Phụ nữ làm cải cách hiện đại hóa: Có đam mê, có hy sinh

Chị Lê Như Quỳnh- Vụ trưởng, Phó Trưởng ban Cải cách hiện đại hóa hải quan (Tổng cục Hải quan), một cán bộ nữ tiêu biểu của ngành Hải quan vừa vinh dự nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2017 do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trao.

Chị Lê Như Quỳnh (giữa) nhận giải thưởng của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, ngày 17/10/2017.

Tham dự buổi lễ, chị chọn bộ lễ phục của Ngành để lên bục nhận giải thưởng với mong muốn nhiều người biết đến hình ảnh CBCC ngành Hải quan.

Chị tâm sự, trong quá trình công tác, đã may mắn được lãnh đạo Bộ Tài chính, lãnh đạo Tổng cục Hải quan giao phó nhiều nhiệm vụ liên quan đến công tác cải cách hiện đại hóa của ngành. Với chị “làm cải cách hiện đại hóa, nhất là đối với cán bộ nữ phải có đam mê, sáng tạo, bền bỉ”.

Chị chia sẻ, năm 2002, chị được lãnh đạo Tổng cục lựa chọn điều chuyển từ vị trí Phó phòng lên làm Phó Chánh văn phòng, cùng giai đoạn đó, Tổng cục Hải quan sát nhập về Bộ Tài chính. Trước yêu cầu công việc mới, đòi hỏi hệ thống quản lý điều hành ở bộ phận văn phòng Tổng cục cũng phải thay đổi, chị đã cùng anh em trong đơn vị nghiên cứu, thiết lập, thử nghiệm, triển khai hệ thống mạng nội bộ. Lúc đầu chạy thử nghiệm trong Tổng cục, lên lịch từng ngày, bộ phận văn phòng phải gọi điện thoại từng đơn vị để thông báo, nhắc việc. Quy trình xử lý hồ sơ cũng nhiều thay đổi, trước đây các đơn vị trình thẳng lên lãnh đạo Tổng cục thì nay chuyển qua văn phòng thẩm định lại thể thức, nội dung văn bản sau đó mới trình. Với cách làm khoa học, theo từng luồng văn bản đã mang lại hiệu quả cao trong xử lý văn bản của ngành, từ chỗ một ngày trả hồ sơ cho các đơn vị 1 lần/ngày đã tăng lên đều đặn 2 lần/ngày.

Nhớ lại quãng thời gian bắt đầu đó, chị Quỳnh chia sẻ: Mình đã được lãnh đạo tin tưởng, giao phó trọng trách mới, trước đó trực tiếp Tổng cục trưởng đã yêu cầu chị xây dựng một chương trình giúp việc cho lãnh đạo Tổng cục, quản trị công việc như thế nào và "nộp bài" cho Tổng cục trưởng. “Đó chính là sự thử thách của lãnh đạo dành cho mình” - chị nói. Và sự nỗ lực, muốn làm những cái mới mẻ, khao khát thành công có lẽ là lí do để lãnh đạo Bộ Tài chính, lãnh đạo Tổng cục Hải quan chọn chị về làm lãnh đạo Ban Cải cách hiện đại hóa ngành Hải quan từ khi thành lập đơn vị đến nay.

Chặng đường 10 năm của lực lượng chuyên trách hiện đại hóa cũng là 10 năm chị công tác ở Ban. Chị Lê Như Quỳnh cho rằng việc thiết lập một ban chuyên trách để triển khai công tác cải cách hiện đại hóa hải quan rất đúng đắn. 5 năm trước chủ yếu triển khai các dự án mang tính đột phá, thì những năm trở lại đây, việc của Ban là đưa ra khung quản trị tổng quát nhất, kết nối tất cả các hoạt động trong ngành thông qua một chuỗi liên kết chặt chẽ. Về sau các hoạt động cải cách của ngành Hải quan luôn luôn đáp ứng tính tổng thể, tạo sự thống nhất, vận hành thông suốt.

Cho đến nay, chị luôn tự hào khi trong chuỗi các kết quả cải cách hiện đại hóa của ngành Hải quan nói chung, của Ban nói riêng, chị luôn được tham gia từ những công việc ban đầu. Từ việc xây dựng và quản trị Chiến lược phát triển Hải quan đến 2020, kế hoạch cải cách hiện đại hóa giai đoạn 2011-2015, 2016-2020; nghiên cứu đổi mới phương thức quản lý hải quan; triển khai thủ tục hải quan điện tử; nghiên cứu, thực hiện cải cách nguồn nhân lực; thiết lập, đẩy mạnh quan hệ đối tác hải quan; xây dựng hệ thống chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động hải quan; triển khai một cửa quốc gia hướng đến một cửa ASEAN…

Đến thời điểm này, chị vẫn thấy tự tin khi được giao phụ trách lực lượng chuyên trách cải cách hiện đại hóa bởi đúng vào thời điểm ngành Hải quan triển khai mạnh mẽ công tác cải cách hiện đại hóa hải quan, bởi cùng thực hiện nhiệm vụ với chị luôn có những cán bộ có chung niềm đam mê, cống hiến trong lĩnh vực này.

Theo chị, làm cải cách hiện đại hóa không phải là một việc dễ, người phụ nữ làm công tác cải cách hiện đại hóa thì còn phải cố gắng hơn rất nhiều, không chỉ có niềm đam mê mà còn chấp nhận thiệt thòi; thiệt thòi một chút nhu cầu bản thân, một chút sự quan tâm cho gia đình.

Cũng chính vì thấu hiểu được khó khăn vất vả của công việc nên chị luôn mong muốn đào tạo cho các cán bộ trong đơn vị, nhất là các cán bộ nữ có thêm nhiều kỹ năng, kinh nghiệm trong công việc. Chị cho biết, mong muốn của mình là có thể chia sẻ được nhiều kinh nghiệm, kỹ năng trong công việc đã tích lũy được cho cán bộ. Bởi những kiến thức, kỹ năng làm công tác này có tác dụng rất tốt nếu CBCC điều chuyển sang vị trí mới có thể làm tốt nhiệm vụ được giao. Đó là phần thưởng lớn nhất đối với một người chị, một người lãnh đạo.

Với những kết quả đạt được, giải thưởng của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam 2017 dành cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực của đời sống, đóng góp tích cực cho sự phát triển của xã hội là nguồn động viên lớn với chị Lê Như Quỳnh. Theo chị, giải thưởng là sự ghi nhận của Hội đồng thi đua Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam gồm thành viên đánh giá ở nhiều lĩnh vực đã ghi nhận sự đóng góp của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, lực lượng chuyên trách cải cách hiện đại hóa hải quan đối với sự nghiệp đổi mới của đất nước nói chung cũng như lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan nói riêng.

Ngọc Linh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/phu-nu-lam-cai-cach-hien-dai-hoa-co-dam-me-co-hy-sinh.aspx