Phục dựng vở tuồng kinh điển Hồ Quý Ly

Sau gần 20 năm, vở diễn một thời lừng danh Hồ Quý Ly của Nhà hát tuồng Việt Nam với tập thể sáng tạo đầy uy tín: tác giả Xuân Yến, đạo diễn Giáo sư, Tiến sĩ, NSND Đình Quang, biên đạo múa NSND Trần Minh, âm nhạc NSƯT Xuân Vượng... vừa được phục dựng và công diễn lại trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội.

Cảnh trong vở tuồng Hồ Quý Ly của Nhà hát tuồng Việt Nam.

Cảnh trong vở tuồng Hồ Quý Ly của Nhà hát tuồng Việt Nam.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta thời trung đại, Hồ Quý Ly và triều đại nhà Hồ đã thực hiện một cuộc cải cách đất nước toàn diện và triệt để với việc dời đô vào Thanh Hóa và tạo dựng một công trình thành đá uy nghi còn đến tận ngày nay, đổi tên nước thành Đại Ngu, dùng tiền giấy thay tiền đồng để có thêm nhiều đồng đúc vũ khí chống giặc, đổi mới thi cử khi khuyến khích không chỉ giỏi thi thư mà còn phải biết toán pháp... Là một quý tộc có chí khí cuối triều nhà Trần, khi vận nước đi xuống, ông đã từng bước thâu tóm quyền lực, lập ra triều đại mới và mạnh dạn dùng pháp trị để chuyển xoay tình thế đất nước. Tuy nhiên, Hồ Quý Ly đã không tìm được sự ủng hộ vì những chính sách hà khắc, không quan tâm tới đời sống của người dân, từ bỏ con đường đoàn kết dân tộc, lấy dân làm gốc như triều Trần đã từng làm... Thế nên, khi tài năng, thời thế và thực lực chẳng được như mong muốn - càng nôn nóng, hăm hở thực hiện cải cách, Hồ Quý Ly càng mắc phải những lỗi lầm nghiêm trọng và tất yếu dẫn tới kết cục bi thảm: Sự nghiệp cải cách của ông đã nhanh chóng sụp đổ cùng với vương triều Hồ.

Bi kịch và ẩn số Hồ Quý Ly là đề tài tìm hiểu và sáng tác của nhiều văn nghệ sĩ, xây dựng nên một hình tượng nghệ thuật lấp lánh ánh sáng của người đi tiên phong nên dễ gặp thất bại. Những đóng góp mà Hồ Quý Ly và triều Hồ để lại dấu ấn trong lịch sử không lớn bằng những bài học người đời sau có thể ghi nhận, đánh giá. Đúng như 20 năm sau, Ức Trai Nguyễn Trãi đã nói về ông: “Anh hùng di hận kỷ thiên niên”. Cũng vì vậy, khi sáng tạo nên vở tuồng Hồ Quý Ly, tập thể sáng tạo vở diễn muốn gửi gắm thông điệp về những bài học của ông cha để lại khi nhấn mạnh về sức mạnh đoàn kết dân tộc và sức mạnh của nhân dân, phải biết “lấy dân làm gốc”.

Vở tuồng Hồ Quý Ly là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất tại Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 1999 với tập hợp diễn xuất của các nghệ sĩ tài năng của Nhà hát tuồng Việt Nam. Đây là thời kỳ mà sân khấu tuồng đang có những bước đi mới, tìm kiếm các đề tài và hình thức thử nghiệm sáng tạo mới. Nhân vật chính Hồ Quý Ly trong vở diễn thuộc vai kép văn võ toàn tài nhưng cũng không hẳn là vai kép chính diện, cho nên sắc thái của nhân vật cũng được NSND Ánh Dương xử lý với các hành động kịch khá đặc trưng, từ nét đảo mắt liên tục đến động tác khoát tay khoa trương sức mạnh... Những vai thứ của các nghệ sĩ: Xuân Quý, Minh Gái (nay đã là NSND), Minh Tâm (nay là NSƯT), Ngọc Tuấn... đã được khắc họa tốt mang đúng chất tuồng. Bi kịch của người anh hùng không gặp thời, chịu những hạn chế lịch sử, hạn chế trong tầm nhìn cá nhân trước thời cuộc... cho nên dù trí lớn, tài cao cũng không thể đi tới đích đã được thể hiện đầy hấp dẫn dưới sự dàn dựng của những nghệ sĩ tên tuổi trong nghề.

Mặc dù một số vai diễn trong vở Hồ Quý Ly hiện đã được những nghệ sĩ trẻ hơn đảm nhiệm, nhưng vở diễn mới phục dựng của NSƯT Đặng Bá Tài đã cố gắng giữ lại được tinh thần của những nghệ sĩ, đạo diễn gạo cội của sân khấu trước đây, giúp người xem hiểu được đầy đủ những bài học đầy máu và nước mắt mà lịch sử đã chắt lọc lại qua trái tim nhạy cảm của người nghệ sĩ.

CAO NGỌC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/33145202-phuc-dung-vo-tuong-kinh-dien-ho-quy-ly.html