Phục lăn rắn đuôi chuông không ăn uống vẫn sống sót suốt 2 năm

Mới đây, một con rắn đuôi chuông suy dinh dưỡng được phát hiện khi đang bị mắc kẹt bên dưới nhà kho của một người phụ nữ ở bang Arizona.

Con rắn đuôi chuông này được bắt gặp lần đầu tiên tại ngôi nhà vào năm 2020 khi lén lút bò quanh vườn của người phụ nữ. Chủ nhà nhanh chóng lắp đặt một hàng rào điện dọc theo chân tường nhà kho để ngăn chuột bò vào, thu hút rắn kiếm ăn. Nhưng cô không ngờ con rắn đã bò xuống bên dưới nhà kho.

"Con rắn này sống sót bằng cách nào trong thời gian lâu như vậy vẫn là một bí ẩn với chúng tôi", ông Bryan Hughes, chủ công ty chuyên xử lý rắn đuôi chuông Rattlesnake Solutions nói. "Có thể một số con mồi như thằn lằn nhỏ có thể chui vừa qua hàng rào mắt cáo cỡ 0,6 cm, con rắn có thể không ăn uống gì trong toàn thời gian đó".

Rắn đuôi chuông hay rắn chuông hay rắn rung chuông là một nhóm các rắn độc thuộc các chi Crotalus và Sistrurus thuộc phân họ Crotalinae ("rắn hang") với đặc điểm chung là cái đuôi của chúng có thể rung và kêu lên lúc săn mồi và cảnh báo khi có nguy hiểm.

Có 32 loài rắn chuông với từ 65-70 phân loài, tất cả chúng đều là loài bản địa châu Mỹ, từ phía nam Canada đến miền trung Argentina.

Rắn đuôi chuông kim cương Tây Mỹ là một trong những loài rắn có nọc độc nguy hiểm nhất ở Bắc Mỹ, chúng giết chết nhiều người ở Mỹ và Mexico hơn bất kỳ loài rắn nào khác.

Theo Hughes, rắn đuôi chuông thường xuất hiện trong những ngôi nhà ở Arizona, chủ yếu trong sân vườn, nơi có nhiều cây cối, nguồn nước và cơ hội kiếm ăn.

Mỗi ngày, đội của Hughes nhận được tới 30 cuộc gọi nhờ bắt rắn trong vùng. Rắn đuôi chuông trong tự nhiên có thể sống hàng tháng không cần thức ăn và có thể sống tới một năm hoặc hơn mà không ăn uống.

Tuy nhiên, ngay cả như vậy, hai năm là khoảng thời gian quá dài đối với rắn đuôi chuông. Khi một con rắn đuôi chuông bị suy dinh dưỡng, vẻ ngoài của nó có thể thay đổi đáng kể.

Trong trường hợp này, mỡ cơ thể và cơ bắp của con rắn đuôi chuông này gần như biến mất hoàn toàn, chỉ còn những nếp da chùng bọc ngoài xương sườn của nó.

Tình trạng thiếu nước và đói ăn cũng khiến nó mất tuyến độc, để lại chiếc đầu rỗng thay vì hình mũi tên bè rộng như thường gặp ở họ rắn viper. Nếu áp lực kiếm ăn và năng lượng để tiêu hóa bữa ăn quá lớn đối với rắn đuôi chuông, nó có thể không sống sót.

Dave Holland, thợ bắt rắn của Rattlesnake Solutions, người giải cứu con vật, cho biết nó có cơ hội sống sót cao nhất nếu quay trở lại môi trường tự nhiên thay vì nuôi nhốt ở nơi khác.

Dựa trên đánh giá lúc đó của Holland, giải pháp tốt nhất là đưa con rắn về môi trường bản xứ nhanh hết mức có thể. Họ thả thẳng nó vào một hang chuột, nơi con vật có thể khám phá xung quanh an toàn và kiếm mồi thành công.

Xem thêm video: Kinh hoàng rắn hổ mang khổng lồ bị lũ cuốn trôi trên đường. (Nguồn video: Newsflarea.com)

Thiên Trang (th)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/phuc-lan-ran-duoi-chuong-khong-an-uong-van-song-sot-suot-2-nam-1766703.html