Phụ nữ Mộc Châu sáng tạo khởi nghiệp

Khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng đất cao nguyên, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mộc Châu đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hỗ trợ hội viên khởi nghiệp, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, nâng cao thu nhập, góp phần nâng cao vị thế người phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Chị Vì Thị Long Biên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mộc Châu, cho biết: Triển khai Đề án 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, Hội đã tuyên truyền, khích lệ tinh thần khởi nghiệp kinh doanh của hội viên. Đồng thời, hướng dẫn hội viên có ý tưởng kinh doanh, rèn luyện kỹ năng kinh doanh, kỹ năng bán hàng, quảng bá, xây dựng thương hiệu, quản lý tài chính. Hỗ trợ thành lập các mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ, giúp hội viên khởi nghiệp bền vững, tạo sự hợp tác, liên kết trong sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, Hội còn nhận ủy với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho trên 3.000 hội viên vay phát triển kinh tế, với tổng dư nợ 160 tỷ đồng; duy trì 90 nhóm tín dụng tiết kiệm, 185 mô hình tiết kiệm, tổng trị giá gần 10 tỷ đồng, hỗ trợ trên 1.000 hộ vay vốn phát triển sản xuất.

Mô hình trồng rau, củ quả của HTX An Tâm (bản An Thái, xã Mường Sang, Mộc Châu).

Mô hình trồng rau, củ quả của HTX An Tâm (bản An Thái, xã Mường Sang, Mộc Châu).

Từ năm 2017 đến nay, Hội đã giúp 75 hội viên khởi nghiệp; thành lập 1 câu lạc bộ phụ nữ khởi nghiệp; tư vấn, giới thiệu việc làm cho 578 lao động nữ. Phối hợp tổ chức 37 lớp tập huấn về các lĩnh vực: Nấu ăn, hướng dẫn viên du lịch, kỹ thuật sản xuất; thành lập 10 hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, 5 mô hình tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; duy trì 244 mô hình kinh tế tiêu biểu. Đã có 325 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được giúp đỡ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 3,71%. Nhiều mô hình kinh tế điểm được nhân rộng, như: Dịch vụ du lịch của hội viên Lường Thị Hồng Tươi (Mường Sang); nuôi lợn của hội viên Vì Thị Tiến (Hua Păng); trồng bưởi của hội viên Vũ Thị Chiêm (Chiềng Sơn)...

HTX An Tâm ở bản An Thái, xã Mường Sang được thành lập từ năm 2016, do chị Nguyễn Thị Tâm làm Giám đốc. Hiện, HTX có 19 thành viên trồng 8 ha rau, củ quả sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng 200 tấn/năm, thu nhập từ 8-10 triệu đồng/thành viên/tháng. Ngoài ra, HTX còn liên kết với 48 gia đình hội viên để mở rộng sản xuất. Chị Tâm chia sẻ: Để hoạt động hiệu quả, tôi đã tham gia các lớp tập huấn về quản lý tài chính HTX; hướng dẫn sử dụng internet để tìm kiếm thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trồng rau củ quả giữa các thành viên; đăng tải hình ảnh sản phẩm, hoạt động của HTX trên Website để quảng bá, giới thiệu.

Năm 2019, Hội Phụ nữ xã Chiềng Khừa thành lập Nhóm phụ nữ khởi nghiệp, với 9 thành viên. Từ nguồn vốn hỗ trợ ban đầu của một số đơn vị, nhóm đã liên kết với các hộ dân trong xã để thu mua và tiêu thụ các sản phẩm nông sản cho bà con. Chị Lò Thị Nguyên, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, Trưởng Nhóm khởi nghiệp xã Chiềng Khừa, cho biết: Mô hình tập hợp các hội viên có ý tưởng kinh doanh, có cơ hội phát huy sự năng động, sáng tạo và kỹ năng trong kinh doanh, giúp thành viên nâng cao thu nhập và hỗ trợ người dân tiêu thụ và quảng bá nông sản địa phương.

Tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của hội viên; tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; kết nối các doanh nghiệp, các chuyên gia để tư vấn, hỗ trợ định hướng hoàn thiện các ý tưởng khởi nghiệp... là những giải pháp của Hội LHPN huyện Mộc Châu trong thời gian tới, nhằm giúp hội viên sáng tạo khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh bền vững.

Huyền Trăng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/phu-nu-moc-chau-sang-tao-khoi-nghiep-43239