Phú Thọ: mở rộng 'cánh cửa' thị trường cho các sản phẩm OCOP

Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP đã tạo làn gió mới cho khu vực kinh tế nông thôn, tạo đà thúc đẩy và nâng cao năng lực của các chủ thể, nhất là khu vực làng nghề, các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Phú Thọ.

Sau 5 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, Tỉnh Phú Thọ đã có 139 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó 92 sản phẩm 3 sao, 46 sản phẩm 4 sao, 1 sản phẩm 5 sao.

Tỉnh Phú Thọ xác định Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nên đã ban hành đồng bộ cơ chế chính sách nhằm khai thác được tiềm năng, lợi thế trong phát triển các sản phẩm OCOP của địa phương, qua đó nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Đồng thời, áp dụng nhiều hình thức hỗ trợ nhằm mở rộng “cánh cửa” thị trường cho sản phẩm OCOP.

Chè Đinh Hoài Trung - Sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia của tỉnh Phú Thọ

Phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch

Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch được đánh giá là tiềm năng mới để nông dân làm giàu trên chính làng quê của mình, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp nông thôn của tỉnh Phú Thọ.

Du khách quốc tế trải nghiệm Du lịch cộng đồng Hùng Lô Phú Thọ

Cuối năm 2022, Hội đồng đánh giá, phân hạng Chương trình OCOP Phú Thọ đã đánh giá hai sản phẩm Du lịch cộng đồng Xuân Sơn và Du lịch cộng đồng Hùng Lô đạt tiêu chuẩn 3 sao. Đây là hai chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia trong nhóm “Dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch” đầu tiên của tỉnh.

Du khách trải nghiệm gói bánh trưng tại đình làng Hùng Lô

Mô hình du lịch trải nghiệm ở đình Hùng Lô (xã Hùng Lô) là sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch cộng đồng đầu tiên được tỉnh Phú Thọ định hướng xây dựng trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Đến với điểm du lịch này, du khách được tham quan Đình cổ xây dựng cách đây hơn 300 năm, còn lưu giữ các giá trị di sản văn hóa vật thể tiêu biểu cho kiến trúc văn hóa Việt Nam và in đậm dấu ấn thời đại Hùng Vương dựng nước, là không gian sinh hoạt cộng đồng cho nhân dân.

Chương trình hát Xoan gắn với điểm du lịch đình Hùng Lô thực hiện đón tiếp, thuyết minh, hướng dẫn cho khách về tham quan. Người dân và du khách được nghe các nghệ nhân, đào, kép của phường Xoan biểu diễn những tiết mục Xoan cổ. Du khách còn được tham quan, trải nghiệm với nghề truyền thống làm bánh chưng, bánh giầy, làm mì gạo tại Hùng Lô và nét văn hóa đặc sắc của chợ quê.

Du khách trải nghiệm Du lịch cộng đồng Xuân Sơn

Ngoài ra, Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Phú Thọ còn triển khai các tour đưa du khách, đặc biệt là du khách quốc tế đến tham quan, trải nghiệm tại các làng nghề nông nghiệp như: Làng nghề làm bánh chưng, bánh giầy, mì gạo ở xã Hùng Lô; làng sản xuất và chế biến chè Đá Hen; làng nghề rau an toàn xã Tân Đức; làng tương truyền thống Dục Mỹ; làng nghề nón lá Gia Thanh; làng nghề đan lát Đỗ Xuyên; tham quan vườn bưởi Đoan Hùng, trải nghiệm thu hoạch bưởi, làm tinh dầu bưởi, mứt bưởi; trải nghiệm hái chè, làm chè tại đồi chè Long Cốc… Đồng thời quảng bá, giới thiệu, đưa các sản phẩm OCOP Phú Thọ trở thành sản phẩm lưu niệm, quà tặng cho du khách, từ đó nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy khẳng định, việc lồng ghép giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản đặc trưng gắn với tour du lịch, các không gian trưng bày, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch sẽ tận dụng được tối đa nguồn lực của tỉnh. Đây cũng là hướng đi mới, hiệu quả mà tỉnh Phú Thọ đang triển khai thực hiện. Sản phẩm OCOP sẽ góp phần làm phong phú, tạo làn gió mới, nâng tầm cho du lịch Phú Thọ, đặc biệt là du lịch nông thôn.

Đưa sản phẩm OCOP Phú Thọ trở thành sản phẩm lưu niệm, quà tặng cho du khách

Xây dựng chuỗi cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP

Để người dân có thể dễ dàng mua các sản phẩm OCOP, ngành Công Thương Phú Thọ đã duy trì một điểm trưng bày giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công Thương - Sở Công Thương. Đây là điểm bán và trưng bày sản phẩm OCOP đầu tiên của tỉnh được Bộ Công Thương hỗ trợ xây dựng theo Quyết định số 1404/QĐ-BCT ngày 28/05/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt thực hiện đề án, nhiệm vụ năm 2020 của Bộ Công Thương thuộc chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 – 2020, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.

Điểm bán và trưng bày sản phẩm OCOP đầu tiên của tỉnh Phú Thọ được Bộ Công Thương hỗ trợ

Đồng thời, ngành Công Thương Phú Thọ cũng phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan và doanh nghiệp xây dựng trên 10 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại thành phố Việt Trì và các huyện, thị. Các điểm bán hàng đều được sắp xếp gọn gàng, trang trí đẹp mắt, bày bán đa dạng các sản phẩm, từ sản phẩm đã qua chế biến đến các loại thực phẩm tươi sống. Các sản phẩm bán tại các điểm gồm: Bưởi Đoan Hùng, Thịt chua Thanh Sơn, Gạo J02, Gạo nếp gà gáy Mỹ Lung, Mì gạo Hùng Lô, Rau an toàn Tứ Xã, Tương làng Bợ,… cùng với nhiều đặc sản vùng miền khác.

Người tiêu dùng yên tâm lựa chọn các sản phẩm OCOP tại các điểm bán hàng OCOP của tỉnh

Phát huy lợi thế của các siêu thị đang hoạt động trên địa bàn tỉnh làm địa điểm trưng bày, quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm, ngành Công Thương đã phối hợp với các chủ thể nỗ lực đưa sản phẩm OCOP có mặt trên các kệ hàng siêu thị. Hiện đang có 30 sản phẩm OCOP của tỉnh đang được bán tại Siêu thị Co.opmart Việt Trì.

Cùng với đó, Sở NN&PTNT và Sở VHTT & DL cũng khai trương Siêu thị du lịch nông nghiệp OCOP Phú Thọ tại sảnh A, tầng 2 Chợ trung tâm thành phố Việt Trì. Siêu thị trưng bày, phân phối sản phẩm OCOP tỉnh Phú Thọ và các tỉnh thành trong cả nước. Đến Siêu thị người dân sẽ dễ dàng mua nông sản sạch OCOP tỉnh Phú Thọ và đặc sản vùng miền; các sản phẩm mây tre đan, thủ công mỹ nghệ..., đồng thời tham quan trung tâm checkin quảng bá Du lịch tỉnh…

Quảng bá sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử

Để mở rộng đầu ra cho 139 sản phẩm được công nhận OCOP thông qua nền tảng số, năm 2022, tỉnh Phú Thọ đã đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, đặc biệt là hướng dẫn, hỗ trợ cho các chủ thể OCOP đưa sản phẩm lên các nền tảng thương mại điện tử, góp phần mở rộng thị trường cho sản phẩm.

Trong đó, Sở Công Thương Phú Thọ đã hỗ trợ xây dựng 5 bộ giải pháp kinh doanh trực tuyến cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh nhằm triển khai ứng dụng thương mại điện tử. Tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến kiến thức về thương mại điện tử cho gần 500 lượt cán bộ doanh nghiệp, hợp tác xã, cán bộ đoàn viên thanh niên tại các huyện Yên Lập, Cẩm Khê...

Các sản phẩm OCOP Phú Thọ trên sàn thương mại điện tử

Xác định thương mại điện tử là công cụ xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP hiệu quả với chi phí thấp, không phụ thuộc vào không gian và thời gian, ngành Công Thương đã khai thác lợi thế để quảng bá sản phẩm thông qua việc duy trì đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử như: Giaothương.net.vn; nongsan.phutho.gov.vn; Agritech Expo; Postmart-VNPost và trên hệ thống quản lý, giám sát sản phẩm OCOP Quốc gia (Ocopvietnam.gov.vn), phát triển Sàn giao dịch thương mại điện tử giaothương.net.vn với 309 gian hàng, 956 sản phẩm dịch vụ.

Hiện sàn Postmart.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam có 28 sản phẩm OCOP của tỉnh Phú Thọ bao gồm 9 sản phẩm đạt 4 sao và 19 sản phẩm 3 sao. Ngoài 28 sản phẩm OCOP, Phú Thọ còn thiết lập gần 90.000 tài khoản được active trên sàn Postmart với hơn 1.500 sản phẩm đa dạng từ nông sản, thực phẩm đến ngành hàng tiêu dùng. Nhờ đó, các sản phẩm OCOP của Phú Thọ được quảng bá rộng rãi, tiếp cận được nhiều đối tượng và dần mở rộng thị phần, từng bước chinh phục thị trường trong nước và nước ngoài.

Sản phẩm OCOP Phú Thọ trên sàn PostMart.vn

Với mục tiêu để các sản phẩm OCOP của tỉnh có “chỗ đứng” vững chắc, cạnh tranh hiệu quả trên kệ các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và trên sàn thương mại điện tử, thời gian tới, ngành Công Thương phối hợp với các cấp, ngành, địa phương tiếp tục tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh; phối hợp chặt chẽ với hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trong tỉnh, một số địa bàn lân cận để có cơ chế ưu đãi thu hút các chủ thể sản phẩm OCOP của tỉnh tham gia trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm. Đồng thời, khuyến khích chủ thể có sản phẩm đạt OCOP chủ động tiếp cận công nghệ thông tin, hoàn thiện các yêu cầu cần thiết như: Tem truy xuất nguồn gốc, phiếu đánh giá chất lượng sản phẩm, hóa đơn và mẫu mã, bao bì sản phẩm để khi đưa vào hệ thống siêu thị thu hút người tiêu dùng.

Tuy suất nguồn gốc xuất xứ bưởi Đoan Hùng

Livestream bán sản phẩm OCOP trên nền tảng số

Tháng 7 vừa qua, hơn 40 sản phẩm OCOP của tỉnh Phú Thọ đã được Livestream quảng bá và bán trên nền tảng TikTok trong Chương trình “Chợ phiên OCOP - Về miền Đất Tổ”. Chương trình “Chợ phiên OCOP – Về miền Đất Tổ” đã mời 14 Tiktoker là các diễn viên, chuyên gia xây dựng thương hiệu và bán hàng trực tuyến; nhà sáng lập và điều hành Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Trường Foods - Thương hiệu thịt chua tiêu biểu của Phú Thọ và các nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng... sở hữu các tài khoản Tiktok có lượt người theo dõi cao như: Hoa Thịt Chua, Hoàng Kim Ngọc, Vũ Thị Diệu Thúy, Huyền Trang uy tín, Đàm Đức, Bảo Ngọc Aerobic, Hạnh Tây Bắc TV, Vũ Trà My… livestream, giới thiệu, quảng bá và mở bán các các sản phẩm OCOP của tỉnh. Sau 3 giờ 30 phút livestream, chương trình đã thu hút được gần 20 triệu lượt xem, bán được hơn 3.000 đơn hàng với tổng doanh thu 300 triệu đồng.

Các Tiktoker là các diễn viên, người nổi tiếng Livestream quảng bá và bán sản phẩm OCOP trên nền tảng TikTok trong Chương trình “Chợ phiên OCOP - Về miền Đất Tổ”

Các sản phẩm được livestream bán hàng tại sự kiện này, thuộc về 6 chủ thể tiêu biểu, đại diện cho tỉnh là: Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Trường Foods; Công ty TNHH Một thành viên Hoa Lúa; Công ty TNHH Chè Hoài Trung; Công ty TNHH Maika Food; HTX Liên Gia Trang; HTX Mì gạo Hùng Lô.

Ngày 17/10, tại huyện Đoan Hùng, sau ba giờ livestream (từ 12h00 - 15h00) trên nền tảng Tiktok tại “Chợ phiên OCOP Phú Thọ”, chương trình đã thu hút được hàng triệu lượt xem, qua đó bán được hơn 1.000 quả bưởi Da xanh với sản lượng đạt khoảng 2,3 tấn, doanh thu đạt gần 60 triệu đồng. Tại buổi livestream, bốn nhà sáng tạo nội dung là diễn viên, chuyên gia xây dựng thương hiệu và bán hàng trực tuyến... đã tổ chức hai điểm livestream tại vườn bưởi để giới thiệu về quy trình trồng, cách chăm sóc, thu hoạch, đóng gói và hướng dẫn bảo quản sản phẩm quả bưởi Da xanh sau khi mua.

“Chợ phiên OCOP Phú Thọ” livestream tại vườn bưởi Đoan Hùng

Đoan Hùng hiện có 8 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh, trong đó bưởi Đoan Hùng đạt hạng 4 sao và là cây chủ lực của địa phương. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch hỗ trợ bà con bán hàng trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, tổ chức các lớp tập huấn về bán hàng livestream cho cán bộ xã, các hộ dân hợp tác xã trên địa bàn.

Để giúp các chủ thể OCOP, nhà kinh doanh xây dựng kịch bản livestream, tương tác với người xem, nắm bắt các tiêu chuẩn về cộng đồng của nền tảng,.. Sở Công Thương đã tổ chức tập huấn về “Chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại và kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số” cho 200 người trên địa bàn huyện Phù Ninh; Liên minh HTX tỉnh tổ chức tập huấn “Kỹ năng xúc tiến quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên nền tảng mạng xã hội” cho các cán bộ quản lý, thành viên các HTX có sản phẩm hàng hóa, sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP.

Tập huấn cho các chủ thể OCOP cách livestream bán hàng

Có thể thấy, với những biện pháp đồng bộ như hiện nay, tỉnh Phú Thọ không chỉ hoàn thành mục tiêu đạt 201 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên vào cuối năm 2023 mà các sản phẩm OCOP của tỉnh cũng sẽ được kết nối liên kết tiêu thụ, mở rộng tới nhiều thị trường trong nước và quốc tế.

Nguyên Vỵ

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/phu-tho-mo-rong-canh-cua-thi-truong-cho-cac-san-pham-ocop-113537.htm