Phục hồi cây cà phê ở Nghệ An

Ít người biết rằng Ngày cà phê Việt Nam 10-12 xuất phát từ Nghệ An. Theo một tài liệu khoa học, 'trước khi phát hiện ra vùng Kon Tum, Đồng Nai Thượng, người Pháp cho rằng Phủ Quỳ có thể trở thành nơi có nhiều đồn điền lớn nhất về cà phê ở Đông Dương'.

Ngày 10-12-1961, trong chuyến về thăm quê, Bác Hồ đến thăm Nông trường Đông Hiếu (Nghĩa Đàn). Bác đến lô cà phê số 119 trò chuyện với cán bộ, công nhân nông trường. Năm 2016, Chính phủ chọn ngày 10-12 hằng năm là Ngày cà phê Việt Nam.

Hồi đó và những năm tiếp theo, trong 13.400ha đất đỏ bazan của vùng Phủ Quỳ (bao gồm huyện Nghĩa Đàn, thị xã Thái Hòa và huyện Quỳ Hợp), diện tích trồng cà phê chiếm gần 10.000ha. Thế nhưng đến những năm 2012-2013, diện tích trên chỉ còn hơn 100ha và đến nay thì dường như không còn một cây cà phê nào...

Ảnh minh họa: TTXVN

Nguyên nhân phần lớn là do sâu bệnh, năng suất thấp và sự thay thế các loại cây trồng khác. Trong Đề án “Phát triển, mở rộng diện tích cây ăn quả gắn với công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021-2030”, cà phê không còn được đưa vào quy hoạch.

Cà phê có giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với các loại cây nông nghiệp khác, trong khi người dân trên vùng đất bazan quý giá miền Tây xứ Nghệ còn gặp nhiều khó khăn, phần lớn đang nghèo. Những cán bộ, công nhân của Nông trường Đông Hiếu giờ đây đã già, hoài nhớ năm xưa mùa tiếp mùa cà phê đơm hoa kết trái, hương cà phê ngào ngạt lan tỏa không gian. Từ lâu các nông trường quốc doanh đã giải tán, nhưng đất đỏ bazan vẫn còn đó, người vẫn còn đó nhưng không còn bóng dáng cà phê...

“Trồng cây gì, nuôi con gì” vẫn đang là câu hỏi thường trực với người nông dân. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong bối cảnh thị trường nông sản biến động phức tạp như hiện nay là thách thức không nhỏ. Biết vậy nhưng nếu cây cà phê không bao giờ được trở lại trên những triền đồi đất đỏ bazan màu mỡ, nơi mà nó từng đơm hoa kết trái góp vào sự phồn vinh, sung túc của một vùng đất giàu tiềm năng Phủ Quỳ, thì thật tiếc!

Cần có sự vào cuộc của các nhà kinh tế, các nhà khoa học nông nghiệp và đặc biệt không thể thiếu vai trò của Nhà nước, các cấp chính quyền tỉnh Nghệ An tổ chức nghiên cứu, phân tích, đánh giá khách quan các điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội... để đưa ra quyết định có phục hồi hay không cây cà phê ở miền Tây Nghệ An, tránh bỏ lỡ việc khai thác một tiềm năng, lợi thế nông nghiệp từng là hiện thực.

TRẦN HOÀI

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/phuc-hoi-cay-ca-phe-o-nghe-an-755347