Phúc thẩm vụ VN Pharma: Cần làm rõ đường đi của dòng tiền

Ngày xét xử phúc thẩm đầu tiên của vụ án VN Pharma vẫn chưa làm rõ được những nghi vấn xung quanh 7,5 tỷ đồng 'hoa hồng' cho bác sĩ, nâng khống giá và đường đi của dòng tiền.

Vì sao tiền của VN Pharma đi vòng ra nước ngoài rồi về lại Việt Nam? HĐXX yêu cầu làm rõ vì sao dòng tiền của VN Pharma di chuyển vòng vèo ra nước ngoài trước khi quay lại Việt Nam.

Vẫn còn quá nhiều câu hỏi sau phiên xử vụ án VN Pharma sáng 19/10. Ngoài việc các nhân chứng phản cung, thay đổi lời khai, đại diện của Bộ Y tế và Bộ Công Thương có mặt tại phiên tòa cũng chỉ... để nghe.

Nâng khống hơn 100 tỷ đồng

Liên quan đến con số 7,5 tỷ đồng tiền hoa hồng cho bác sĩ, các bị cáo liên tục thay đổi lời khai và trả lời loanh quanh. Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng số tiền này bị truy ra trong thời điểm bị cáo này bị tạm giam. Bản thân Hùng cũng không đứng tên các sổ tiết kiệm mà do Nhật, Quốc, Phương đứng tên. Hùng khẳng định việc nâng khống giá để dành khoản lợi nhằm phục vụ sinh hoạt của công ty.

Hùng cũng thừa nhận tổng số tiền bị nâng khống là hơn 100 tỷ đồng. Số tiền đó phục vụ công tác bán hàng, khi bị cáo bị bắt thì tiền đó để trừ nợ vào sổ vay của ngân hàng. “Không có việc chi hoa hồng cho bác sĩ”, bị cáo Hùng nhiều lần khẳng định.

Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Lê Thị Vũ Phương (Kế toán trưởng VN Pharma) khai đã tự ý nâng khống giá thuốc nhằm hợp thức hóa khoản tiền chi hoa hồng cho bác sĩ.

Những nghi vấn xung quanh 7,5 tỷ đồng "hoa hồng" cho bác sĩ, nâng khống giá và đường đi của dòng tiền cần được làm rõ. Ảnh: Tùng Tin.

Trong khi đó, Ngô Anh Quốc (nguyên Phó tổng giám đốc VN Pharma) cũng đã giao nộp cho cơ quan điều tra một số giấy biên nhận chi tiền cho nhân viên phòng bán hàng để chi phí cho bác sĩ các bệnh viện mà VN Pharma cung cấp thuốc.

Tuy nhiên, tại phiên phúc thẩm, Ngô Anh Quốc cho rằng không rõ số tiền 7,5 tỷ đồng chi hoa hồng cho ai.

Tại tòa, Nguyễn Minh Hùng cũng cho hay quan hệ giữa doanh nghiệp của mình với Cục quản lý Dược là “không nhiều”. Trả lời câu hỏi có hay không việc biếu xén cho lãnh đạo Cục quản lý Dược để được thuận lợi trong công việc, Hùng nói: "Xin khẳng định, không hề có chuyện biếu xén để được Cục quản lý Dược cấp phép nhập khẩu thuốc".

Dòng tiền vòng ra nước ngoài rồi về Việt Nam

“Bị cáo nghĩ gì khi nâng khống giá thuốc trong khi nhiều bệnh nhân đang khốn khổ?”, câu hỏi HĐXX đưa ra cho bị cáo Nguyễn Minh Hùng trong phần xét hỏi về việc nâng giá thuốc. Nguyễn Minh Hùng cho biết H-Capita là thuốc hỗ trợ điều trị ung thư. Hùng mua H-Capita với giá 27 USD, sau đó nâng giá lên 75 USD.

Bị cáo nghĩ gì khi nâng khống giá thuốc trong khi nhiều bệnh nhân đang khốn khổ?

HĐXX hỏi bị cáo Nguyễn Minh Hùng

Trong khi đó, bị cáo Võ Mạnh Cường thừa nhận mình là người thay đổi hóa đơn thương mại để nâng khống giá thuốc từ 27 lên 75 USD. Tuy nhiên, Cường lại cho rằng trong việc này bị cáo không hề có ý vụ lợi.

Khai tại tòa, bị cáo Nguyễn Minh Hùng thừa nhận thuê dược sĩ Phạm Văn Thông viết tiêu chuẩn thuốc cho H-Capita với giá 2.000 USD. Hùng cho biết cho hai trường hợp liên quan đến tiêu chuẩn kiểm nghiệm thuốc.

Còn trả lời xét hỏi của luật sư, Phạm Văn Thông khẳng định việc viết tiêu chuẩn thuốc cho H-Capita là hợp pháp. Không chỉ loại thuốc này, Thông còn viết hồ sơ cho nhiều loại thuốc khác. Còn Nguyễn Minh Hùng cho biết công ty này viết lại hồ sơ thuốc cho cả các loại thuốc nội lẫn thuốc nhập khẩu. Điều này nhằm đáp ứng tiêu chuẩn Việt Nam do Bộ Y tế quy định.

Liên quan đến những tài khoản tiết kiệm trong ngân hàng, VKS xét hỏi Nguyễn Minh Hùng vì sao dòng tiền trong hợp đồng thuốc H-Capita vòng ra nước ngoài rồi về Việt Nam?. Nguyễn Minh Hùng trả lời đó là nguồn vốn của công ty hoạt động.

Về câu hỏi liên quan đến các sổ tiết kiệm của công ty, Nguyễn Minh Hùng cho biết không rõ về số tiền cũng như khả năng thanh toán hiện tại. Từ đó, HĐXX cho rằng việc kinh doanh và dòng tiền di chuyển vòng vèo vẫn chưa được làm rõ trong phiên sơ thẩm.

Bộ Y tế, Công Thương chỉ đến để… nghe

Phần trả lời của Phó chánh Thanh tra Bộ Y tế Giang Hán Minh khiến cả khán phòng bật cười. Tuy là Phó chánh Thanh tra Bộ Y tế, ông Minh cho biết mình không có thẩm quyền trả lời mà chỉ có mặt ở tòa để ghi nhận. Sau đó, lãnh đạo Bộ Y tế sẽ có trả lời bằng văn bản. Lý do ông Minh đưa ra là thư mời đến quá muộn.

HĐXX tỏ ra thất vọng khi vị đại diện Bộ Y tế là Phó chánh Thanh tra Bộ Y tế Giang Hán Minh không thể trả lời các câu hỏi để làm rõ vai trò của Cục Quản lý Dược. Ảnh: Tùng Tin.

Đại diện VKSND cấp cao tỏ ra đáng tiếc khi Bộ Y tế không thể tham gia phiên xét hỏi tại tòa. Theo VKS, có hàng loạt câu hỏi đặt ra cho bộ liên quan đến thủ tục cấp phép, thẩm định lô thuốc…

Chủ tọa phiên tòa khẳng định sở dĩ tòa triệu tập đại diện Bộ Y tế vì cơ quan này quản lý dược ở Trung ương, tòa muốn làm rõ quy trình cấp phép chuẩn như thế nào. Từ đó, tòa muốn đối chiếu để đánh giá xem Cục quản lý Dược thực hiện đúng hay chưa. Nhưng đại diện Bộ Y tế tại tòa không trả lời được câu hỏi nào.

Cũng giống như Bộ Y tế, đại diện Bộ Công Thương viện dẫn lý do nhận giấy mời muộn nên không thể cử người có thẩm quyền đến dự phiên tòa. Do đó, Bộ Công Thương chỉ có thể cử đại diện đến ghi nhận và xin trả lời bằng văn bản sau.

VKS hỏi vị đại diện Bộ Công Thương ý kiến về việc hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cho phép nhập lô hàng. Vị đại diện này nói không nắm được vì đó là vấn đề chuyên môn. Vị này chỉ có trách nhiệm đến tham dự và ghi lại tiến trình phiên tòa để báo cáo.

Vụ VN Pharma: Đại diện Bộ Y tế không trả lời được câu hỏi của tòa HĐXX khẳng định việc triệu tập đại diện Bộ Y tế vì muốn làm rõ quy trình cấp phép, xem Cục Quản lý Dược thực hiện đúng hay chưa. Nhưng đại diện Bộ Y tế không trả lời được câu hỏi.

Nhóm phóng viên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/phuc-tham-vu-vn-pharma-can-lam-ro-duong-di-cua-dong-tien-post788864.html