Phú Thọ còn vướng mắc khi sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập

Ngày 3/5, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện chính sách pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, giai đoạn 2018 - 2023.

Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu phát biểu.

Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu cho biết, việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập đã được tỉnh Phú Thọ triển khai quyết liệt và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong điều kiện thực tế, khi triển khai còn gặp những khó khăn, vướng mắc và có những vấn đề chưa phù hợp với tình hình cụ thể của một số đơn vị, địa phương.

Tỉnh Phú Thọ kiến nghị, đề xuất Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số Luật và văn bản hướng dẫn đảm bảo phù hợp để thực hiện hiệu quả; đồng thời, kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực; ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí làm cơ sở ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước để làm cơ sở giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.

Tỉnh Phú Thọ cũng kiến nghị với một số bộ, ngành Trung ương xem xét giữ ổn định số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong đơn vị sự nghiệp công lập, giai đoạn 2022 - 2026 của địa phương; hằng năm giao bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo còn thiếu so với định mức quy định; phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh quy định về số lượng cấp phó đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế phù hợp với với quy mô trường, lớp, số lượng các điểm trường lẻ, các đơn vị sự nghiệp y tế đa chức năng, có quy mô lớn…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được trong việc thực hiện chính sách pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Trong đó, tỉnh Phú Thọ đã ban hành nhiều văn bản cụ thể, triển khai nghiêm túc, trách nhiệm trong việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của Phú Thọ đã rất tâm huyết, sát thực tiễn, giúp Đoàn giám sát có thêm thông tin, đặc biệt là nhìn nhận được những khó khăn của các đơn vị, địa phương trong việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập, đổi mới quản lý, thu hút nguồn nhân lực.

Thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tỉnh Phú Thọ cần tiếp tục quán triệt, triển khai tốt Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, các luật và văn bản hướng dẫn có liên quan. Tỉnh cần thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập gắn với sắp xếp, quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản công; đề xuất phương án tiếp nhận, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập từ các bộ, ngành bàn giao; sớm ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ thuộc thẩm quyền, phù hợp đối với các đơn vị sự nghiệp công lập để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Đến hết ngày 31/12/2023, tỉnh Phú Thọ có 1.004 đơn vị sự nghiệp công lập. Tỉnh đã giảm 134 đơn vị so với năm 2015; giảm 107 đơn vị so với năm 2017; giảm 14 đơn vị so với năm 2021. Từ năm 2015 đến nay, Phú Thọ đã thực hiện giải thể 17 đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm đúng nguyên tắc, đối tượng, trình tự, thời hạn giải quyết. Mặc dù vậy, việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách và các quy định của pháp luật đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa được Trung ương, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành đồng bộ, đầy đủ. Tình trạng thiếu giáo viên vẫn đang diễn ra ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh, trong đó chủ yếu thiếu giáo viên ở bậc học mầm non và tiểu học.

Cũng tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát ghi nhận và đánh giá cao kết quả thực hiện của tỉnh Phú Thọ trong thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thời gian qua.

Các ý kiến cũng chỉ rõ, tỷ lệ tinh giản biên chế viên chức giai đoạn 2015 - 2021 chưa bảo đảm tỉ lệ 10% theo quy định. Do đó, đề nghị báo cáo của tỉnh Phú Thọ nêu rõ lí do tại sao chưa đạt 10% như chỉ tiêu và đến năm 2025 có đạt được hay không. Thời gian qua, tỉnh đã có chính sách đặc thù nào được thực hiện hiệu quả.

Ngoài ra, việc quản lý và nâng cao hiệu lực hiệu quả đơn vị sự nghiệp công lập cũng là nội dung rất quan trọng, tuy nhiên Đoàn giám sát nhận thấy, trong báo cáo của tỉnh Phú Thọ chưa nêu rõ hiệu quả hoạt động thực sự của các đơn vị sự nghiệp công lập…

Tin, ảnh: Tạ Toàn (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/phu-thocon-vuong-mac-khi-sap-xep-to-chuc-lai-cac-don-vi-su-nghiep-cong-lap-20240503184522281.htm