Phụ nữ yếu thế lan tỏa nghị lực sống

Hiện Việt Nam có khoảng 6 triệu người trong cộng đồng người yếu thế. Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã luôn dành sự quan tâm kịp thời, sâu sát đến cộng đồng đặc biệt này. Đây là thông tin được bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tại chương trình 'Vươn lên và tỏa sáng nghị lực sống' do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 6-3, tại Hà Nội.

Hơn 170 thành viên, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái thuộc 8 nhóm khuyết tật đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ, là tâm điểm của Chương trình này.

Tham gia sự kiện, nhiều phụ nữ, trẻ em gái thuộc các nhóm yếu thế không chỉ được thể hiện bản thân, tỏa sáng bằng lời ca, tiếng hát mà họ còn được lắng nghe những câu chuyện truyền cảm hứng của những người yếu thế trong xã hội trên khắp thế giới, tiếp thêm cho họ nghị lực để họ vươn lên trong cuộc sống, tiếp tục đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tiết mục văn nghệ được biểu diễn bởi những người phụ nữ khuyết tật.

Trong 8 nhóm yếu thế Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ, có một số chị em phụ nữ đã mạnh dạn lập doanh nghiệp, tham gia sản xuất kinh doanh và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Trong đó, nhóm Thương Thương Handmade và Hợp tác xã Tâm Ngọc là những điển hình, khi đang làm chủ cùng lúc cả 2 doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh mở rộng, tạo thêm nhiều việc làm cho người yếu thế. Cùng với đó, Hội người mù Việt Nam đã tích cực triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nữ khiếm thị và lan tỏa Chương trình Cây gậy trắng đến xã hội…

Chia sẻ tại sự kiện, chị Trần Thị Thuần, Giám đốc Hợp tác xã Tâm Ngọc chia sẻ, là người khuyết tật, cô hiểu sâu sắc nỗi khổ của người khuyết tật khi không có việc làm, không được lao động và tạo giá trị cho gia đình, cho cuộc sống. Chính những trăn trở làm gì và làm như thế nào để tạo được việc làm phù hợp và ổn định cho người khuyết tật đã thúc đẩy Trần Thị Thuần thành lập Hợp tác xã Tâm Ngọc năm 2019, lúc đầu với 7 thành viên, để dấn bước vào thương trường. Sau 4 năm gây dựng, một số sản phẩm trà của hợp tác xã được người tiêu dùng đón nhận. Hợp tác xã hiện đang tạo việc làm cho 41 người lao động, trong đó chủ yếu là người khuyết tật trên địa bàn TP Hà Nội.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc bày tỏ niềm xúc động khi lắng nghe lời ca, tiếng đàn của các nhóm yếu thế, đặc biệt là nhóm Hợp ca Hy vọng. Nhóm Hợp ca Hy vọng do Giáo sư Tôn Thất Triêm dẫn dắt với các thành viên là người khiếm thị, có người đang phải chạy thận 1 tuần 3 lần, nhưng bệnh tật không làm họ lùi bước. "Những bản nhạc, lời ca đẹp đẽ của người khuyết tật làm rung động lòng người, là tấm gương lan tỏa nghị lực sống và tinh thần phấn đấu cho cuộc sống tốt đẹp hơn", Thứ trưởng bày tỏ.

Các đại biểu tham gia chương trình cùng đại diện 8 nhóm yếu thế được Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp chiến lược về kinh tế - xã hội, bên cạnh phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ luôn ý thức tầm quan trọng của công tác xã hội; quyết tâm dành thời gian và công sức tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa với mục tiêu Vì sự phát triển của cộng đồng.

Từ đầu năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ đạo khuyến khích, lựa chọn một số cộng đồng người yếu thế để hỗ trợ. Theo đó, nhiều sự kiện, hành động đã được Bộ, các đơn vị trong ngành triển khai mạnh mẽ. Trong 8 nhóm yếu thế Bộ bảo trợ, có một số chị em phụ nữ đã mạnh dạn lập doanh nghiệp, tham gia sản xuất kinh doanh.

Tin, ảnh: VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/phu-nu-yeu-the-lan-toa-nghi-luc-song-720878