Phụ nữ Lào Cai và khát vọng vươn lên

Không đầu hàng trước số phận, mạnh mẽ đối diện với nghịch cảnh, thương yêu, chăm lo cho gia đình là những phẩm chất tốt đẹp mà phụ nữ Lào Cai đã và đang thể hiện để điểm tô cho cuộc đời.

Ôm con trong vòng tay và thủ thỉ những lời yêu thương là hình ảnh rất đỗi đời thường của bất kỳ người mẹ nào. Vậy nhưng với chị Vũ Thị Hường ở bản Liên Hà 6, xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, đó lại là giấc mơ lớn nhất cuộc đời và bản thân chị cũng phải đánh đổi, vượt qua bao khó khăn, vất vả mới có được.

Ngay từ khi còn nhỏ, Vũ Thị Hường không được may mắn như bao bạn bè cùng trang lứa khi bị khuyết tật vận động ở một bên chân. Việc di chuyển, vận động khó khăn khiến chị từng tự ti, mặc cảm. Khi trưởng thành, với suy nghĩ phải cố gắng vươn lên, không để mình là gánh nặng của gia đình, chị cùng người thân mở dịch vụ ăn uống trên địa bàn xã Bảo Hà.

Năm 2013, mong ước có một mái ấm nhỏ hạnh phúc, tràn ngập tiếng cười trẻ thơ, chị Hường lập gia đình. Vậy nhưng, thử thách mà cuộc đời đặt ra đối với chị vẫn chưa dừng lại khi trong một lần đi khám, bác sĩ bảo chị khó có thai tự nhiên. Chán nản, tuyệt vọng là những gì mà người phụ nữ ấy phải trải qua trong suốt thời gian dài vì kinh tế khó khăn, bản thân khuyết tật và một ước mơ chưa kịp thành hình.

Có lẽ, niềm tin và khát khao làm mẹ quá lớn mà một sinh linh bé bỏng đã xuất hiện trong cuộc đời của chị. Ngày biết mình có thai, tai chị ù đi vì vui mừng, hạnh phúc. Thế nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, số phận lại một lần thử thách gia đình chị khi em bé bị chẩn đoán sứt môi, hở hàm ếch. Bỏ mặc những lời nói ngoài tai, vợ chồng chị quyết tâm sinh con, đồng hành cùng con trên mọi hành trình.

Con ăn uống khó khăn, đau ốm triền miên, 6 tháng tuổi trải qua lần phẫu thuật đầu tiên; 1 tuổi rưỡi con phẫu thuật lần 2. Nhìn đứa con mà mình chờ đợi, khát khao, yêu thương bị như vậy, ruột gan tôi như thắt lại, nhưng vì con, tôi không cho phép mình chùn bước, yếu mềm hay bỏ cuộc

Chị Vũ Thị Hường

Người mẹ với những bước chân khó khăn đã cùng con đi qua những ngày tháng gian khó suốt 3 năm đầu đời, rong ruổi khắp các bệnh viện. Biết bao gian nan, vất vả đè lên vai, nhưng mỗi lần nhìn cậu con trai 3 tuổi với đôi mắt ngây thơ, tiếng nói ngọt ngào gọi mẹ, chị Hường như được tiếp thêm động lực để lao động, chăm con. Hành trình tìm lại nụ cười trọn vẹn cho con sẽ còn nhiều gian nan, nhưng bằng tình yêu vô bờ và nghị lực vươn lên, chị Hường tin mình sẽ làm được.

Chị Vũ Thị Hường cũng là nhóm trưởng của nhóm phụ nữ tự lực tại xã Bảo Hà. 12 thành viên của nhóm đều là những phụ nữ mang trên mình khuyết tật, có người bị khuyết tật vận động, có người bị ảnh hưởng thần kinh. Dù cơ thể không lành lặn, hoàn hảo, mỗi người có một câu chuyện riêng, vậy nhưng với sự quan tâm của các cấp hội phụ nữ, sự chung tay của cộng đồng và quan trọng hơn là ý chí, sự vươn lên của bản thân, những phụ nữ đặc biệt ở nơi này vẫn đang sống hết mình với cuộc đời, là những người vợ, người mẹ giữ lửa ấm trong mỗi gia đình, nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế.

Ngày chúng tôi đến thăm nhà, chị Hoàng Thị Lý niềm nở ra chào đón. Hình ảnh bình thường ấy vốn không có gì đặc biệt nhưng với chị và những người thân, hàng xóm xung quanh thì đó là một câu chuyện dài.

Trước đây, do thần kinh không ổn định, cuộc sống của chị Lý chẳng có niềm vui. Không là những ngày la hét chạy khắp xóm làng khiến người thân chạy khắp nơi tìm kiếm thì lại tiếp tục là hình ảnh chị Lý u uất, tự ti vì bệnh, sợ tiếp xúc với người lạ, sợ chỗ đông người. Kiên trì điều trị thuốc theo thời gian, tham gia nhóm phụ nữ tự lực và được các chị em quan tâm, động viên, chị Lý dần trở về trạng thái bình thường.

Giờ đây, chị cùng chồng trồng rừng, nuôi cá; mạnh dạn hơn trong giao tiếp xã hội. Điều bình thường ấy chính là kết quả quá trình nỗ lực của người phụ nữ Tày trong thời gian qua để được khỏe mạnh, sống trọn vẹn với cuộc đời.

Tiếp tục câu chuyện về nghị lực, khát khao vươn lên của những người phụ nữ, chúng tôi tìm về thôn Làng Bạc, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng để gặp hội viên Lù Thị Thi, tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế của địa phương.

Căn nhà xây cấp 4 gần 200 m2 là thành quả mới nhất mà vợ chồng chị Thi làm được trong năm 2023. Dù kinh phí xây dựng lên đến 1 tỷ đồng nhưng chị không phải vay mà đều là khoản tiết kiệm của gia đình. Ở một vùng quê thuần nông, để làm được cơ ngơi rộng rãi, chi phí cao mà không cần vay vốn như gia đình chị Thi cũng là chuyện hiếm.

Từ buổi đầu ra ở riêng với hai bàn tay trắng, người phụ nữ dân tộc Nùng theo chồng về làm dâu ở thôn Làng Bạc. Chán cảnh cứ đi làm thuê được vài bữa, tiền kiếm được chi tiêu hết lại loay hoay không biết xoay đâu, khoảng chục năm trở lại đây, vợ chồng chị quyết tâm làm giàu bằng mô hình vườn - ao - chuồng - rừng.

Hơn 5 ha quế, mỡ phủ kín vườn và những quả đồi quanh nhà; 2 ao nuôi cá và đàn gia cầm khoảng 5.000 con/lứa, mỗi năm 3 lứa là kết quả sự nhanh nhạy, cần cù của chị và gia đình trong suốt những năm qua. Có năm thuận lợi, gia đình chị thu về 500 triệu đồng, trừ các khoản chi phí vẫn để ra được 300 triệu đồng…

Lắng nghe những câu chuyện của hội viên, phụ nữ ở nhiều nơi, chúng tôi nhận thấy dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, phụ nữ Lào Cai cũng luôn mang trong mình khát vọng vươn lên. Nghị lực, sự chăm chỉ, không đầu hàng trước số phận tạo nguồn năng lượng tiềm tàng, là sức mạnh để họ sống trách nhiệm, hết mình với cuộc đời, trở thành những người vợ, người mẹ hiền với trái tim đầy yêu thương và đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của quê hương, kiến thiết những giá trị vững bền cho xã hội.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/phu-nu-lao-cai-va-khat-vong-vuon-len-post380956.html