Phương án một bài thi: Đại học quốc gia Hà Nội nên "thử trước"

Hệ thống cơ sở vật chất khó có thể đáp ứng, nhất là đối với các địa phương khu vực miền núi; việc thi tích hợp chưa phù hợp với việc dạy và học ở các nhà trường hiện nay…, đó là những băn khoăn được nhiều nhà giáo dục đặt ra trước phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia trên máy tính của Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất.

Nếu áp dụng phương án do Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất, thí sinh sẽ làm bài thi trên máy tính. (Ảnh: TTXVN)

Hệ thống cơ sở vật chất khó có thể đáp ứng, nhất là đối với các địa phương khu vực miền núi; việc thi tích hợp chưa phù hợp với việc dạy và học ở các nhà trường hiện nay…, đó là những băn khoăn được nhiều nhà giáo dục đặt ra trước phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia trên máy tính của Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất.

Khó khả thi

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cũng như thi đại học thường có quy mô khoảng một triệu học sinh nên theo phó giáo sư Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh, việc áp dụng thi theo hình thức trực tuyến trên máy tính là khó khả thi, nhất là ở các tỉnh miền núi, vốn có điều kiện kinh tế khó khăn.

Về giải pháp thi thành nhiều ca được Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra, ông Cương cho rằng điều này có thể áp dụng với quy mô nhỏ của trường nhưng khó áp dụng với quy mô toàn quốc, nhất là với một kỳ quốc gia để đánh giá một mặt bằng chung.

Cùng chia sẻ vấn đề này, phó giáo sư Lê Hữu Lập, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cho rằng, khó triển khai trên diện rộng. “Sẽ phải đòi hỏi rất lớn về cơ sở vật chất, điều kiện về máy móc thế nào? Câu hỏi có phù hợp không? Cần phải tổ chức bao nhiêu đợt? Nghe thì không phức tạp nhưng khi triển khai thì sẽ có rất nhiều vấn đề nảy sinh,” ông Lập nhận định.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Việt Đức, dù ở các nhà trường đã triển khai dạy và học môn tin học, nhưng mỗi địa phương có năng lực về cơ sở vật chất khác nhau nên hiệu quả không phải đểu đạt tuyệt đối. Mỗi học sinh ở vùng miền khác nhau thì năng lực sử dụng máy tính cũng ở mức độ khác nhau.

“Tất nhiên, nếu chỉ thao tác đơn giảng thì không quá khó khăn, nhưng khi áp ụng đại trà thi phải có lượng cơ sở vật chất rất lớn,” ông Bình nói.

Học sinh vẫn đang nóng lòng chờ phương án chốt của Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Cần "thử trước"

Không chỉ vấn đề tổ chức thi trên máy, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc tổ chức thi tích hợp cũng sẽ là một điều đáng ngại.

Theo phó giáo sư Văn Như Cương, dư luận khá hoang mang khi nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thi tích hợp và chính lãnh đạo Bộ đã phải lên tiếng khẳng định chỉ ra đề theo bài thi tổng hợp nhiều môn. “Tôi nghĩ việc thi tích hợp sẽ là một khó khăn với học sinh, nhất là trong điều kiện hiện nay, ở các trường phổ thông vẫn dạy và học theo từng môn riêng biệt,” ông Cương nói.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Quốc Bình cho rằng việc thay đổi như thế nào cũng phải trên cơ sở nền tảng cách dạy và học đang diễn ra ở các trường phổ thông hiện nay, không thể học một đằng, cách đánh giá một nẻo.

Cũng theo vị hiệu trưởng này, nếu tổ chức một kỳ thi trong năm 2015 thì phương án một của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra là hợp lý hơn cả vì gần với cách dạy và học, cách kiểm tra, đánh giá trong các trường. Còn trong tương lai, chọn phương án nào phù hợp, tích cực để đánh giá tốt hơn kiến thức năng lực của học sinh thì Bộ phải dựa trên cơ sở lý luận, cơ sở khoa học và thực tiễn của Việt Nam để lựa chọn và cần sớm công bố lộ trình thực hiện cho xã hội biết.

Chia sẻ những lo lắng của các hiệu trưởng, phó giáo sư Lê Hữu Lập cho rằng, nếu đã nghiên cứu và chuẩn bị kỹ, Đại học Quốc gia Hà Nội nên áp dụng phương án này vào việc tuyển sinh của trường mình trước: “Đại học Quốc gia Hà Nội nên thí điểm để thấy rõ những thuận lợi và thách thức đặt ra khi làm trên thực tế, nếu thành công hãy nhân rộng mô hình."

Đại học Quốc gia Hà Nội có thể áp dụng phương án thi tiên tiến, đi trước cũng là quan điểm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận khi phát biểu trong phiên họp về các vấn đề giáo dục tại Chính phủ chiều 27/8.

Ông Luận cho rằng, Đại học quốc gia Hà Nội có thể làm việc với các cục, vụ chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo để có thể xem xét việc công nhận tốt nghiệp đối với những học sinh hoàn thành bài thi tổng hợp của Đại học quốc gia Hà Nội ở mức độ nhất định./.

Nguồn TTXVN: http://www.vietnamplus.vn/phuong-an-mot-bai-thi-dai-hoc-quoc-gia-ha-noi-nen-thu-truoc/278289.vnp