Phù Yên ổn định đời sống đồng bào tái định cư

Sau khi hoàn thành việc bố trí các điểm tái định cư cho nhân dân các xã vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình, các hộ dân chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, huyện Phù Yên đã vận động nhân dân sở tại nhường một phần đất sản xuất, giúp các hộ thuộc diện tái định cư nhanh chóng ổn định cuộc sống, tập trung phát triển sản xuất tại nơi ở mới.

Nhân dân điểm tái định cư Suối Dinh 1, xã Mường Bang, huyện Phù Yên, phát dọn khu đất sản xuất.

Hỗ trợ nhân dân gặp khó khăn về đất ở, đất sản xuất và chịu ảnh hưởng của thiên tai, huyện Phù Yên xây dựng các điểm tái định cư (TĐC): Suối Dinh 1 và 2, xã Mường Bang; Khoai Lang, xã Mường Thải; Suối Tre, xã Tường Phong... Đến nay, có gần 200 hộ dân được di chuyển vào các điểm TĐC, mỗi hộ được cấp 300 m2 đất ở, 300 m2 đất sản xuất/khẩu, được hỗ trợ tiền mua gạo trong năm đầu tiên.

Ông Đặng Quang Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phù Yên, cho biết: Hiện nay, UBND huyện tiếp tục triển khai cho nhân dân vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai và các xã vùng lòng hồ thủy điện thiếu đất sản xuất đăng ký di chuyển về các điểm TĐC mới. Đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng thông qua nguồn vốn các chương trình giảm nghèo và Đề án 1460. Từ năm 2021 đến nay, huyện được phân bổ gần 197 tỷ đồng từ chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch, bảo đảm đầu tư, hỗ trợ đúng địa bàn, đúng đối tượng, phù hợp với nhu cầu, thực tiễn của địa phương. Việc hỗ trợ sản xuất, lựa chọn các loại cây trồng phù hợp, giúp nhân dân phát triển sản xuất tại điểm TĐC.

Điểm TĐC Suối Dinh 1 và 2, xã Mường Bang, có 32 hộ, 129 nhân khẩu thuộc xã Bắc Phong và Tân Phong di chuyển đến TĐC. Sau khi hoàn thành việc chia đất sản xuất cho các hộ, UBND huyện hỗ trợ các loại cây giống, như sắn cao sản, măng bát độ, ngô, nhãn, xoài… Đồng thời, chỉ đạo nhân dân thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, trước mắt, các hộ trồng các loại cây ngắn ngày, đảm bảo thu nhập trước khi cây ăn quả cho thu hoạch trong 3-4 năm tiếp theo.

Anh Mùi Văn Tình, điểm TĐC Suối Dinh 1, chia sẻ: Gia đình tôi chuyển từ bản Bó Mý, xã Bắc Phong về điểm TĐC, được chia 1,5 ha đất sản xuất nông nghiệp. Số tiền được Nhà nước hỗ trợ, tôi trích một phần mua cây sắn giống, phân bón. Đến nay, lứa sắn đầu tiên trồng trên quê mới chuẩn bị cho thu hoạch, sản lượng dự kiến đạt 15 tấn, với giá bán hiện nay, dự kiến thu nhập 39 triệu đồng. Đối với cây ăn quả, gia đình được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, nên cây phát triển tốt.

Điểm TĐC tại bản Suối Tre, xã Tường Phong, đang có hơn 20 hộ chuyển đến do ảnh hưởng của thiên tai. Xã đã vận động bà con, tận dụng phần đất xung quanh nơi ở mới để trồng các loại cây lâm nghiệp.

Ông Cầm Văn Thống, Phó Chủ tịch UBND xã Tường Phong, thông tin: UBND xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện, hướng dẫn nhân dân thuộc diện TĐC kỹ thuật trồng các loại cây lâm nghiệp. Hiện nay, diện tích trồng cây lấy gỗ tại điểm TĐC bản Suối Tre đạt hơn 10 ha. Căn cứ nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã vận động nhân dân mở rộng diện tích trồng cây lấy gỗ, tạo sinh kế bền vững cho bà con.

Phấn đấu mỗi năm giảm 4% hộ nghèo, huyện Phù Yên tiếp tục sử dụng hiệu quả nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia. Xây dựng các phương án hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho nhân dân, từng bước giảm nghèo bền vững, xây dựng huyện trở thành địa phương phát triển khá của tỉnh.

Bài, ảnh: Khải Hoàn

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/phu-yen-on-dinh-doi-song-dong-bao-tai-dinh-cu-a8mqedSIg.html