'Phủ sóng' các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt

Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đang trở thành phương thức thanh toán phổ biến, rộng rãi ở những người trong độ tuổi lao động tại khu vực đô thị, đặc biệt là giới trẻ.

Thanh toán bằng mã QR tại một quán cà phê ở P.Thống Nhất (TP.Biên Hòa)

Không chỉ đón đầu làn sóng công nghệ hóa ngành thương mại dịch vụ, việc TTKDTM còn góp phần quan trọng lan tỏa tiện ích của những phương thức thanh toán hiện đại tới cộng đồng, qua đó nâng cao chất lượng sống của người dân, hướng đến mục tiêu xã hội số trong tương lai không xa.

* Đa dạng các kênh TTKDTM

Với hình thức thanh toán đa dạng (internet banking, mobile banking, QR code, ví điện tử, thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ…), hầu hết người dân đều có thể thanh toán cho các dịch vụ, nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày như: điện, nước, cước phí điện thoại, vé xe/tàu/máy bay, nộp học phí, mua sắm hàng hóa trong siêu thị/cửa hàng tiện lợi, mua hàng online… một cách nhanh chóng, thuận tiện.

Nhiều địa phương trong tỉnh đang triển khai nhiều hoạt động để thúc đẩy người dân TTKDTM như: tổ chức Ngày hội Không dùng tiền mặt; triển khai tuyên truyền, thí điểm về thanh toán trực tuyến, thanh toán bằng mã QR tại các cửa hàng, tuyến đường; thúc đẩy các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ hành chính công có thu phí, lệ phí…

Trên thực tế, kể từ sau đại dịch Covid-19, việc mua sắm trực tuyến, TTKDTM đã nở rộ và trở thành thói quen của không ít người tiêu dùng, nhất là ở các đô thị, thành phố lớn. Do đó, từ các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ lớn cho đến những người kinh doanh nhỏ lẻ, chợ truyền thống, ki-ốt ở khu dân cư đều thích ứng nhanh với sự điều chỉnh hành vi tiêu dùng của khách hàng. Qua đó, khi thanh toán hóa đơn hoặc mua hàng, tùy theo nhu cầu cá nhân mà khách hàng có thể sử dụng hình thức thanh toán phù hợp, đặc biệt việc TTKDTM như: chuyển khoản, ví điện tử, quét mã QR… ngày càng trở nên phổ biến và mang tính ứng dụng cao, được nhiều khách hàng lựa chọn.

Bà Nguyễn Thanh Hương, chủ tiệm tạp hóa Hương Thuận (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) cho biết, trước đây khách hàng chủ yếu thanh toán bằng tiền mặt nhưng sau dịch Covid-19 khách thanh toán qua chuyển khoản rất nhiều, cho dù là những món hàng có giá trị nhỏ chỉ từ vài chục ngàn đồng. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, bà đã bố trí mã QR và số ví điện tử Momo của tiệm giúp khách hàng có nhiều sự lựa chọn thanh toán dễ dàng, nhanh chóng hơn. “Thời nay nếu không nhận chuyển khoản thì nhiều khách hàng sẽ chuyển sang tiệm khác mua. Do đó, người mua dù quen trong xóm hay khách vãng lai, chỉ cần mang theo điện thoại là có thể thanh toán ngay mà không cần tìm cây ATM để rút tiền; đồng thời, giúp tôi tránh rủi ro khi đếm tiền nhầm, nhận tiền giả…” - bà Hương chia sẻ.

* Thúc đẩy các dịch vụ ngân hàng số

Hơn nữa, hầu hết các ngân hàng Vietcombank, ACB, HDBank, Techcombank, MB, VPBank… và các ví điện tử Momo, VNPay, ZaloPay, ShopeePay, Viettel Money đều có nhiều chính sách, giải pháp phát triển dịch vụ giao dịch, bán lẻ trên các nền tảng số, góp phần thúc đẩy lượng lớn người dùng theo xu hướng TTKDTM.

Chị Trần Bích Ngọc (P.Tân Vạn, TP.Biên Hòa) cho hay, một điểm thuận lợi là gần như trên 90% các cơ sở kinh doanh tại Biên Hòa đều có QR code và thanh toán chuyển khoản. Thậm chí, những điểm buôn bán nhỏ lẻ như quán cà phê, xe bánh mì, đồ ăn vặt… cũng dễ dàng bắt gặp mã QR, số ví điện tử được dán sẵn một góc xe để khách hàng thuận tiện trong việc mua hàng.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai tham quan các gian hàng dịch vụ ngân hàng số tại Tuần lễ Chuyển đổi số Đồng Nai năm 2023. Ảnh: H.Hà

“Hiện nay, kể cả khi đổ xăng cho xe máy cũng chấp thuận các hình thức TTKDTM như quẹt thẻ hay ví điện tử, chỉ cần báo nhân viên đổ xăng phương thức thanh toán trước là có thể đổ đầy bình mà không lo dắt bộ khi trong người không có sẵn tiền mặt. TTKDTM không chỉ nhanh chóng, tiện lợi mà còn giúp người dùng đảm bảo an toàn, có kế hoạch chi tiêu hiệu quả, tiết giảm nhiều chi phí trung gian” - chị Ngọc nói.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thời gian qua, các chỉ số TTKDTM tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Thống kê trong 7 tháng của năm 2023 cho thấy giao dịch TTKDTM tăng 51,1% về số lượng; giao dịch qua kênh internet tăng 66,2% về số lượng và 4% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 63,1% về số lượng và 8,8% về giá trị… so với cùng kỳ năm 2022.

Chị Nguyễn Trâm Anh, chủ cửa hàng thời trang T.A xách tay (P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho hay, xu hướng thanh toán tiêu dùng của khách hàng đã thay đổi theo từng năm. Nếu như 2-3 năm trước, khách đến mua sắm trực tiếp chỉ thanh toán tiền mặt, thì nay lượng khách sử dụng hình thức TTKDTM như chuyển khoản, ví điện tử đã tăng 50-60%. Trong khi đó, với những khách đặt hàng online ở xa đều chuyển khoản trước 100% giá trị đơn hàng, lượng khách ship COD (hình thức thanh toán sau khi nhận hàng) hầu như rất ít.

Bên cạnh đó, TTKDTM còn đem đến cho người dùng nhiều khuyến mãi, ưu đãi hấp dẫn như voucher, hoàn tiền, tích điểm… giúp tiết kiệm chi phí, mang đến nhiều tiện ích. Điều này cũng là một yếu tố quan trọng thu hút nhiều người, nhất là giới trẻ sử dụng hình thức TTKDTM.

Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai Lê Xuân Hưởng cho hay, trong thời gian qua, ngành ngân hàng trong tỉnh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp về TTKDTM. Đặc biệt, trong khuôn khổ Tuần lễ Chuyển đổi số Đồng Nai năm 2023, nhiều ngân hàng thương mại đã tham gia các gian hàng để giới thiệu về những dịch vụ ngân hàng số, thúc đẩy TTKDTM thông qua mã QR để người dân có những trải nghiệm thực tế về dịch vụ ngân hàng số…

Hải Hà

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202401/phu-song-cac-hinh-thuc-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-10422ac/