độ dân sự.

Cả vị tướng này và tướng Hemedti đều “đã nói với cộng đồng quốc tế những gì họ muốn nghe” và kết quả là Washington “đã đánh giá sai về” thế lực mà họ đang đối phó ở Sudan.

Chỉ vài ngày trước khi giao tranh nổ ra hôm 15/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã trao đổi lại với tướng Fattah al-Burhan nhằm ngăn chặn xung đột. Các đại diện của Liên minh châu Phi tại Khartoum, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, EU, Anh và Liên Hợp Quốc vẫn nỗ lực cứu vãn cho đến phút cuối cùng.

“Có dấu hiệu gia tăng căng thẳng giữa RSF và quân đội, nhưng đến tối 14/4, chúng tôi nghĩ rằng tình trạng leo thang đã bắt đầu giảm. Chúng tôi đã sai”, ông Perthes nói với nhân viên Liên Hợp Quốc trong cuộc họp nội bộ. Chưa đầy 12 giờ sau, cuộc giao tranh nổ ra.

Kể từ đó, nỗ lực thiết lập lệnh ngừng bắn liên tiếp thất bại và hầu hết quốc gia gấp rút sơ tán các nhà ngoại giao và công dân khỏi Khartoum. Hôm 25/4, quân đội Sudan và RSF đồng ý ngừng bắn trong 72 giờ sau các cuộc đàm phán do Mỹ và Saudi Arabia làm trung gian, song thỏa thuận đã đổ vỡ vào cuối ngày, theo Reuters.

Tổ chức Y tế Thế giới ước tính có hơn 400 người chết và hàng nghìn người bị thương. Các tổ chức y tế phi chính phủ ở Sudan cho biết con số thực tế thậm chí còn cao hơn nhiều.

“Giờ đây chúng ta đang ở trong một cuộc xung đột và điều đáng sợ nhất là nó sẽ trở thành một cuộc nội chiến. Tôi không nghĩ (chúng ta) có thể ngăn cản”, nhà phân tích el-Noor kết luận.

Hải Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phuong-tay-da-sai-ve-hai-vi-tuong-quyen-luc-nhat-sudan-post1425688.html