Phụ nữ Lương Sơn phát triển kinh tế hộ

Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Lương Sơn (TP. Sông Công) đã có nhiều hình thức hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế.

Với diện tích nhà lưới 1.000m2, gia đình chị Trương Thị Bích, ở tổ dân phố Pha, phường Lương Sơn (TP. Sông Công) đã trồng thử nghiệm dưa vân lưới nhằm đa dạng cây trồng, nâng cao thu nhập.

Năm 2022, Tổ hợp tác chăn nuôi tổ dân phố Ngân, phường Lương Sơn, được thành lập, thu hút 10 thành viên là phụ nữ tham gia. Sinh hoạt trong Tổ hợp tác, các thành viên thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, cũng như tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, nguồn vốn ưu đãi để phát triển, mở rộng quy mô chăn nuôi. Từ khi tham gia Tổ hợp tác, hoạt động chăn nuôi của các hội viên được cải thiện rõ rệt.

Bà Phạm Thị Vân, thành viên Tổ hợp tác, chia sẻ: Riêng gia đình tôi, với diện tích chuồng trại hơn 400m2, ngoài chăn nuôi khoảng 90 con lợn thịt/lứa, một năm 2 lứa, tôi còn nuôi thêm 500 con gà/lứa để tăng thu nhập. Bình quân mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi hơn 100 triệu đồng.

Hội LHPN phường Lương Sơn hiện có hơn 2.200 hội viên, sinh hoạt tại 21 chi hội. Hàng năm, Hội đã tập trung tuyên truyền để chị em thay đổi nhận thức, chủ động vươn lên thoát nghèo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc; vận động hội viên giúp nhau phát triển kinh tế và duy trì các hình thức tiết kiệm để gây quỹ hỗ trợ hội viên.

Để các hình thức hỗ trợ phát huy hiệu quả, Hội chú trọng tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và thành lập tổ hợp tác, câu lạc bộ phụ nữ phát triển kinh tế. Qua đó, giúp chị em hội viên mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm tăng thu nhập cho gia đình.

Toàn phường Lương Sơn hiện có 7 hợp tác xã, tổ hợp tác trồng trọt, chăn nuôi và trên 50 trang trại, gia trại chăn nuôi gà, lợn. Nhiều mô hình trong số này do chị em phụ nữ làm chủ. Trên địa bàn cũng đã hình thành một số mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao, từng bước nâng cao năng suất, thu nhập cho người dân.

Điển hình trong số đó là mô hình trồng dưa chuột baby trong nhà lưới, với diện tích 1.000m2, của chị Trương Thị Bích, ở tổ dân phố Pha. Từ mô hình này, gia đình chị Bích thu lãi gần 100 triệu đồng/năm.

Chị Bích cho hay: Thực hiện mô hình, tôi được thành phố hỗ trợ 85 triệu đồng để lắp đặt nhà lưới. Hội LHPN phường cũng tạo điều kiện giúp gia đình tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 100 triệu đồng để phát triển kinh tế. So với phương pháp truyền thống, trồng dưa trong nhà lưới tránh được những tác động xấu từ thời tiết, nên năng suất được nâng lên đáng kể. Mới đây, tôi đã đưa vào trồng thử nghiệm giống dưa vân lưới, nhằm đa dạng cây trồng, nâng cao thu nhập.

Thực hiện Chương trình “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, đầu năm 2023, Hội LHPN phường Lương Sơn đã rà soát hoàn cảnh của 34 hộ nghèo và 41 hộ cận nghèo do hội viên làm chủ. Trên cơ sở đó, các chi hội đã tích cực triển khai nhiều hoạt động giúp đỡ hội viên phụ nữ nghèo, phụ nữ hoạn nạn bằng 120 ngày công lao động; hỗ trợ hàng trăm cây, con giống; phối hợp với Công ty TNHH Dosun Việt Nam tạo điều kiện cho 1 hộ cận nghèo ở tổ dân phố Xộp được vay vốn với số tiền 10 triệu đồng để phát triển kinh tế...

Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hội LHPN phường Lương Sơn, cho biết thêm: Hàng năm, Hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Sông Công tạo điều kiện cho hàng trăm lượt chị em vay vốn, với tổng dư nợ đến nay đạt trên 4,8 tỷ đồng. Đặc biệt, Hội đã tạo điều kiện cho 100% phụ nữ nghèo được vay vốn để tạo việc làm, tăng thu nhập. Từ năm 2022 đến nay, thông qua hình thức huy động tiết kiệm vốn xoay vòng với chủ đề "Thực hành tiết kiệm", Hội đã thu hút hơn 2.100 lượt chị em tham gia. Qua đó, tiết kiệm được số tiền gần 300 triệu đồng, tạo điều kiện cho trên 60 lượt hội viên vay vốn phát triển kinh tế gia đình...

Với những cách làm phù hợp, hiệu quả, Hội LHPN phường Lương Sơn đã trở thành điểm tựa vững chắc cho hội viên phụ nữ vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Đến nay, tỷ lệ hội viên phụ nữ có kinh tế khá và giàu của phường đạt trên 80% (tăng 15% so với năm 2020); tỷ lệ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ giảm từ 6,5% (năm 2020) xuống còn 1,5% (năm 2022)…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202308/phu-nu-luong-son-phat-trien-kinh-te-ho-e526860/