Phương pháp tiên tiến điều trị bệnh rối loạn vận động

Rối loạn vận động là hiện tượng suy giảm hoặc mất hoàn toàn khả năng kiểm soát các cơ trên cơ thể như: lưỡi, môi, mặt, thân, các chi. Điều này làm cho người bệnh gặp nhiều khó khăn trong công việc, sinh hoạt hàng ngày, phải phụ thuộc vào người thân…

Bác sĩ Vi Thị Đựng (ngồi) tiêm thuốc điều trị rối loạn vận động cho bệnh nhân. Ảnh: H.Dung

Trước đây, bệnh nhân ở Đồng Nai bị rối loạn vận động thường phải đến Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh điều trị, tốn rất nhiều tiền, công sức. Từ khi Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai triển khai phương pháp điều trị tiên tiến - tiêm botulinum toxin, bệnh nhân đã không phải đi xa, không phải tốn nhiều tiền của, công sức như trước.

Mừng hơn… bắt được vàng

Cách đây 15 năm, ông Cao Cự Thanh (68 tuổi, ngụ phường Tam Phước, thành phố Biên Hòa) được chẩn đoán bị loạn trương lực cơ cổ. Căn bệnh khiến ông rất khổ sở vì mí mắt cứ bị sụp xuống, cổ thường xuyên bị rung lắc. Nhiều hôm, ông Thanh đang đi xe máy thì mí mắt sụp hẳn, khiến ông không thấy đường, phải dừng xe.

Vì thời điểm đó tại Đồng Nai chưa có bệnh viện nào triển khai điều trị căn bệnh này bằng tiêm botulinum toxin nên ông Thanh đã đến Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh để điều trị. Mỗi lần tiêm botulinum toxin, ông Thanh phải trả khoản tiền 12,5 triệu đồng.

Sau 2 lần tiêm thuốc ở bệnh viện tuyến trên, cách đây 4 năm, trong một lần đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai khám mắt, ông Thanh được giới thiệu đến Khoa Nội thần kinh, gặp bác sĩ Vi Thị Đựng để được hỗ trợ điều trị loạn trương lực cơ cổ.

Theo nghiên cứu của bác sĩ VI THỊ ĐỰNG và cộng sự, tỷ lệ dân số bị bệnh rối loạn vận động hiện nay khá cao, khoảng 3%. Tại Đồng Nai, có khoảng từ 90-100 ngàn dân bị rối loạn vận động nhưng số bệnh nhân được điều trị sớm, đúng cách còn rất ít.

“Tôi kể cho bác sĩ Đựng nghe về bệnh của tôi, bác sĩ nói Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cũng đã triển khai phương pháp tiêm botulinum toxin. Tôi mừng hơn bắt được vàng vì tôi có thẻ bảo hiểm y tế, được chi trả 100%, lại không phải đi xa” - ông Thanh cho biết.

Trong hơn 4 năm qua, cứ 3-4 tháng, ông Thanh lại đến Khoa Nội thần kinh của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để tiêm thuốc một lần. Sau mỗi lần tiêm, ông Thanh thấy người khỏe khoắn, không còn bị rối loạn cơ cổ và sụp mí mắt như trước kia.

Còn ông Nguyễn Ngọc Anh (47 tuổi, ngụ phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa) đã tiêm thuốc botulinum toxin được 5 lần.

Ông Ngọc Anh cho hay, ông bị đột quỵ hồi tháng 9-2022, khi đang làm việc. Do không được cấp cứu kịp thời nên sau đó cơ tay và chân phải của ông bị co cứng, không tự đi lại được, phải có người hỗ trợ.

Quá trình tập vật lý trị liệu, ông Ngọc Anh được giới thiệu phương pháp tiêm botulinum toxin để điều trị rối loạn vận động. Sau mỗi lần tiêm, cơ tay chân của ông Ngọc Anh nhả dần, co duỗi dễ dàng hơn trước, đến nay ông đã có thể tự đi lại mà không cần nạng hay người khác giúp đỡ.

“Tôi không ngờ phương pháp này lại đem lại hiệu quả đến vậy. Tôi vừa tiêm thuốc, vừa tập vật lý trị liệu nên đến nay thể lực đã đạt 90% so với trước, độ linh hoạt của tay, chân cũng tốt hơn, có thể làm công việc văn phòng, có thu nhập phụ giúp gia đình” - ông Ngọc Anh chia sẻ.

Hơn 1 ngàn bệnh nhân đã được điều trị

Phương pháp điều trị rối loạn vận động bằng tiêm botulinum toxin được Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh chuyển giao cho Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai từ năm 2019.

Bác sĩ chuyên khoa I Vi Thị Đựng, Khoa Nội thần kinh, là người trực tiếp triển khai phương pháp này, cho biết khoa triển khai tiêm botulinum toxin để điều trị cho các bệnh nhân bị co cứng cơ do đột quỵ, loạn trương lực cơ, co thắt mi mắt, co thắt nửa mặt, loạn trương lực hàm miệng, những trường hợp đau đầu… Trung bình mỗi tháng, khoa điều trị cho từ 30-40 bệnh nhân. Đến nay, sau gần 5 năm triển khai, khoa đã điều trị cho khoảng 1 ngàn bệnh nhân.

Về hiệu quả sau điều trị, theo bác sĩ Đựng, hầu hết bệnh nhân bình phục từ 70-80%, có một số trường hợp bình phục rất tốt, đạt gần 90%. Hiệu quả của thuốc bắt đầu từ 5-7 ngày sau tiêm. Tùy vào mức độ bệnh của bệnh nhân mà từ 3-4 tháng bệnh nhân cần đi tiêm một lần.

Bác sĩ Đựng cho biết thêm, giá thành cho mỗi liều tiêm phụ thuộc vào lượng thuốc mà bệnh nhân được chỉ định. Nếu không có thẻ bảo hiểm y tế, bệnh nhân có khi phải chi trả từ 10-20 triệu đồng cho mỗi liều tiêm. Tuy nhiên, thuốc này đã được bảo hiểm chi trả nên có những trường hợp được hưởng 100%.

Do nhóm bệnh rối loạn vận động không thể điều trị dứt điểm nên các bệnh nhân sau tiêm cần theo dõi tác dụng của thuốc để tái khám và điều trị phù hợp. Trong sinh hoạt, bệnh nhân rối loạn vận động cần kiêng rượu bia, thuốc lá, đồ ăn mặn. Sau tiêm, bệnh nhân có thể tập vật lý trị liệu bình thường. Nếu tiêm thuốc ở vùng mặt thì sau khi tiêm không nên xoa hay day tại chỗ tiêm.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202404/phuong-phap-tien-tien-dieu-tri-benh-roi-loan-van-dong-d3f515f/