Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng

Nhu cầu về phục hồi chức năng ngày càng gia tăng, nhưng các cơ sở khám, chữa bệnh mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của người bệnh. Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng là biện pháp nằm trong sự phát triển của cộng đồng về phục hồi chức năng, nhằm bảo đảm cho tất cả những người tàn tật được phục hồi chức năng, bình đẳng về mọi cơ hội và hội nhập xã hội.

Chăm sóc trẻ khuyết tật tại nhà thông qua chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. Ảnh: P.C

Bệnh nhân H.T.C (55 tuổi, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) bị tai biến, di chứng để lại khiến việc di chuyển khó khăn. Sau khi xuất viện, bệnh nhân được hướng dẫn các bài tập phục hồi chức năng. Ngoài ra, cán bộ y tế địa phương hỗ trợ bệnh nhân tham gia các chương trình tập phục hồi chức năng. Bên cạnh đó, người nhà sẽ được tập huấn chuyển giao kiến thức về chăm sóc bệnh nhân cần phục hồi chức năng; cấp phát dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật tại cộng đồng. Đây là hoạt động được triển khai thường xuyên tại các địa phương theo chương trình hỗ trợ phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.

Những năm qua, chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng ở huyện Hòa Vang được triển khai tại các xã, góp phần quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe người dân. Bà Lê Thị Hoài (xã Hòa Liên), có người nhà bị khuyết tật vận động, thường xuyên đưa đến các cơ sở y tế khám, điều trị. “Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng giúp gia đình tôi rất nhiều, nhất là trong bối cảnh gia đình khó khăn. Việc đi lại điều trị vừa tốn kém lại mất thời gian. Chương trình còn giúp gia đình có thêm những kiến thức để có thể tự chăm sóc cho người nhà của mình”, bà Hoài cho biết.

Theo bác sĩ Võ Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng trở thành hoạt động y tế thường xuyên được các địa phương quan tâm, triển khai. “Hoạt động khám, đánh giá phục hồi chức năng, cấp phát dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật tại cộng đồng; phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ khuyết tật tại cộng đồng và tập huấn chuyển giao kiến thức về chăm sóc phục hồi chức năng một số dạng bệnh thường gặp tại cộng đồng cho người nhà, cộng tác viên và người khuyết tật được triển khai theo chương trình mục tiêu y tế - dân số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025”, bác sĩ Vinh cho biết.

Theo Sở Y tế, giai đoạn 2019-2023, chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng đã được triển khai tại 56 phường, xã. Các hoạt động của chương trình bao gồm khám, lượng giá phục hồi chức năng cho người khuyết tật tại cộng đồng; phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ khuyết tật tại cộng đồng; cấp phát dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật tại cộng đồng; tập huấn chuyển giao kiến thức về chăm sóc phục hồi chức năng một số dạng bệnh thường gặp tại cộng đồng cho người nhà, cộng tác viên và người khuyết tật. Hơn 320 nhân viên y tế được tập huấn các lớp chăm sóc phục hồi chức năng một số dạng bệnh thường gặp tại cộng đồng cho người khuyết tật, người nhà và cộng tác viên...

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện phục hồi chức năng thành phố Đà Nẵng, phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng là một biện pháp chiến lược nằm trong sự phát triển của cộng đồng về phục hồi chức năng nhằm bảo đảm cho tất cả những người khuyết tật được phục hồi chức năng, bình đẳng về mọi cơ hội và hội nhập xã hội.

Tuy nhiên, theo đánh giá, hiện nay hoạt động phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng vẫn còn gặp một số khó khăn, thách thức. Sự thiếu hụt nhân lực và cán bộ kiêm nhiều công việc làm cho công tác cập nhật và sử dụng dữ liệu phần mềm quản lý thông tin người khuyết tật tại cơ sở y tế trở nên không đồng đều và khó khăn. Cán bộ chương trình tại tuyến cơ sở không có nhiều thời gian để thực hiện.

Đội ngũ cán bộ y tế tuyến cơ sở và cộng tác viên luôn có biến động về mặt nhân sự do nghỉ hưu, bổ sung người mới, luân chuyển vị trí nên đòi hỏi phải đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho nhân sự mới thường xuyên. “Để khắc phục những khó khăn trên, cần tiếp tục thực hiện hoạt động phục hồi chức năng cho người khuyết tật tại cộng đồng; triển khai và sử dụng dữ liệu phần mềm quản lý thông tin người khuyết tật theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, cần kiện toàn các mạng lưới, điều hành chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng ở các tuyến”, bác sĩ Dũng cho biết.

PHAN CHUNG

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/ytesuckhoe/202404/phuc-hoi-chuc-nang-dua-vao-cong-dong-3969906/